Phá vỡ thế độc quyền: Sắp hết thời truyền hình phát gì xem nấy

28/10/2012 07:08
ĐỨC THIỆN/tuoitre
Một số đại gia viễn thông nhảy vào kinh doanh dịch vụ truyền hình. Họ bị các đại gia truyền hình tố đầu tư ngoài ngành và vi phạm pháp luật.
Cuộc tranh cãi này chưa có hồi kết nhưng có một điều chắc chắn là người xem truyền hình sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có khoảng 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (THTT). Dự kiến số hộ gia đình xem THTT sẽ tăng lên 6,4 triệu vào năm 2015 và trên 14 triệu vào năm 2020. Cho rằng thị trường vẫn còn rất tiềm năng, Viettel và FPT đều đang trong quá trình xin giấy phép và chuẩn bị hạ tầng, nội dung để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Văn Sở (phải), nhân viên Công ty TNHH MTV Phương Nam (FPT), hướng dẫn khách hàng mới xem OneTV qua đường truyền Internet sau khi lắp đặt xong sáng 25-10 - Ảnh: Như Hùng
Anh Nguyễn Văn Sở (phải), nhân viên Công ty TNHH MTV Phương Nam (FPT), hướng dẫn khách hàng mới xem OneTV qua đường truyền Internet sau khi lắp đặt xong sáng 25-10 - Ảnh: Như Hùng
Cá nhân hóa nhu cầu Tham vọng của Viettel và FPT là đưa truyền hình cáp phủ sóng cả nước dựa trên những lợi thế về hạ tầng viễn thông sẵn có của mình. Trong đó FPT có mạng lưới viễn thông ở 50 tỉnh thành trên cả nước, Viettel đã có sẵn 200.000km cáp quang... Theo các chuyên gia truyền hình, nếu thực hiện thành công tham vọng trên, truyền hình cáp hoàn toàn có thể sánh ngang vai với phương thức phát sóng qua vệ tinh - vốn có phạm vi phủ sóng rộng khắp đất nước. Khi đó, truyền hình cáp có thể cạnh tranh khách hàng trực tiếp với truyền hình qua vệ tinh ở các tỉnh, thành, thậm chí cả nông thôn. Trong khi đó, dù chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng dịch vụ truyền hình qua giao thức Internet IPTV đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng. Hiện có ba nhà cung cấp dịch vụ IPTV lớn gồm: Công ty phần mềm và truyền thông VASC (dịch vụ MyTV), Viettel (NetTV) và FPT (OneTV). Các dịch vụ trên đều được cung cấp trên phạm vi toàn quốc với giá rất cạnh tranh so với các dịch vụ truyền hình cáp.

"Cái chính bây giờ phải làm sao để đáp ứng nhu cầu người xem muốn xem nội dung mình quan tâm ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào"

