Nhượng quyền khai thác sân bay cho tư nhân: Người tiêu dùng hưởng lợi

27/02/2015 07:12
Mai Anh
(GDVN) - Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trước việc Bộ Giao thông Vận tải đẩy mạnh thực hiện Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư hạ tầng hàng không.

Xu hướng tất yếu

Tại cuộc họp triển khai thực hiện Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không diễn ra vào sáng 25/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có chỉ đạo quyết liệt trong việc để doanh nghiệp tư nhân tham gia mạnh mẽ xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không.

Cũng tại cuộc họp, Cục Hàng không Việt Nam đã trình báo cáo về kế hoạch triển khai Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Trong đó có dự án thí điểm như Mở rộng sân đỗ máy bay và xây dựng nhà để xe ô tô Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Nhượng quyền khai thác nhà ga T1 Sân bay quốc tế Nội Bài; Dự án nhượng quyền khai thác Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc hoặc nhượng quyền khai thác nhà ga hành khách Phú Quốc…

Sau khi nghe báo cáo của Cục Hàng không, ý kiến các đại biểu, kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Cục Hàng không tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, làm lại báo cáo về kết quả thực hiện xã hội hóa lĩnh vực hàng không hiện nay bao gồm kết cấu hạ tầng cảng, vận chuyển hàng không, quản lý bay…; kế hoạch triển khai cụ thể xã hội hóa lĩnh vực hàng không.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không (ảnh nguồn http://www.mt.gov.vn)
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không (ảnh nguồn http://www.mt.gov.vn)

Đồng thời Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đồng ý cho hãng hàng không Vietjet khai thác sảnh E nhà ga T1 sân bay quốc tế Nội Bài.

Việc lần đầu tiên Bộ Giao thông vận tải cho phép hãng hàng không tư nhân, cho phép doanh nghiệp tư nhân được tham gia khai thác nhà ga, khai thác sân bay thay vì giao toàn bộ cho Tổng Công ty Quản lý bay và Tổng Công ty Cảng hàng không là điểm mới, đáng chú ý.

Theo TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng: Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không là xu hướng chung của thế giới và sớm muộn Việt Nam cũng sẽ phải tham gia.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, với nền kinh tế gặp khó khăn về tài chính huy động nguồn vốn từ nhân cùng nhà nước tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng là giải pháp tốt nhất khi nguồn vốn đầu tư hạn hẹp trong khi nhà nước đang phải vừa đầu tư xây dựng vừa tham gia quản lý những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được.

Nhượng quyền một phần sân bay Nội Bài cho Vietjet sẽ tăng hiệu quả hoạt động ngươi dân được hưởng lợi.
Nhượng quyền một phần sân bay Nội Bài cho Vietjet sẽ tăng hiệu quả hoạt động ngươi dân được hưởng lợi.

“Nhà nước chỉ nên đầu tư bước đầu hoặc huy động đầu tư sau đó nhượng quyền cho doanh nghiệp tư nhân tham gia quản lý kinh doanh. Khi đó nhà nước sẽ có ngay nguồn thu để tái đầu tư”, TS Nguyễn Minh Phong cho biết.

Từ thực tế nguồn ngân sách trong nước đang gặp khó khăn cũng như xu hướng của các nền kinh tế thế giới đang tăng cường tư nhân hóa, tạo ra nền kinh tế thị trường, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Định hướng của Chính phủ và của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cầu hạ tầng hàng không là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu mới”.

Người dân được hưởng lợi

Điều quan trọng hơn là khi nhượng quyền cho doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, kinh doanh gần như chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn nguồn thu của nhà nước tăng lên. Cái cuối cùng người tiêu dùng được hưởng lợi do có cạnh tranh trên thị trường, thay vì độc quyền chỉ có doanh nghiệp nhà nước như trước đây.

Tuy ủng hộ việc để cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác nhà ga sân bay nhưng theo TS Phong, nhà nước cần có hành lang pháp lý chặt chẽ đảm bảo an ninh, an toàn, tránh lợi ích nhóm, tránh vấn đề doanh nghiệp lợi dụng để buôn lậu gian lận thương mại…

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học Kinh tế (Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) cho rằng: Khi cho doanh nghiệp tư nhân được khai thác, kinh doanh nhà ga, sân bay nhà nước sẽ có thêm nguồn thu để đầu tư vào hạ tầng giao thông khác nhằm giảm áp lực cho ngân sách.

So sánh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, PGS.TS Bùi Quang Bình nhận định: “Ai đi máy bay, so sánh giá vé Vietjet và Vietnam Airlines đều thấy cùng quãng đường đó, cùng máy bay đó tại sao giá vé của Vietjet lại rẻ hơn? Trong khi Vietjet vẫn có thể trả lương nhân viên mức cao hơn các hãng hàng không khác, bởi họ có bộ máy gọn nhẹ quản trị tốt”.

PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng, đã là doanh nghiệp tư nhân buộc phải làm tốt vì không kinh doanh tốt phải bỏ tiền túi mình ra. Trong khi từ trước đến nay ngành hàng không  nhà nước bỏ vốn đầu tư, rồi giao doanh nghiệp nhà nước quản lý. Doanh nghiệp bộ máy cồng kềnh sau khi khai thác phải trừ mọi chi phí nhân công, chi phí quản lý, chi phí bảo dưỡng… phải rất lâu mới có tiền tái đầu tư.

“Thay vì như vậy giao doanh nghiệp tư nhân, nhượng quyền khai thác cho hãng hàng không tư nhân nhà nước có ngay nguồn tiền để tái đầu tư, mọi chi phí quản lý, bảo dưỡng do tư nhân thực hiện nhà nước chỉ giảm sát. Nên hiểu ở đây hãng hàng không tư nhân, doanh nghiệp tư nhân chỉ mua quyền khai thác sân bay nhà ga chứ không phải mua nhà ga, mua sân bay”, PGS.TS Bùi Quang Bình phân tích.

Cũng giống như so sánh giá vé máy bay như trên, điểm cuối cùng sau khi cho phép doanh nghiệp tư nhân được khai thác sân bay, nhà ga theo PGS.TS Bình người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Chắc chắn khi quyền khai thác nhà ga T1 của sân bay Nội Bài được giao Vietjet hiệu quả khai thác sẽ cao hơn, giá dịch vụ sẽ giảm và người tiêu dùng được hưởng lợi hơn.

Mai Anh