Những rủi ro khi mua cổ phiếu Vietnam Airlines

20/10/2014 08:12
NGUYỄN QUÂN
(GDVN) - Có khá nhiều rủi ro dự kiến khi mua cổ phiếu của Vietnam Airlines mà các nhà đầu tư tiềm năng cần cân nhắc kỹ.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm tới có gì đặc biệt?

Theo kế hoạch giai đoạn 2014 – 2018, giá trị tổng tài sản của Vietnam Airlines sẽ  đạt 107.758 tỷ đồng vào năm 2018 (tăng 49.664 tỷ đồng so với 31/12/2013), trong đó tài sản cố định chiếm bình quân 57- 65 tổng tài sản. 

Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (31/03/2013) là 10.576 tỷ đồng. Vốn chủ  sở hữu của Vietnam Airlines giai đoạn 2014– 2018 dự kiến tăng thêm 16.000 tỷ đồng, đạt mức 26.576 tỷ đồng vào cuối năm 2018, tăng gấp 2,65 lần so với cuối năm 2013.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014-2018 (Đơn vị tính: Tỷ đồng).
Kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014-2018 (Đơn vị tính: Tỷ đồng).

Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển đội bay và các dự án hạ tầng, dự kiến trong giai đoạn 2014–2018, tổng nhu cầu vốn vay trung dài hạn của Vietnam Airlines là 61.218 tỷ đồng (tương đương 2,708 tỷ USD), trong đó vay cho các dự án đầu tư đội bay bao gồm 5 A321, 10 A350 và 8 B787 là 2,597 tỷ USD chiếm 96% tổng dư nợ. 

Đồng thời trong giai đoạn này, Vietnam Airlines cũng sẽ thực hiện thanh toán nợ gốc các khoản vay dài hạn ước tính là 44.958 tỷ đồng, tương đương 1.978 triệu USD. Tổng dư nợ các hợp đồng tín dụng dài hạn của Vietnam Airlines tính đến 31/12/2018 dự kiến vào khoảng 58.130 tỷ đồng, tăng 20.281 tỷ đồng so với cuối năm 2013 (tổng dư nợ các hợp đồng vay dài hạn tại 31/12/2013 là 37.818 tỷ đồng), trong đó nợ đến hạn là 6.629 tỷ đồng. 

Ngoài các khoản vay dài hạn, Vietnam Airlines tiếp tục có kế hoạch sử dụng nguồn vay ngắn hạn để điều tiết cân bằng dòng tiền (USD), đáp ứng nhu cầu thanh toán trong những kỳ cao điểm thanh toán và/hoặc những thời điểm thanh khoản thị trường ngoại hối khó khăn trong giai đoạn 2014-2018. Vay ngắn hạn sẽ được sử dụng linh hoạt trên nguyên tắc tăng cường công tác quản trị và dự báo dòng tiền nhằm đảm bảo chi phí vốn hợp lý cho doanh nghiệp. 

Những rủi ro dự kiến

Vietnam Airlines cho biết, việc một hoặc nhiều rủi ro nêu dưới đây xảy ra có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến tình hình kinh doanh, tài chính hoặc kết quả hoạt động của Vietnam Airlines, và có thể ảnh hưởng đến giá cả cổ phiếu. Những vấn đề cần quan tâm và những khả năng không chắc chắn khác mà Vietnam Airlines hiện không biết đến hoặc cho là không quan trọng cũng có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến việc đầu tư vào cổ phiếu Vietnam Airlines.

Trước tiên, về rủi ro về chính trị, Vietnam Airlines xác định, vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á dẫn đến nhiều bất ổn trong khu vực, trong đó có mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là trong thời điểm Trung Quốc được coi là  một trong những thị trường trọng điểm của Vietnam Airlines. 