Ông TRẦN DŨNG TRÌNH

Ông Nguyễn Văn Thắng, giám đốc chi nhánh miền Nam Công ty VASC, cho biết IPTV có tính tương tác cao, người dùng muốn xem lại sau cũng được, xem một cách chủ động, không phải chờ phát gì xem đó một cách bị động như các công nghệ truyền hình khác. Ngoài ra nhà cung cấp còn có thể dễ dàng thêm các tính năng phục vụ mọi nhu cầu thông tin, giải trí, giáo dục đến tận nhà người dùng qua đường Internet. Sự lớn mạnh của IPTV mở ra một cách xem truyền hình mới hoàn toàn phục vụ nhu cầu của người sử dụng, khác với truyền hình truyền thống kiểu cho gì xem nấy hiện nay. Các chuyên gia dự báo với thế mạnh về công nghệ, ứng dụng, IPTV hoàn toàn có thể cá nhân hóa nhu cầu của từng đối tượng khách hàng để cung cấp cho họ điều kiện tốt nhất.Nhà nhà làm truyền hình
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Việc các đại gia viễn thông quyết tâm nhảy vào kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp được các chuyên gia đánh giá là cuộc chơi nghìn tỉ đồng, nhiều cơ hội nhưng cũng lắm rủi ro. Cái khó đầu tiên chính là sức ép từ những nhà cung cấp dịch vụ đã có trên thị trường THTT. Thực tế, dù vẫn đang trong giai đoạn “trứng nước” nhưng FPT và Viettel đã bị cáo buộc đang đầu tư ngoài ngành và vi phạm pháp luật. Trước thông tin trên, ông Nguyễn Văn Khoa - tổng giám đốc Công ty FPT Telecom - nhận định: “Theo luật, các doanh nghiệp viễn thông có quyền xây dựng hạ tầng kỹ thuật cung cấp dịch vụ THTT khi đủ điều kiện để xây dựng mạng viễn thông. Luật cũng không quy định nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ THTT xây dựng hạ tầng thì phải sản xuất luôn nội dung. Vì thế nếu trong trường hợp FPT Telecom không thể sản xuất được nội dung thì vẫn có thể phân phối nội dung của các đơn vị sản xuất truyền hình khác”. Ông Hồ Phước Vinh - phụ trách chi hội vô tuyến điện tử quận 3, TP.HCM - cũng cho rằng một đơn vị đã có hạ tầng mạng đương nhiên được phép khai thác tối đa các dịch vụ dựa trên khả năng cho phép của hạ tầng đó. Hạ tầng Internet hiện nay phải được hiểu đã kiêm luôn truyền hình, tức là các doanh nghiệp viễn thông hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ truyền hình. Đây là chuyện bình thường, hoàn toàn hợp với xu hướng phát triển của công nghệ. Thực tế đã cho thấy có doanh nghiệp dù không có hạ tầng mạng nhưng vẫn cung cấp dịch vụ truyền hình ra thị trường. Người dùng quyết định Ông Trần Dũng Trình, phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, cho rằng thời điểm này vẫn chưa thể nói trước được phương thức truyền hình nào sẽ chiến thắng, nhưng chắc chắn cách xem truyền hình theo kiểu phát gì xem nấy sẽ dần bị thay đổi. “Cái chính bây giờ phải làm sao để đáp ứng nhu cầu người xem muốn xem nội dung mình quan tâm ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Chẳng hạn một người ở bên Mỹ cũng có thể lên mạng để xem truyền hình Việt Nam, hoặc nếu bỏ lỡ một chương trình của ngày hôm nay, người ta cũng có thể xem lại vào ngày hôm sau... Như vậy xét về tính tương tác, rõ ràng truyền hình Internet đang có lợi thế hơn so với các dịch vụ khác, tuy nhiên nó lại phụ thuộc vào tốc độ băng thông” - ông Trình nói. Theo ông Hồ Phước Vinh, khi thị trường càng có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh nhau quyết liệt, người dùng đương nhiên được hưởng nhiều quyền lợi. Trước mắt là giá, sau đó là chất lượng. Chẳng hạn truyền hình cáp ở TP.HCM và Hà Nội hiện nay đã khá bão hòa, các doanh nghiệp viễn thông như FPT và Viettel là những kẻ sinh sau đẻ muộn trên thị trường truyền hình cáp, nếu không có những đột phá trong việc cung cấp dịch vụ, họ sẽ khó có thể tồn tại. Ngược lại, việc xuất hiện thêm đối thủ trên thị trường truyền hình cáp cũng đồng thời tạo ra thách thức không nhỏ đối với những người cũ đang chiếm giữ thị trường như SCTV hay HTVC. Xét cho cùng, truyền hình dù theo phương thức truyền dẫn nào thì nội dung vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Ông Nguyễn Văn Khoa đánh giá: “Cái khách hàng cần là sự thỏa mãn, hài lòng với số tiền mà họ bỏ ra. Hay nói cách khác, chất lượng dịch vụ mới là yếu tố quyết định để khách hàng lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ”.

Ba phương thức

Việt Nam hiện có ba phương thức phát sóng truyền hình được sử dụng chính gồm: phát sóng qua vệ tinh (VTV, VTC, VSTV, AVG), mặt đất (chủ yếu các đài địa phương) và mạng cáp (SCTV, HTVC, HCTV...). Trong đó mạng cáp chiếm ưu thế lớn nhất trong loại hình trả tiền với sự tham gia của hàng chục đơn vị cung cấp.

 Từ trước đến nay, truyền hình cáp chỉ chủ yếu tập trung ở các khu đô thị đông dân cư, không thể mở rộng phạm vi phủ sóng do những khó khăn trong việc đi dây cáp.

Ông Lê Quang Nguyên, giám đốc đài phát thanh - truyền hình Vĩnh Long, chia sẻ: “Truyền hình cáp “dễ ăn” nhất chính là ở các khu đô thị lớn có lượng dân cư đông đúc. Nhưng hiện giờ mạng cáp ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM... cũng khá dày đặc, những đài đi trước đã “rào” gần như hết.

Hơn nữa, nhiều người dùng có thể không thoải mái lắm, thậm chí thường xuyên bức xúc về chất lượng dịch vụ của một vài nhà đài nhưng vẫn rất ngại thay đổi nhà cung cấp (do thủ tục cắt dịch vụ nhiêu khê và suy nghĩ nhà cung cấp khác cũng không khá hơn...).

ĐỨC THIỆN/tuoitre