Nông nghiệp “chạy rông” và cuộc giải cứu tư duy

24/03/2018 06:00
Lại Cường
(GDVN) - Đầu năm 2018, nông sản lại tiếp tục điệp khúc cũ, được mùa rớt giá và… phải giải cứu. Cả xã hội đang tham gia giải cứu một nền nông nghiệp "chạy rông"?

Củ cải trên cánh đồng Mê Linh (Hà Nội), su hào trên cánh đồng một số huyện của tỉnh Hải Dương phải đổ bỏ thay vì thu hoạch.

Sau những điệp khúc của nước mắt người nông dân, các cơ quan ban ngành hiện tại đang tất bật giải cứu nông sản.

Đáng nói, ngoài củ cải và su hào, đã từng có nhiều loại nông sản khác đã từng phải giải cứu, thậm chí lặp lại cảnh giải cứu, do làm ra thừa mứa mà không có đầu ra, rồi được mùa rớt giá, được giá mất mùa... Đó là chuyện đã từng xảy ra với: gừng, cà chua, muối, chuối, điều, dừa, tỏi, dưa hấu, bí đỏ...

Từ một vài cuộc giải cứu mang tính tình thế thì đôi ba năm nay, cứ đến mùa thu hoạch lại xuất hiện thêm những cuộc giải cứu mới.

Có một điều rất lạ là tất cả cả các cuộc giải cứu đều thành công. Các sản phẩm được tiêu thụ hết. Giá thu mua giải cứu cũng rất ổn định. Nhưng điều quan trọng nhất là tới năm sau và những năm sau nữa thì các bộ ngành và địa phương vẫn không thể làm thế nào đưa được người nông dân thoát ra khỏi cảnh giải cứu nông sản.

Nông nghiệp cứ thế “chạy rông”, vậy nên mới đi qua 3 tháng mà đã có 2 sản phẩm nông sản đang được giải cứu là củ cải và su hào.

Củ cải tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng phải "giải cứu". (Ảnh: Báo điện tử đảng cộng sản).
Củ cải  tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng phải "giải cứu". (Ảnh: Báo điện tử đảng cộng sản).

Mới đây nhất, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi báo cáo tình hình sản xuất, cung ứng rau trước và sau Tết Nguyên đán 2017 tới Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Trong báo cáo, Cục Trồng trọt đã giải thích về nguyên nhân các đợt dư thừa nông sản trong thời gian gần đây, điển hình là tại Hà Nội và Hải Dương. Tình trạng rau củ dư thừa, giá rẻ cũng đã xảy ra ở một số địa phương khác ở Hà Nội và Nghệ An.

Từ các vấn đề trên, Cục Trồng trọt đề xuất một số giải pháp lên Tư lệnh ngành nông nghiệp, trong đó có hình thức “kêu gọi” các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm rau để giảm bớt thiệt hại cho nông dân.

Vậy là toàn ngành nông nghiệp lại tiếp tục một cuộc giải cứu mới?

Sau những cuộc giải cứu các cơ quan ban ngành cũng ngồi lại với nhau, tìm ra giải pháp “căn cơ", lại “ra rả” cái điệp khúc không thể giải cứu mãi được… nhưng đến mùa thu hoạch, bao mồ hôi nước mắt của người nông dân vẫn có thể bị đổ sông, đổ biển.

Trong báo cáo năm nay, Cục trồng trọt đã dẫn chứng nhiều con số để chứng minh rằng, tình trạng củ cải, su hào phải đổ bỏ hay giải cứu như gần đây chỉ là cá biệt và thiểu số trong tổng thể diện tích và sản lượng cả mùa vụ.

Hơn nữa, trước khi phải đổ bỏ hay giải cứu, nhiều hộ nông dân đã thu được cả chục triệu đồng...

Thế nhưng, có môt thực tế là đa phần người nông dân hiện nay vẫn đang sản xuất theo tư duy ăn sổi, chứ chưa thực sự được định hướng trồng theo vùng, và như vậy thì không ai dám chắc sẽ còn bao nhiêu cuộc giải cứu nữa? Bắt đầu chỉ bằng những giải pháp tình thế nhưng cho tới giờ thì "giải cứu" nông sản đã trở thành trọng bệnh của nền nông nghiệp.