Trong các giai đoạn tình hình chính trị thế giới không ổn định, diễn ra các cuộc nội chiến cũng như các cuộc tấn công khủng bố và can thiệp quân sự, hoạt động của các hãng hàng không sẽ chịu rủi ro do các vấn đề trên có thể tác động đến tâm lý hành khách, hạn chế di chuyển và khiến các thủ tục an ninh phải thắt chặt làm tăng chi phí cũng như giảm hiệu quả khai thác. Đặc biệt sự bất ổn về chính trị thường khiến giá dầu tăng mạnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines. 

Vietnam Airlines phải đối mặt với khá nhiều rủi ro, thách thức.
Vietnam Airlines phải đối mặt với khá nhiều rủi ro, thách thức.

Bên cạnh những rủi ro về chính trị, một rủi ro khác mà các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu tâm đó là những rủi ro về kinh tế. Năm 2013, suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu vận chuyển, đi lại của khách hàng. 

Đối với Việt Nam, kinh tế - xã hội năm 2013 tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và dự báo vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2014. Nền kinh tế mặc dù đã có chuyển biến tích cực hơn nhưng còn chậm và chưa chắc chắn. 

Các rủi ro kinh tế vĩ mô vẫn hiện hữu: lạm phát cao, đồng nội tệ mất giá, lãi suất không ổn định. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh hưởng lớn đến thị trường hàng không Việt Nam, đặc biệt là thị trường hàng không nội địa và quốc tế đi (outbound). 

Do vậy, suy thoái kinh tế toàn cầu và trong nước đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu vận chuyển, đi lại của khách hàng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng, GDP giảm sẽ khiến cho lượng khách giảm và khách hàng sẽ nhạy cảm hơn về giá và có xu hướng chuyển sang lựa chọn các hãng hàng không giá rẻ. 

Thu nhập trung bình của người dân Việt Nam thấp dẫn đến chi tiêu cho vận tải hàng không còn hạn chế. Hiện nay, người tiêu dùng còn rất nhạy cảm về giá, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch cải thiện doanh thu trung bình của hãng; 

Giá dầu trên thế giới không ổn định và có xu hướng tăng, điều này khiến cho Vietnam Airlines khó lập kế hoạch chính xác để ước tính lợi nhuận. 

Rủi ro thứ ba được Vietnam Airlines đề cập tới là nhóm rủi ro về pháp lý.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên của Tổng   công   ty  chịu   sự  điều   chỉnh   bởi   hệ thống   pháp   luật   và   chính   sách   của Nhà  nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm: Luật Doanh nghiệp, các chính sách thuế,… 

Nếu sau đợt chào bán, Vietnam Airlines trở thành công ty cổ phần đại chúng, Vietnam Airlines còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Do hệ thống pháp luật Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện nên sự thay đổi về chính sách luôn có thể xảy ra và có thể tạo điều kiện thuận lợi hoặc có ảnh hưởng không tốt  cho hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines. 

Hoạt động vận tải hàng không phụ thuộc nhiều vào các quy định của Chính phủ, với việc cung cấp dịch vụ quốc tế, hãng phải chịu chi phối của pháp luật của Việt Nam và một số nước mà hãng định hướng khai thác đến. Trong một số trường hợp, giá vé và lịch bay phải được sự phê duyệt của Chính phủ các nước liên quan. 

Về vấn đề bảo vệ môi trường, chương trình thu phí nhiên liệu xả thải tại EU đã tạm dừng, tuy nhiên nếu áp dụng có thể dẫn tới tăng chi phí khai thác của Vietnam Airlines. 

Cùng với sự phát triển của ngành hàng không và chính sách mở cửa nền kinh tế, Chính phủ  các nước, trong đó có Việt Nam buộc phải giảm dần các biện pháp bảo hộ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Nhà nước. Các quy định về vốn FDIs, các chính sách tạo điều kiện cho các hãng hàng không tư nhân và liên doanh với nước ngoài tăng mạnh. Một số nước trong khu vực đang có số lượng hãng hàng không lớn được cấp phép lớn như Indonesia 47 hãng, Thái Lan 31 hãng,... 

