Nông sản Hải Dương: Nơi giải cứu, nơi buộc 'quay đầu'

23/02/2021 15:00
Theo Baochinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khó khăn nhất hiện nay của Hải Dương không phải là các thương nhân không về mua, mà do xe hàng không vận chuyển được qua các chốt của một vài địa phương.

Hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, vứt bỏ

Bộ Công Thương cho biết đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản cho các địa phương vùng dịch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc, khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) của một số địa phương vùng dịch, đặc biệt là tỉnh Hải Dương.

Việc thu mua, vận chuyển, tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với Hải Dương.

Trên thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải “quay đầu”.

Điều này dẫn đến thực tế là hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, phải vứt bỏ, vật nuôi, con giống bị quá hạn xuất chuồng nhưng không vận chuyển được thức ăn đến để tiếp tục nuôi sống đàn; nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân làm.

Đặc biệt, hàng xuất khẩu đến hạn phải giao hàng nhưng không chuyển được, gây thiệt hại rất lớn, tác động lâu dài đến sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh.

Nông sản Hải Dương được “giải cứu” tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Nông sản Hải Dương được “giải cứu” tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Vướng mắc trên do các địa phương thiếu cơ chế chung trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, khiến các doanh nghiệp rất khó khăn khi phải đuổi theo yêu cầu của từng địa phương mà hàng hoá từ Hải Dương sẽ đi qua.

Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp vướng mắc nêu trên do: Theo quy định, tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm COVID-19.

Tuy nhiên, các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ. Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời.

Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.

Một số doanh nghiệp phản ánh, kết quả làm xét nghiệm tại một số cơ sở y tế tư nhân không được công nhận. Chính vì vậy, doanh nghiệp không biết kiểm tra âm tính COVID-19 ở đâu và giấy xác nhận có thời hạn bao lâu…

Thành phố Hải Phòng chỉ định rõ, chỉ tiếp nhận kết quả xét nghiệm từ CDC Hải Dương trong khi trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn 4 đơn vị nữa được Bộ Y tế cấp phép chứng nhận PCR COVID-19.

Thế nhưng CDC Hải Dương và các điểm xét nghiệm đang quá tải với việc xét nghiệm phòng chống dịch nên không thể đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm của các doanh nghiệp và lái xe.

Bên cạnh đó, vì chưa có quy trình hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài nên cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn và không tham gia hoạt động kinh doanh nông sản…

Hiện, mỗi địa phương tự áp dụng một cách: Hải Phòng cấm, Hà Nội không cấm người và hàng hóa từ Hải Dương…

Hiện hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Theo báo cáo của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, tổng lượng nông sản của Hải Dương chưa tiêu thụ được còn 90.760 tấn, cụ thể 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.

Hiện nay, khoảng 90% số cà rốt và 30% số rau bắp cải, su hào, su lơ, rau ăn lá của tỉnh được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa.

Để hỗ trợ Hải Dương tiêu thụ sản phẩm, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đề nghị hỗ trợ đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ hàng hóa của Hải Dương.

Hiện nay, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… đã tạo điều kiện rất tốt để Hải Dương tiêu thụ nông sản. Nhưng khó khăn nhất hiện nay của Hải Dương không phải là các thương nhân không về mua, mà do xe hàng không vận chuyển được qua các chốt của một vài địa phương, đặc biệt là Hải Phòng.

Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải “quay đầu” làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Hải Dương đang bị cô lập, trở thành một ốc đảo

Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành phố khác.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Công Thương Phạm Thanh Hải, Hải Dương lại đang bị cô lập, trở thành một ốc đảo.

Ngày hôm qua (22/2), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tiếp tục có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng sớm tạo điều kiện để nông sản của Hải Dương lưu thông vào Hải Phòng, kịp thời xuất khẩu.

Tính từ đầu tháng 2/2021 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã có 4 công văn gửi TP. Hải Phòng đề nghị tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn rất kiên quyết. Tại chốt kiểm soát liên ngành ở cuối tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, khu vực cửa ngõ ra vào cảng Hải Phòng, người và phương tiện tại các địa điểm không phải vùng dịch đều phải khai báo y tế.

Riêng phương tiện và tài xế từ Hải Dương nếu không bảo đảm các điều kiện như có hợp đồng, đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng...), lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất, sẽ phải quay đầu xe.

Ông Phạm Thanh Hải cho rằng việc Hải Phòng đưa ra những yêu cầu trên khiến hàng hóa vận chuyển rất khó khăn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh tại Hải Dương và ảnh hưởng đến các địa phương khác vì nhiều hàng hóa ở Hải Dương là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các địa phương khác.

Nếu không giải quyết được các khó khăn, vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng, thậm chí bị đứt gãy, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.

Theo ông Hải, yêu cầu "lái xe phải có giấy xét nghiệm của CDC Hải Dương chỉ có hiệu lực trong 3 ngày" khiến việc tháo gỡ lưu thông hàng hóa vẫn... không có lối ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cho biết, theo kế hoạch, 80% lượng nông sản sẽ xuất khẩu qua cảng Hải Phòng từ nay đến cuối tháng 2/2021, đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan... theo hợp đồng mà các doanh nghiệp đã ký kết với các đối tác nước ngoài và đặt lịch tàu biển.

Để đạt được khối lượng nông sản xuất khẩu của Hải Dương như trên, trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương và các bộ, ngành Trung ương đã rất nỗ lực trong đàm phán, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tạo uy tín cho nông sản Việt Nam vào được các thị trường “khó tính” như Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Australia.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương khẳng định, việc không thực hiện và giao hàng không đúng hợp đồng xuất khẩu đã ký kết không những gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp mà còn làm mất uy tín cho hàng nông sản của Việt Nam.

Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã "một lần nữa đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng sớm tạo điều kiện để nông sản của Hải Dương lưu thông vào Hải Phòng kịp thời xuất khẩu".

Theo Baochinhphu.vn