Trong phóng sự của đài truyền hình Việt Nam lúc 19h ngày 21/3, cho thấy nhà doanh nghiệp với nông dân còn chưa tìm được tiếng nói chung.

Trong khi bắp cải là mặt hàng có thể xuất khẩu được nhưng lại thiếu thì su hào, thứ không xuất khẩu được lại dư thừa và phải đổ bỏ.

Đáng chú ý, theo ông Tăng Xuân Trường - Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Việt cho biết, do không có quy hoạch cụ thể về nhu cầu nên việc trồng su hào củ cải thiếu kiểm soát khiến các loại nông sản này dư thừa.

Nông nghiệp “chạy rông” và cuộc giải cứu tư duy ảnh 2Bao giờ mới hết chuyện chạy theo "giải cứu"?

Phát biểu trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã từng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc phải “giải cứu” nông sản là việc tổ chức sản xuất manh mún theo hộ gia đình thiếu quy hoạch.

Ông Thành cho rằng: “Chính vì thiếu kế hoạch dẫn đến việc nuôi trồng theo phong trào có nghĩa thấy người ta nuôi heo mình cũng nuôi, thấy trồng cây nào có giá mình cũng trồng. Cuối cùng đầu vụ giá cao có lãi nhưng cuối vụ giá thấp thậm chí bán không ai mua”.

Để xảy ra tình trạng sản xuất sản phẩm nông sản theo phong trào, ông Bùi Kiến Thành khẳng định trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.

Cũng bày tỏ với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho rằng vấn đề chỉ đạo sản xuất không nhất quán đã dẫn đến việc phải giải cứu nông sản.

Cụ thể, Tiến sĩ Nghĩa cho rằng: “Những chỉ đạo của các bộ, ngành không xuất phát từ thị trường tiêu thụ, bị thủ động, phụ thuộc vào thị trường. Ngoài ra cái thiếu nữa chính là những hợp đồng tiêu thụ nông sản”.

Nhìn từ các cuộc giải cứu cho thấy, những vấn đề mang tính vĩ mô như sản xuất cái gì, bán cho thị trường nào, bán khi nào, thị trường đó yêu cầu và có quy định thế nào đối với sản phẩm... là những điều nông dân sản xuất nhỏ lẻ, đi lên từ sản xuất nhỏ không thể trả lời.

Vì vậy, việc trồng cây gì, nuôi con gì cần có giải pháp tổng thể từ cơ quan chức năng, thậm chí “cầm tay chỉ việc” của chính quyền địa phương, nhất là ngành nông nghiệp.

Phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất để tránh phụ thuộc vào một số thị trường như cách làm lâu nay.

Giữa nhà quản trị nông nghiệp và nông dân đang rất cần gây dựng một niềm tin đúng đắn và có cơ sở để cùng hành động và phát triển.

Đó là một cuộc các mạng nông nghiệp mang tính đột phá, nói cách khác thì đó là một cuộc giải cứu về tư duy.

Cần phải thay đổi tư duy của cả ngành nông nghiệp từ những nhà quản trị nông nghiệp, những nhà kinh doanh và hàng triệu nông dân Việt Nam.

Chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành động nên hơn hết, cần một tư duy quản trị kiến tạo cho nông dân Việt Nam hành động. Có như vậy mới thoát khỏi những cuộc giải cứu bi hài như thời gian qua.

* Tài liệu tham khảo

1.  https://vov.vn/kinh-te/van-giai-cuu-nong-san-neu-quy-hoach-san-xuat-khong-theo-nhu-cau-thi-truong-741851.vov

2. http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/32911402-can-mot-chien-luoc-cho-nong-san-trong-nuoc.html

3. http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Bao-gio-moi-het-chuyen-chay-theo-giai-cuu-post177806.gd

4. http://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv1.htm

Lại Cường