Phải chỉ rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân tại các dự án gây thất thoát, lãng phí

01/11/2016 15:39
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần phải chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra thất thoát, lãng phí.

Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách (Quốc hội) đã phản ánh khá đầy đủ về tình hình nợ công, về đầu tư công giai đoạn năm 2011 - 2015.

Ông Phương bày tỏ: “Tôi rất tâm đắc với đánh giá thẳng thắn về những hạn chế như: Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao. Việc chấp hành các quy định về đầu tư công ở một số nơi chưa nghiêm. Quyết định đầu tư nhưng không tính toán đến khả năng vốn. Chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, chưa khắc phục được tình trạng.

Dự án chuẩn bị sơ sài, phê duyệt hình thức để được ghi vốn dẫn đến phải bổ sung, phải điều chỉnh nhiều lần. Bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư. Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân buông lỏng quản lý, chấp hành không nghiêm các quy định về chính sách, quy chế quản lý đầu tư công”.

Tuy nhiên, cũng theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, dù đánh giá như trên là thẳng thắn, nhìn vào sự thật nhưng lại thiếu đi những phần rất quan trọng đáng kể trong Báo cáo của Chính phủ, cũng như thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đó là:

Thực tế hiệu quả đầu tư có bao nhiêu dự án đưa lại hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, bao nhiêu dự án cần xem xét, đề nghị điều tra, truy tố, nguyên nhân, giải pháp xử lý. Có như thế mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học cho tổ chức, quản lý, hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư hiện nay.

Ông Phương dẫn thí dụ: “Theo báo cáo chỉ 5 dự án, xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất đã làm tiêu tan trên 30 nghìn tỷ đồng.

Trong đó gang thép Thái Nguyên đầu tư dự kiến 3.800 tỷ đồng tăng lên 8.100 tỷ đồng, tức là tăng hơn hai lần. Tôi phân tích một trường hợp nhà máy bột giấy Phương Nam, dự kiến 1,4 tỷ đồng, điều chỉnh lên 3,4 tỷ đồng, tăng 2,3 lần.

Sau khi nghiệm thu chạy thử thì thành công nhưng chạy tải thì không thành công, do cây đay không phù hợp và cuối cùng đổi sang gỗ tràm nhưng cũng không hiệu quả, bây giờ xử lý nhà máy này gần như là bỏ.

Kiểu báo cáo và thẩm tra như trên là chỉ bắn chỉ thiên. Cái chung chỉ ra được nhưng cái cụ thể trong vốn đầu tư thì thất thoát, lãng phí, trách nhiệm tổ chức, cá nhân không chỉ ra được và không tạo ra bước đột phá làm chuyển biến nhận thức trong quản lý vốn đầu tư trong thời gian tới. Đặc biệt là việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04 về chống tham nhũng, lãng phí”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình). ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình). ảnh: quochoi.vn

Về dự kiến kế hoạch 2016 - 2020, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết, ông đồng tình cơ bản đồng tình và ghi nhận những giải pháp của Chính phủ, Bộ Tài chính trong thời gian qua trong việc thắt chặt chi tiêu. Quản lý ngân sách tích cực trong truy thu được 41.000 tỷ đồng thuế nợ đọng. Đưa ra phương án thu hồi vốn, ứng trước, xử lý bội chi, khơi thông ngân sách nhà nước và cân đối ngân sách địa phương.

Đồng thời, vị đại biểu đoàn Quảng Bình cũng nêu 5 vấn đề cần được làm rõ:

Một là đề nghị bổ sung theo kiến nghị của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về nguyên tắc bổ sung vốn đầu tư phải được cân nhắc, rà soát kỹ lưỡng đúng đối tượng, đúng trọng tâm, có hiệu quả để khắc phục tình trạng hạn chế thời gian qua.

Hai là đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân nợ công và áp lực nợ hiện nay. Khả năng giải pháp khắc phục để Quốc hội và nhân dân yên tâm. Nhân gian có câu "thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi", tâm lý người dân Việt Nam là lo nợ, nợ công cao thì càng lo.

Cho nên cần làm rõ nguyên nhân, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới thì Quốc hội mới giải quyết được những vướng mắc hiện nay.

Phải chỉ rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân tại các dự án gây thất thoát, lãng phí ảnh 2

Sở toàn lãnh đạo là tận tâm, tận lực vì dân hay chỉ kiếm lợi, vô trách nhiệm?

Ba là theo Khoản 5, Điều 63 Luật đầu tư công không sử dụng vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương để trả lãi trái phiếu Chính phủ.

Vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính không trừ nợ từ nguồn ngân sách địa phương như phương án dự kiến, đặc biệt là năm 2017, nếu có thì có lộ trình đỡ gây áp lực cho các địa phương.

Cụ thể như Quảng Bình là một tỉnh nghèo, thu chưa đủ chi, vốn trung ương hỗ trợ 64 ngân sách và hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về chính trị, lũ lụt gây hậu quả rất nghiêm trọng, nếu thực hiện theo phương án này thì kế hoạch năm 2017 của Quảng Bình bị phá sản.

Bốn là đề nghị Quốc hội và Chính phủ phải xem ưu tiên bổ sung vốn đầu tư cho các tỉnh miền Trung do sự cố Formosa và lũ lụt gây ra. Đề nghị đầu tư thêm y tế để giải quyết quá tải bệnh viện và chăm sóc sức khỏe của người dân.

Đề nghị đầu tư thêm cho Ngân hàng chính sách để tăng thêm vốn vay và giải quyết phương án sắp tới của chúng ta, đó là giảm nghèo đa chiều.

Năm là đề nghị Chính phủ yêu cầu các tỉnh thành vượt thu trong thời gian qua, theo tinh thần vượt thu các đơn vị tỉnh thành được hưởng 23% trong lúc điều kiện đất nước đang khó khăn và thu chưa đủ chi nên đề nghị các tỉnh được hưởng chế độ này nên có chính sách hỗ trợ cùng với Chính phủ để giải quyết những khó khăn của Chính phủ.

Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đắp chiều vì hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách. Ảnh: Chí Cường/Đầu tư.

Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đắp chiều vì hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách. Ảnh: Chí Cường/Đầu tư.

Ngăn chặn tình trạng “cha chung không ai khóc”

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) băn khoăn, quản lý vốn vay kém hiệu quả dẫn đến khả năng vay trả nợ khó khăn, hiệu quả sử dụng vốn qua các giai đoạn rất kém.

Ông Tuấn nêu thí dụ: “Theo chỉ số ICO của chúng ta là 5,75% theo World Bank nếu phát triển tốt chúng ta chỉ 3,0 thôi, nghĩa là đầu tư của chúng ta kém hiệu quả rất nhiều. Rồi những rủi ro khi chúng ta vay ngân hàng, ví dụ chúng ta vay đồng yên, vừa rồi chúng ta phải tăng thêm nợ công 2,4% vào năm 2013, USD là 4,5 % GDP năm 2015.

Thêm nữa là cơ cấu vay sử dụng nợ công chưa hợp lý, vay ngắn hạn nhiều mà lãi xuất cao, vay dài hạn ít. Điều này tạo ra áp lực phải trả nợ công trong thời gian sớm”.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, sử dụng vốn ODA đây là vấn đề "cha chung không ai khóc", nhiều đơn vị, bộ, ban ngành, địa phương cảm thấy rằng đây là nguồn đầu tư không hoàn trả, chính vì thế sử dụng quản lý kém hiệu quả làm thất thoát rất nhiều.

“Đây là tăng nợ công mà chúng ta cần quan tâm. Vậy rõ ràng chúng ta cần tái cơ cấu lại đặc biệt liên quan đến nợ công chúng ta phải quan tâm và vấn đề đầu tư chúng ta nên lựa chọn những ngành, những lĩnh vực đầu tư ít tiền nhưng hiệu quả cao không ảnh hưởng đến môi trường”, ông Tuấn đề nghị.

Lo lắng về tình hình nợ công, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đánh giá: “Cân đối ngân sách nhà nước và tình trạng nợ công đang rất khó khăn và có thể còn khó khăn hơn nữa là điều hết sức rõ ràng.

Sự thực tình hình thu chi ngân sách và nợ công sẽ tiếp tục là tâm điểm của kinh tế Việt Nam trong cả giai đoạn 2016-2020.

Vấn đề thâm hụt ngân sách triền miên sẽ luôn là tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn vĩ mô với vòng xoáy lạm phát, lãi suất, tỷ giá tiếp tục vay để trả nợ và bù đắp thâm hụt.

Đây rõ ràng là một thách thức to lớn của Chính phủ nhiệm kỳ mới này trong việc quản lý tài chính, ngân sách nhà nước nói riêng và quản lý và điều phối kinh tế, kinh tế vĩ mô nói chung.

Bởi vậy, đề án chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước quản lý nợ công đầu tư công trung hạn của Chính phủ trở nên vô cùng quan trọng là con đường thoát hiểm gần như duy nhất cần được Quốc hội khẩn trương xem xét thông qua tại kỳ họp này để Chính phủ triển khai thực hiện kịp thời”.

Ngọc Quang