Những đại gia ngân hàng Việt khởi nghiệp thành công rực rỡ ở Nga

05/09/2013 06:55
Theo vef
Những thông tin công bố gần đây cho thấy, rất nhiều ông chủ của các NH là những doanh nhân đã từng học tập và làm ăn kinh doanh thành công ở Nga về.
Về nước chọn ngân hàng

Gần đây, giới đầu tư nhắc nhiều đến cái tên Đặng Khắc Vỹ, thành viên HĐQT Ngân hàng Quốc tế (VIB) bởi lẽ ông mới là cổ đông cá nhân lớn nhất của ngân hàng này và đang cùng với vợ nắm giữ tới 18,6% cổ phần VIB, cao hơn rất nhiều so với gia đình ông Hàn Ngọc Vũ - chủ tịch HĐQT VIB. Ông Vũ và gia đình nắm chưa tới 0,4% cổ phần.

Trên thực tế, ông Đặng Khắc Vỹ tđã được biết đến là một trong những thành viên sáng lập VIB. Ông được giới thiệu là tiến sỹ kinh tế và đã có nhiều năm làm việc tại Nga, Singapore... và từng nổi tiếng về kinh doanh mì gói tại Nga với những những cuộc cạnh tranh gay gắt với sản phẩm mì gói của Masan.

Ông Vỹ còn được biết đến là ông chủ của một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài, Future Generation.


Mặc dù vậy, trong khi ông Nguyễn Đăng Quang - một trong những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam (tính theo tài sản của các thành viên trong gia đình) từ Đông Âu về nước tiếp tục nổi như cồn với cái nghiệp "mì tôm, nước chấm" hay ông Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, thì ông Vỹ lại kín tiếng khá lâu.

Sự áp đảo về tỷ lệ nắm giữ tại một VIB cùng với những hoạt động mạnh mẽ ở các thị trường nước ngoài trong đó có Nga có lẽ sẽ khiến tên tuổi của ông Vỹ, một doanh nhân khá trẻ (45 tuổi) sớm lọt tốp những người giàu và thành công nhất tại Việt Nam.

Hai ông Nguyễn Đăng Quang (1963) và ông Hồ Hùng Anh (1970) cho dù hiện đang rất nổi tiếng với vai trò chủ tịch và phó chủ tịch HĐQT đang dẫn dắt Tập đoàn Masan (MSN) nhưng trước đó hai đại gia này cũng đã được biết đến với tư cách là những nhà lãnh đạo và cổ đông của Techcombank.

Hiện tại ông Hồ Hùng Anh là chủ tịch HĐQT Techcombank, trong khi ông Nguyễn Đăng Quang là phó chủ tịch. Tập đoàn Masan đang nắm giữ gần 20% cổ phần tại Techcombank - một trong những phát triển mạnh nhất trong khoảng 10 năm gần đây.

Từ sự phát triển trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng và hoạt động ngân hàng hai đại gia Đăng Quang và Hùng Anh đã mở rộng để chế của mình. Gần đây, MSN thực hiện hàng loạt các vụ thâu tóm để mở rộng quy mô như Nước khoáng Vĩnh Hảo, Vinacafé Biên Hòa, Proconco, Núi Pháo...

Một doanh nhân khác cũng học và làm việc tại Nga về nước và trở thành ông chủ của một ngân hàng là ông Ngô Chí Dũng. Ông Dũng hiện đang là chủ tịch HĐQT VPBank. Trước đó, ông Dũng từng là cổ đông sáng lập ngân hàng VIB, rồi một thời là phó chủ tịch Techcombank trước khi trở thành người đứng đầu VPBank.

Bên cạnh các doanh nhân nói trên, còn một số đại gia cũng học tập và làm việc ở Nga về có tham gia vào lĩnh vực tài chính ngân hàng như: ông Nguyễn Cảnh Sơn (1967), tham gia vào Techcombank, VIB Bank ...

Điểm tựa tài chính?

Một điểm chung của các ông chủ ngân hàng có "gốc Nga" là họ rất giàu và trẻ, độ tuổi chỉ trên 40 cùng với trình độ sẵn có, khả năng tài chính vững mạnh nhờ kinh doanh thành công tại nước Nga và khu vực Đông Âu, các doanh nhân này đang thâm nhập rất mạnh mẽ vào các ngân hàng.

Không những thế, đa số các doanh nhân này đều tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác và nhiều khi những lĩnh vực mở rộng lại là trọng tâm trong chiến lược của họ.

Trong trường hợp ông Nguyễn Đăng Quang (1963) và ông Hồ Hùng Anh (1970), hai đại gia này gần đây nổi tiếng vì Masan nhiều hơn so với Techcombank. Sự nghiệp của hai doanh nhân này có lẽ nằm ở Masan với sự phát triển ít người nghĩ tới. Vốn hóa của tập đoàn này giờ đây đã lên tới xấp xỉ 3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Cảnh Sơn (1967) cũng đã có một thời kỳ bùng nổ với thương hiệu Eurowindow và trong vài năm gần đây là BĐS, vật liệu xây dựng.

Cũng như ông Đặng Khắc Vỹ, ông Sơn được biết đến với nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nước ngoài, chưa rút về hẳn như ông Phạm Nhật Vượng.

Hiện tượng rất nhiều doanh nhân thành đạt ở nước ngoài rút về nước làm ăn đã tạo ra một làn sóng kinh doanh mới ở trong nước. Kinh nghiệm và trình độ của họ đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của nhiều doanh nghiệp trong nước nói chung. Nhiều doanh nghiệp mới nổi lên như Masan, Eurowindow, Vingroup, Sungroup... đã trở thành những đơn vị dẫn đầu trong từng lĩnh vực và góp phần giúp tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Những quyết định táo bạo của các doanh nhân này đã giúp Việt Nam gần đây có được hàng loạt các dự án lớn như: Vinpearl Land Nha Trang, Royal City, khu du lịch Đại Nam, Bà Nà Hills...

Khi tham gia vào các lĩnh vực tài chính, các doanh nhân này cũng đã góp phần thay đổi bộ mặt của các ngân hàng cổ phần như ở Techcombank, VPBank, VIBBank...

Sự thành công nối tiếp thành công của các doanh nhân đại gia này là đáng mừng. Tuy nhiên, sự kín tiếng ở mức khá cao của nhiều ông chủ ngân hàng cũng khiến giới đầu tư hay bàn tán xôn xao về tầm ảnh hưởng của các doanh nhân này
Theo vef