Nhà đầu tư BOT Bắc Giang – Lạng Sơn "bị trảm" vì thiếu vốn

13/05/2017 08:00
Mai Anh
(GDVN) - Việc siết chặt quản lý nguồn vốn của doanh nghiệp xin làm BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đã giúp loại bỏ doanh nghiệp yếu kém không đủ tiềm lực tài chính.

Kêu gọi đầu tư BOT giao thông (hình thức: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ, nhưng khi thực hiện dưới sự giám sát, quản lý trực tiếp của Bộ Giao thông vận tải thì đã xuất hiện những bất cập. 

Trong những bất cập thu hút đầu tư BOT nổi lên vấn đề đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư. Thực tế ở nhiều dự án nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, làm BOT theo kiểu “tay không bắt giặc”, triển khai dự án dựa hoàn toàn vào vay vốn ngân hàng dẫn đến hiện tượng “giật gấu vá vai”, thu phí khi dự án chưa hoàn thành.

Những bất cập nổi cộm trên được các phương tiện truyền thông phản ánh khá nhiều trong thời gian qua, bước đầu đã mang lại hiệu quả khi Bộ Giao thông vận tải đã lưu tâm tới vấn đề này hơn. Thể hiện rõ nhất tại dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn.

Lễ động thổ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. ảnh nguồn Sài Gòn Giải Phóng
Lễ động thổ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. ảnh nguồn Sài Gòn Giải Phóng

“Trảm” nhà đầu tư “tay không bắt giặc”

Thông tin đăng tải trên nhiều tờ báo cho biết dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chính thức động thổ tháng 7/2015 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. 

Dự án được triển khai theo hình thức BOT với 6 nhà nhà đầu tư liên danh, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư 468, Công ty Cổ phần Giao thông xây dựng số 1 và Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà. 

Để thực hiện dự án, liên danh đã thành lập Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với số vốn sở hữu (góp vốn) 13%, 87% còn lại vay ngân hàng. 

Về quy mô dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km, 4 làn xe và nâng cấp 110 km mặt Quốc lộ 1 hiện hữu có tổng đầu tư 12.180 tỷ đồng.

Sau một năm động thổ, tháng 10/2016 nhà đầu tư vẫn chưa thể ký được hợp đồng cung cấp vốn với bất kỳ ngân hàng nào.

Trong bối cảnh đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC đã đưa ra quyết định bất ngờ là rút khỏi dự án.

Tương tự Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành từ chiếm 25% cổ phần, rút xuống còn 5% và đến nay đã không còn trong danh sách cổ đông của Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Phối cảnh cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn khi hoàn thành - ảnh nguồn Sài Gòn Giải Phóng
Phối cảnh cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn khi hoàn thành - ảnh nguồn Sài Gòn Giải Phóng

Theo Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải) Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã vi phạm 3 lỗi trong quá trình thực hiện các quy định hợp đồng BOT gồm: Bảo lãnh hợp đồng, nguồn vốn chủ sở hữu và hợp đồng tín dụng của dự án. 

Cụ thể, theo quy định hợp đồng BOT giữa Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và Bộ Giao thông vận tải ký ngày 25/11/2016, nhà đầu tư phải cung cấp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo hình thức bảo lãnh của ngân hàng với số tiền hơn 121,8 tỷ đồng trước ngày 8/12/2016; Huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu (khoảng hơn 1.200 tỷ đồng) sau 30 ngày và ký hợp đồng tín dụng (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng) sau 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng BOT.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2017, nhà đầu tư vẫn chưa có đảm bảo thực hiện hợp đồng dự án, chưa nộp đủ vốn chủ sở hữu với số tiền còn thiếu khoảng hơn 700 tỷ đồng và chưa ký được hợp đồng tín dụng cho dự án.

Để chấn chỉnh tình trạng yếu kém của nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Văn bản 15292 ngày 21/12/2016 và Văn bản 602 ngày 17/1/2017 gửi nhà đầu tư thông báo về việc vi phạm hợp đồng dự án. 

Nhà đầu tư BOT Bắc Giang – Lạng Sơn "bị trảm" vì thiếu vốn ảnh 3

Ông Đinh La Thăng có trách nhiệm thế nào với một số dự án BOT giao thông?

Nhà đầu tư BOT Bắc Giang – Lạng Sơn "bị trảm" vì thiếu vốn ảnh 4

Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân khi phê duyệt các dự án BOT

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn không đáp ứng được yêu cầu trong việc thực hiện quy định về bảo lãnh thực hiện hợp đồng, góp vốn chủ sở hữu và huy động vốn tín dụng. 

Đến ngày 15/3/2017, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Văn bản 2643 thông báo về việc dự kiến chấm dứt hợp đồng dự án.

Trong một diễn biến khác, trước việc cổ đông rút khỏi liên danh đầu tư BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) gửi đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải xin tham gia đầu tư tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.

Bộ Giao thông vận tải đã từ chối, không cho Geleximco tham gia dự án án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Lý do Bộ Giao thông Vận tải đưa ra hiện nay, nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang vi phạm hợp đồng dự án, chưa hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng. Do đó, không thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dự án.

Thận trọng lựa chọn nhà đầu tư

Trong cuộc họp mới đây của Bộ Giao thông vận tải bàn về dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng dự án sẽ phát sinh các vướng mắc như kéo dài tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nơi dự án đi qua và ảnh hưởng tới các nhà thầu thi công khi đã ứng vốn trước để thực hiện dự án…

Tuy vậy Bộ Giao thông vận tải buộc phải đưa ra một quyết định cứng rắn nhằm tránh những thiệt hại lâu dài cho cả người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Đánh giá việc Bộ Giao thông vận tải quyết định chấm dứt hợp đồng dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn với nhà đầu tư ban đầu và tìm nhà đầu tư khác, Luật sư Trương Thanh Đức - Chuyên gia tham vấn thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Chính phủ cho rằng, đây là việc làm cần thiết để đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực.

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2011-2015, nhu cầu nguồn vốn đầu tư của các dự án BOT, BT khoảng 484.000 tỷ đồng, nhưng nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và vốn vay ưu đãi (ODA) chỉ cân đối được 181.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 37%. 

Trong bối cảnh đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã đẩy mạnh hình thức xã hội hóa đầu tư, thu hút vốn đầu tư tư nhân.

Trong tổng vốn huy động từ khu vực tư nhân, chỉ có vài công trình tiếp cận được vốn vay nước ngoài, còn lại gần 90% vốn đầu tư vào các dự án BOT giao thông xuất phát từ vay vốn của các ngân hàng thương mại.

Để tránh lặp lại bài học giống như dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang khi muốn làm đường gom nhưng thiếu vốn cần thận trong lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang - Hà Nội - ảnh nguồn VOV.
Để tránh lặp lại bài học giống như dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang khi muốn làm đường gom nhưng thiếu vốn cần thận trong lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang - Hà Nội - ảnh nguồn VOV.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, cho vay BOT giao thông mang đến rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.

Cụ thể, vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn dưới 1 năm, trong khi thời gian đầu tư cho dự án BOT giao thông lên tới 15 - 20 năm.

Sự chênh lệch kỳ hạn quá lớn như vậy dễ khiến ngân hàng mất cân đối tài chính, nếu quản trị dòng tiền không tốt hoặc dự án không thu hồi được vốn theo kế hoạch thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả kinh doanh và cả tài sản sở hữu của ngân hàng.

Trong khi đó những doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính tốt phải đi vay, do đó không chủ động được nguồn vốn ổn định phục vụ dự án. Hoặc dù vay được vốn nhưng do chịu lãi suất vay thương mại cao, thu phí không đủ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính.

Theo Luật sư Đức, từ chính bài học của nhà đầu tư thực hiện BOT cao tốc Hà Nội – Bắc Giang (sẽ nối tiếp với BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn khi hoàn thành) là một ví dụ.

Dù dự án dự án xây dựng theo tiêu chuẩn cao tốc nhưng BOT Hà Nội – Bắc Giang vẫn chưa có đường gom, vì thiếu vốn. Hiện cả phương tiện ô tô, xe máy cùng lưu thông chung trên cùng tuyến đường là sai với mục đích đầu tư đặt ra.

Một dẫn chứng khác, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang “đau đầu” lo khoản tiền trả lãi cho số tiền vay 300 triệu USD từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất 8 tỷ đồng/ngày trong khi thu phí trung bình chỉ đạt 5,5 tỷ đồng/ngày.

Luật sư Đức nhận định: Nguyên nhân dẫn đến mức phí BOT liên tục tăng do nhà đầu tư không có tiền, phải vay với lãi suất cao tại ngân hàng.

“Vốn không có, nhà đầu tư BOT phải đi vay ngân hàng với lãi suất thương mại cao, do đó bên cạnh chi phí hoạt động, lãi doanh nghiệp nhà đầu tư phải chịu lãi ngân hàng. Chính áp lực lãi suất khiến chủ đầu tư BOT buộc phải có lộ trình tăng phí. Điều đáng nói là vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này”, Luật sư Đức cho biết.

Vì thế, muốn giảm mức phí BOT, theo Luật sư Đức phải làm từ gốc rễ có nghĩa phải chặt chẽ từ khi lựa chọn nhà đầu tư.

Luật sư Đức nhấn mạnh dù dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn rất quan trọng nhưng không vì thế mà vội vàng, ngược lại càng phải thận trọng cần lựa chọn nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính, đủ kinh nghiệm để triển khai dự án.

Mai Anh