Nông sản Việt bị ứ đọng, ép giá: Phải giải cho được bài toán phụ thuộc

18/06/2014 13:45
TS Nguyễn Đăng Nghĩa
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, để nông sản không bị ép giá cần phải giải quyết thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam, tránh phụ thuộc Trung Quốc.

Từ thực tế hàng loạt nông dân tại nhiều địa phương trên cả nước "khóc ròng" vì doanh nghiệp, công ty Trung Quốc "tháo chạy" sau lời hứa thu mua nông sản đến quả vải, hành tây thu hoạch rộ nhưng bị ứ đọng, ép giá vì thiếu thị trường tiêu thị,.. gửi bài viết đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc TT Nghiên cứu đất và môi trường phía Nam - Viện nông hóa thổ nhưỡng cho rằng: Những hiện tượng trên suy cho cùng xuất phát từ sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc của nông sản Việt Nam. 

Phải giải cho được bài toán phụ thuộc

Với dân số hơn 1,3 tỉ người, Trung Quốc luôn là thị trường hấp dẫn với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Cùng với việc gia nhập WTO, tham gia thị trường thương mại chung cùng các điều kiện vị trí địa lý thuận lợi... hàng hóa Việt Nam cũng dễ dàng đến thị trường Trung Quốc.

Song, suy nghĩ thụ động trong tìm kiếm thị trường mới đang dẫn đến hệ lụy hàng nông sản Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc TT Nghiên cứu đất và môi trường phía Nam - Viện nông hóa thổ nhưỡng (Ảnh H.L)
TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc TT Nghiên cứu đất và môi trường phía Nam - Viện nông hóa thổ nhưỡng (Ảnh H.L)

Nông sản Việt Nam phụ thuộc thị trường Trung Quốc do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Thứ nhất,thị trường Trung Quốc chủ yếu dưới dạng tiểu ngạch không kén chọn hàng hóa, bản thân thị trường không có hàng rào kỹ thuật, một thị trường dễ cho hàng hóa Việt Nam. Điều này tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp, tiểu thương Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản dạng thô sang Trung Quốc.

Tuy nhiên sự dễ dãi vô hình chung làm tăng sức ì cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thụ động trong tìm kiếm thị trường mới, thụ động trong đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng hàng hóa trong xuất khẩu. Vì thể điểm cốt lõi phải khuyến khích doanh nghiệp tìm thị trường mới cho nông sản Việt Nam.

Với yêu cầu ngặt nghèo của EU, Mỹ... nông sản chúng ta khó tiếp cận thị trường này nhưng với các nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi... hoàn toàn là cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt, đây là điều cần tính đến. Trước hết trên bình diện ngoại giao, Chính phủ cần tạo cầu nối với các nước có thị trường phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận.

Nông sản Việt bị ứ đọng, ép giá: Phải giải cho được bài toán phụ thuộc ảnh 2

(GDVN) - Ớt dần chết khô trên gần chục ha ruộng huyện Nam Đàn, nhưng vẫn vắng bóng người chăm sóc, thu hoạch vì doanh nghiệp Trung Quốc đã "chạy làng".

Thứ hai nông sản Việt Nam phụ thuộc thị trường Trung Quốc một phần do tâm lý tiêu dùng của người Việt. Người tiêu dùng trong nước lâu nay có tâm lý “sính ngoại”, nói riêng hoa quả chỉ cần nghe người bán giới thiệu dưa Mỹ, xoài Thái Lan, nho New Zealand… là đổ xô mua mà không biết nguồn gốc thật của hoa quả đó ở đâu. Tâm lý “sính ngoại” cũng như thiếu kiến thức dẫn đến người dân quay lưng hoa quả trồng trong nước.

Người tiêu dùng hiện nay sợ hàng hóa, thực phẩm, hoa quả của Trung Quốc do nguy cơ nhiễm độc cao. Nhưng cần phải khẳng định hoa quả Trung Quốc có mẫu mã đẹp hơn, được đóng gói, bảo quản tốt và rẻ hơn hoa quả trong nước. Để khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ hàng trong nước, trách nhiệm cơ quan quản lý phải cho người dân thấy được mặt tích cực như chất lượng tốt, an toàn, giá cạnh tranh, tất cả phải được công bố minh bạch, công khai.

Thứ ba việc hàng nông sản Việt Nam dễ tìm đến thị trường Trung Quốc vì bản thân nước này có nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc nhập nông sản của Việt Nam còn nhằm sơ chế, đóng gói để xuất khẩu sang thị trường thứ 3. Cũng nông sản, hoa quả ấy nhưng doanh nghiệp Trung Quốc chỉ cần đóng lại bao bì gắn mác “made in China” ngay lập tức sẽ xuất được sang thị trường nước khác với giá lãi gấp nhiều lần khi nhập từ Việt Nam.

Trở lại vấn đề, nếu tiếp tục phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh về giá. Chỉ sau sự kiện giàn khoan 981 cùng những động thái từ thị trường Trung Quốc, giá nhiều mặt hàng nông sản như cao su rớt giá, hoa quả ứ đọng không xuất khẩu được, người nông dân phải chịu thiệt hại lớn, rộng hơn là nền kinh tế đất nước.

Cảnh giác những chiêu thu mua nông sản bất thường

Bên cạnh ép giá nông sản xuất khẩu Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc luôn có kiểu thu mua mà nếu không cảnh giác người dân, nông dân trong nước phải chịu tổn thất nặng nề.

Trước đây thương lái Trung Quốc từng thu mua nông sản giá cao tạo thị trường khan hiếm. Sau đó tiếp tục thông báo thu mua với giá không tưởng, đồng thời quay vòng bán nông sản vừa thu mua để “bẫy” doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. 

Người dân trồng ớt trở nên điêu đứng.
Người dân trồng ớt trở nên điêu đứng.

Gần đây nhất câu chuyện doanh nghiệp Trung Quốc “tháo chạy” khiến người dân trồng ớt  tại Nghệ An, Gia Lai điêu đứng. Ngoài tiền giống, phân bón người dân phải bỏ hàng trăm ngày công chăm sóc nhưng giờ ớt chín không có nơi tiêu thụ người dân đứng trước nguy cơ thua lỗ nợ nần.

Tất cả những phương án thu mua bất thưởng của doanh nghiệp Trung Quốc nói trên, bên cạnh sự thiếu hiểu biết của người dân có phần trách nhiệm rất lớn từ phía chính quyền cơ sở, khi địa phương nào cũng có Hội nông dân, có Phòng nông nghiệp, chính quyền thôn, xã…

Ở tầm vĩ mô hơn, vấn đề nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp tuy nhiên xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Công thương. Xin nói thẳng Bộ Công thương chưa thực sự quan tâm vấn đề đẩy mạnh tìm thị trường xuất khẩu nông sản. Nhiều hội chợ nông sản Việt Nam tham gia nhưng chỉ là cho có chứ chưa thực sự tham gia để giới thiệu hay quảng bá nông sản trong nước.

Có hai bàn đạp để Việt Nam vươn tầm thế giới là công nghệ thông tin và nông nghiệp, tuy nhiên hướng đầu tư chưa thật thích đáng cho nông nghiệp sẽ khiến từ chỗ ưu thế, nông nghiệp, nông sản trong nước sẽ dần mất chỗ đứng trên thị trường.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa