NTD yêu cầu công khai 62 loại mì chứa axit oxalic gây sỏi thận

02/01/2014 10:26
Phạm Liễu
(GDVN) - Trước thông tin 62 mẫu mì chứa axit oxalic gây sỏi thận, người tiêu dùng (NTD) yêu cầu công bố tên các sản phẩm mì tôm được kiểm tra này.

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của thông tin "100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận", ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) cho rằng: “Thông tin được Hội Y tế công cộng TP.HCM công bố không rõ. Kết quả nghiên cứu của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn mới chỉ là những kết quả nghiên cứu của họ. Tuy nhiên, Cục ATTP sẽ xem xét bởi mì tôm của nước ta còn phải hội nhập, xuất khẩu... nếu thông tin như vậy thì rất nguy hiểm”.  

Ông Trung khẳng định: “Trung tâm ấy lấy mẫu như thế nào? Độ tin cậy có tính khoa học hay không thì cần kiểm chứng lại. Số liệu cụ thể Cục sẽ chính thức thông báo vào chiều ngày 2/1/2014”. 

Mì Hảo Hảo, Omachi, Đệ nhất bán rất chạy

Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên tại các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Siêu thị BigC bao gồm BigC Thăng Long (222 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), BigC Garden (Tầng hầm B1, TTTM The Garden, Mễ Trì,Từ Liêm, Hà Nội), Siêu thị Coo.opMart Nguyễn Trãi (Km số 10, Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) mặt hàng mì tôm được xem là mặt hàng chủ lực trong ngành hàng thực phẩm với số lượng bày bán rất lớn, bao gồm nhiều chủng loại và được cung cấp bởi nhiều nhãn hiệu khác nhau.

Gian hàng mì tôm tại siêu thị BigC Thăng Long luôn đông khách (Ảnh: Phạm Liễu)
Gian hàng mì tôm tại siêu thị BigC Thăng Long luôn đông khách (Ảnh: Phạm Liễu)

Chiếm đa số vẫn là các thương hiệu sản xuất mì lớn tại thị trường trong nước như: Vina Acecook, Asian Food, Vifon, Masan,… với hàng chục loại đủ mùi vị khác nhau.

Riêng thương hiệu Vina Acecook, các sản phẩm được bày bán bao gồm: Hảo Hảo, Hảo 100, mì Bốn phương, mì Sumo, mì Đệ Nhất, Mikochi, Phú Hương, Xưa&Nay… Với Asian Food, ngoài sản phẩm mì Gấu đỏ còn có các sản phẩm khác như: Hello, Trứng Vàng, Osami, mì Gấu Yêu, mì Vifood,… Các sản phẩm tiêu biểu của Vifon bao gồm: Mì Vifon, Mì Hoàng Gia, Mì cốc Ngon Ngon,… Masan gồm có: mì ăn liền Chinsu,  mì Omachi, mì Tiến Vua…

Một nhân viên phụ trách gian hàng mì tôm tại siêu thị BigC Thăng Long cho biết: “Gian hàng mì tôm tại đây bày bán hầu như rất cả các thương hiệu mì trong nước. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều thương hiệu mì nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật, Ý,… Với mì trong nước, các sản phẩm như mì Hảo Hảo, mì Omachi, mì Đệ Nhất… rất được khách hàng ưa chuộng và có lượng tiêu thụ khá lớn”.

Hàng chục sản phẩm mì tôm được bày bán tại siêu thị Coo.opMart Nguyễn Trãi.
Hàng chục sản phẩm mì tôm được bày bán tại siêu thị Coo.opMart Nguyễn Trãi.

“Giá cả các loại mì tôm khá phong phú, dao động từ 2.500 – 10.000 đồng/gói, đáp ứng mọi tầng lớp khách hàng. Mì tôm nhập khẩu có giá thành cao hơn, từ 15.000 – 25.000 đồng/gói. Các loại mì bát, hay mì ly có giá từ 8.500 – 15.000 đồng/bát/ly cũng rất hút khách”, nhân viên bán hàng tại siêu thị Coo.opMart Nguyễn Trãi cho hay.

Cần công khai 62 mẫu mì tôm chứa chất gây sỏi thận

Trước thông tin "100% mẫu mì tôm có axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận", hầu hết những khách hàng khi được hỏi đều tỏ ra hết sức lo ngại.

Chị Oanh, khách hàng mua sắm tại siêu thị BigC Thăng Long cho rằng: “Bản thân tôi không tin 100% mẫu mì đều chứa axit oxalic. Theo tôi được biết, người công bố cho biết đã kiểm tra tất cả 62 mẫu mì, nhưng tôi tin rằng trên thị trường số lượng sản phẩm mì phải nhiều hơn số lượng mà vị giáo sư kia công bố rất nhiều”.

Đứng trên cương vị người tiêu dùng, chị Thái - cũng là khách hàng đang mua sắm tại BigC Thăng Long kiến nghị: “Tôi yêu cầu Hội Y tế công cộng TP.HCM phải công khai tên 62 loại mì đã kiểm tra chứa axit oxalic để chúng tôi nắm rõ. Hiện nay, thông tin tất cả các mẫu mì chứa chất độc gây sỏi thận làm chúng tôi rất lo lắng bởi trước giờ, gia đình tôi thường xuyên sử dụng mì tôm trong bữa sáng”.

“GS. Sơn không thể “mang con bỏ chợ” như vậy được. Giáo sư phải có những trả lời cụ thể, rõ ràng về kết quả nghiên cứu của mình để dư luận an tâm. Từ khi tôi biết thông tin mì tôm chứa chất độc, tôi và gia đình không còn dám ăn bất kì sản phẩm mì nào nữa”, anh Công -  khách hàng tại siêu thị BigC Garden lo lắng.

Đồng tình với quan điểm trên, một khách hàng khác cũng gay gắt đề nghị: "Cần sớm công khai 62 mẫu mì tôm chứa chất độc gây sỏi thận cho người tiêu dùng nắm rõ. Đồng thời, phải công bố rõ ràng cho người tiêu dùng biết hàm lượng chất độc trong mỗi sản phẩm mì tôm là bao nhiêu và ăn với số lượng bao nhiêu thì gây bệnh. Tôi nghĩ đây là việc làm rất cấp bách. Hiện nay, người tiêu dùng như tôi rất mơ hồ về thông tin được công bố của Hội Y tế công cộng TP.HCM, nếu thông tin không rõ ràng còn khiến nhiều khách hàng bất an".

Phạm Liễu