Nợ công Việt Nam 66,4% GDP, Bộ Tài chính nói gì?

04/10/2015 08:43
Anh Minh/chinhphu.vn
(GDVN) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, mức nợ công 66,4% GDP từ một đơn vị nghiên cứu của Việt Nam công bố mới đây là kết quả của cách tính không đúng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, mức nợ công 66,4% GDP từ một đơn vị nghiên cứu của Việt Nam công bố mới đây là kết quả của cách tính không đúng quy định của Luật Quản lý nợ công.





Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý III, lãnh đạo Bộ Tài chính đã giải đáp các băn khoăn dư luận quan tâm, trong đó đáng chú ý là vấn đề về số liệu nợ công, vay tiền NHNN thực hiện nhiệm vụ ngân sách…

Về số liệu nợ công, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, mức nợ công 66,4% GDP từ một đơn vị nghiên cứu của Việt Nam công bố mới đây là kết quả của cách tính không đúng quy định của Luật Quản lý nợ công.

Khẳng định số liệu của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Mai cho biết, các khoản được tính vào nợ công gồm có: nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ địa phương, còn việc tính thêm các khoản như chi phí dự phòng nợ bất khả kháng 5% vào nợ công là không đúng quy định hiện hành.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thứ trưởng Mai cũng khẳng định, Bộ Tài chính là cơ quan có trách nhiệm báo cáo các thông tin này với Quốc hội, Chính phủ và công khai thông tin với các cấp, các ngành cũng như tới người dân số liệu nợ công.

Theo báo cáo Quốc hội gần đây nhất vào ngày 18/5, chỉ số nợ công năm 2014 được tính toán là 59,6% GDP, trong đó nợ Chính phủ chiếm 47,4%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,3% và nợ địa phương là 0,8%.  Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đối chiếu với các cơ quan chức năng và các nhà tài trợ về con số nợ công. Khả năng thực tế có thể giảm chút ít do các khoản bảo lãnh Chính phủ giảm so với ước tính.

Về giải quyết nợ đọng thuế của khoảng 600 doanh nghiệp bị “bêu tên” cuối tháng 7/2015, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho biết, từ thời điểm đó đến nay ngành thuế mới thu nợ được khoảng 2.200 tỉ đồng (chiếm khoảng 19,6% tổng số nợ). Không hài lòng với kết quả đạt được, Tổng Cục trưởng Bùi Văn Nam đã yêu cầu, đến hết quý III (hiện chưa công bố cập nhật số liệu), toàn ngành thuế phải thu được ít nhất 50% tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp bị nêu tên.

Về công tác thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, sau 9 tháng, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra gần 52.000 doanh nghiệp (tăng khoảng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái), qua đó giảm khấu trừ và giảm lỗ hơn 16.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành tài chính đã xử lý tăng thu khoảng 8.400 tỉ đồng và nộp ngân sách Nhà nước khoảng hơn 6.000 tỉ đồng.

Tổng cục Thuế cũng tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, tính đến hết tháng 9/2015, trong tổng số 507.000 doanh nghiệp trên cả nước đã có 450.000 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia nộp thuế điện tử. Nếu trừ đi số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập và chưa đi vào hoạt động thì đã đạt tỷ lệ 90,5%.

Đối với lĩnh vực hải quan, lãnh đạo ngành này tái khẳng định vẫn đang tập trung thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau thông quan; đấu tranh chống buôn lậu, thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, triển khai hải quan điện tử, thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Chính phủ…

Trong thời gian tới, cơ quan thuế, cơ quan hải quan khẳng định sẽ tăng cường phối hợp với cấp ủy và chính quyền ở địa phương và các cơ quan chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn (công an, biên phòng, quản lý thị trường,...) trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế...

Về tình hình ngân sách sau 9 tháng, Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách ước đạt 683.000 tỉ đồng, bằng 75% dự toán cả năm. Trong số này, thu nội địa được tính toán trên 504.000 tỉ đồng (bằng khoảng 79% dự toán và tăng khoảng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái). Thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt trên 187.000 tỉ đồng. Thu từ dầu thô 9 tháng chỉ đạt 51.780 tỉ đồng, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Về chi ngân sách, con số được tính toán sau 9 tháng khoảng 823.970 tỉ đồng, bằng 71,8% so với dự toán. Bội chi ngân sách đạt 140.970 tỉ đồng, xấp xỉ 62,4% dự toán cả năm.

Theo Bộ Tài chính, tiến độ huy động không được như kỳ vọng (huy động vốn khi luỹ kế đến 30/9), tổng lượng trái phiếu mà Kho bạc Nhà nước huy động được đạt gần 127.500 tỉ đồng (đã bao gồm 1 tỷ USD phát hành trong nước), tương đương 51% kế hoạch và 61% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được lý giải là do tác động của việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, khiến các đồng tiền khác, bao gồm tiền VND phải hạ giá theo.

Điều này đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường, nhà đầu tư “đắn đo” hơn khi mua trái phiếu Chính phủ. Việc thiếu hụt ngân sách sẽ phải cắt giảm các khoản chi, trong đó nếu cắt chi đầu tư phát triển sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế.

Trước tình hình ngân sách thiếu hụt trong khi cần thêm các khoản chi thật sự cần thiết trước mắt, Bộ Tài chính đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho vay 30.000 tỉ đồng.

Tại cuộc họp báo, ông Đào Xuân Tuế - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, số tiền 30.000 tỉ đồng nêu trên đã được Ngân hàng Nhà nước chuyển cho Kho bạc để sử dụng cho các nhu cầu của ngân sách trong năm nay.

Ông Đào Xuân Tuế đánh giá: Việc NHNN cho Bộ Tài chính vay 30.000 tỉ đồng để thực hiện nhiệm vụ ngân sách Nhà nước là biện pháp xử lý kỹ thuật của ngân sách và khoản vay này sẽ được chi trả trong năm tài chính. Bộ Tài chính khẳng định việc vay NHNN chỉ có tính thời điểm nhất thời, với triển vọng thu hiện nay đến cuối năm sẽ không khó khăn gì trong việc hoàn trả. 

Trước đó, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN khẳng định tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7, việc NHNN cho Bộ Tài chính vay không ảnh hưởng tới các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Dù hỗ trợ qua kênh nào, NHNN cũng sẽ cùng với Bộ Tài chính có giải pháp thực hiện bảo đảm đúng quy định phối hợp chính sách thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế.

Anh Minh/chinhphu.vn