Với việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu  tới 49% cổ phần của một hãng hàng không và tư nhân được thành lập hãng hàng không mới, thị trường vận tải hàng không tại Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hãng hàng không tham gia khai thác. 

Bên cạnh đó, xu hướng liên minh, xu hướng ra đời và cạnh tranh quyết liệt của các hãng hàng không giá rẻ (LCC) đối với phân thị khách thu nhập thấp làm gia tăng rủi ro suy giảm thị phần của các hãng hàng không truyền thống, trong đó có Vietnam Airlines. Điều này sẽ khiến cạnh tranh ngày càng gia tăng trên cả thị trường trong nước và quốc tế.  

Tại thị trường ASEAN, chính sách mở cửa bầu trời tại ASEAN và các hợp tác liên doanh giữa các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực với các hãng trong nước để khai thác thị trường nội địa Việt Nam làm tăng cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. 

Tại thị trường Châu Âu, bên cạnh việc cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh cửa ngõ truyền thống (Thai Airways, Singapore Airlines, Cathay Pacific), các hãng tại khu vực Trung Đông như Emirates, Qatar, Ethiad đang tiếp tục đẩy nhanh việc mở rộng khai thác đi đến Việt Nam, chiếm thị phần ngày càng lớn trên phân thị khách đi lại giữa châu Âu và Việt Nam. Với ưu thế về tần suất cao, chất lượng dịch vụ tốt và giá bán hợp lý, các hãng này sẽ ngày càng tạo sức ép cạnh tranh lên Vietnam Airlines trên thị trường khu vực Châu Âu. 

Bên cạnh những rủi ro thường trực trong môi trường sản xuất kinh doanh, Vietnam Airlines còn đối mặt với những rủi ro mang tính đặc thù ngành hàng không như khan hiếm nguồn nhân lực cao cấp (đặc biệt là phi công, kỹ sư kỹ thuật); hạ tầng kỹ thuật sân bay kém chất lượng, không theo kịp tốc độ phát triển dẫn tới số lượng đỗ tàu tại các sân bay hạn chế; chính sách Nhà nước về việc tiếp cận với quyền khai thác giờ hạ/cất cánh tại các sân bay lớn, quốc tế. 

Trong khi đó, với tốc độ nghiên cứu và phát triển công nghệ diễn ra nhanh chóng, các sản phẩm, giải pháp công nghệ thay thế cho dịch vụ hàng không như  video-conferencing, tàu siêu tốc đang tạo ra nhiều thách thức cạnh tranh cho các hãng hàng không. 

Với đặc thù chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của Vietnam Airlines, nên việc biến động chi phí nguyên liệu máy bay (jet kerosene) sẽ ảnh hưởng   trực   tiếp   tới   kết quả hoạt  động   sản   xuất   kinh   doanh   của Vietnam   Airlines. Để phòng ngừa rủi ro này, Vietnam Airlines đã thực hiện ký kết các hợp đồng nghiệp vụ bảo hiểm giá nguyên liệu một cách thận trọng theo nhiều kỳ hạn và cấu trúc khác nhau.

Đợt chào bán này là đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu của Vietnam Airlines để cổ phần hóa. Do không phải là đợt chào bán có bảo lãnh phát hành nên đợt bán đấu giá này có thể xảy ra tình huống: tổng khối lượng cổ phần được mua thấp hơn khối lượng chào bán. 

Rủi ro của đợt chào bán, nếu xảy ra, sẽ làm thay đổi cơ cấu vốn điều lệ thực tế của Vietnam Airlines so với cơ cấu dự kiến, đồng thời, làm giảm thặng dư vốn cổ phần, qua đó phần nào ảnh hưởng tới việc thực hiện các kế hoạch kinh doanh của Vietnam Airlines sau khi cổ phần hóa.

NGUYỄN QUÂN