Phát triển du lịch, 1 trong 3 trụ cột giúp Hải Phòng đổi mới mô hình tăng trưởng

06/08/2021 08:49
LÃ TIẾN - PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phát triển du lịch được xác định là một trong ba trụ cột để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của Hải Phòng.

Tiềm năng du lịch Hải Phòng

Nhiều chuyên gia du lịch đánh giá, Hải Phòng là địa phương được tự nhiên ưu đãi rất nhiều điểm cộng về phát triển du lịch. Trước hết là lợi thế về biển.

Biển hình thành nên tính cách người Hải Phòng "ăn sóng nói gió”, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt để du khách có thể cảm nhận khi đến với thành phố.

Biển cũng là nguồn lực hình thành nền kinh tế biển, dấu mốc là sự ra đời của Cảng Hải Phòng.

Theo giới thiệu về lịch sử Cảng Hải Phòng, Cảng được hình thành từ năm 1874 khi thực dân Pháp bắt tay vào xây Cảng nhằm biến bến thuyền làng Cấm thành một quân cảng và thương cảng lớn, phục vụ ý đồ khai thác thuộc địa của thực dân Pháp.

Từ thương cảng nhỏ bé thế kỷ trước, đến thời điểm này, cảng biển Hải Phòng đã trở thành Trung tâm cảng biển lớn nhất miền Bắc.

Sự phát triển của cảng biển thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác, trong đó có du lịch.

Cùng với chiến lược thu hút khách du lịch của ngành du lịch Hải Phòng, người thân của khoảng 5.000 chuyên gia nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang làm việc tại các khu công nghiệp của Hải Phòng cũng là những “sứ giả thầm lặng” đưa hình ảnh của thành phố đến với với bạn bè quốc tế.

Ngoài tiềm lực về kinh tế biển, Hải Phòng còn là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị.

Hải Phòng là địa phương được tự nhiên ưu đãi rất nhiều điểm cộng về phát triển du lịch. Trước hết là lợi thế về biển (Ảnh: internet)

Hải Phòng là địa phương được tự nhiên ưu đãi rất nhiều điểm cộng về phát triển du lịch. Trước hết là lợi thế về biển (Ảnh: internet)

Theo Sở Du lịch Hải Phòng, toàn thành phố hiện có 470 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà và Khu di tích Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm); 112 di tích cấp quốc gia và hàng trăm di tích cấp thành phố.

Hải Phòng có nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội Chọi Trâu (Đồ Sơn) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Lễ hội Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo); Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - một Lễ hội độc đáo được tổ chức thường niên đã trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân thành phố.

Nhiều làng nghề truyền thống ở Hải Phòng được phục dựng, duy trì và phát triển cho đến ngày nay.

Ẩm thực Hải Phòng nổi tiếng với các món ăn đặc sản mang hương vị biển như: bánh đa cua, chả chìa, tu hài Cát Bà và nhiều món ăn dân dã thu hút và hấp dẫn du khách như: bánh mỳ cay, bánh bèo, nộm sứa…

Tiềm năng du lịch của thành phố là rất lớn, song theo đánh giá của Sở Du lịch Hải Phòng, sự phát triển của du lịch thành phố còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa khẳng định được vị trí, lợi thế so sánh trong vùng và khu vực.

Hiệu quả kinh tế du lịch thấp, cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ còn nhỏ bé, chưa có những điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm lớn.

Sản phẩm du lịch chưa được đầu tư chiều sâu, chủ yếu dựa trên khai thác giá trị sẵn có, chưa có sản phẩm du lịch độc đáo, bắt kịp xu hướng và nhu cầu thị hiếu của du khách; thiếu các sản phẩm có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao.

Phần lớn các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp.

Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn rất hạn chế về cả kinh phí và nhất là cách thức tổ chức thực hiện.

Cơ sở vật chất có chất lượng và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp còn hạn chế.

Chiến lược phát triển ngành du lịch

Ngày 24/1/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong nghị quyết này, Bộ Chính trị nêu mục tiêu cụ thể để Hải Phòng phấn đấu về du lịch đến năm 2025 thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đạt các tiêu chí đô thị loại I..

Trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.

Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế.

Để đạt mục tiêu này, ngoài tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã có nhiều chỉ đạo, ban hành Nghị quyết và triển khai thực hiện.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hải Phòng xác định, phương hướng phát triển của thành phố là khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế.

Thu hút nguồn lực tập trung phát triển đột phá hạ tầng giao thông, đô thị, ba trụ cột kinh tế của thành phố được xác định: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.

Một trong những chỉ tiêu kinh tế thành phố cần đạt được vào năm 2025 là khách du lịch đạt 20 triệu lượt.

Đến năm 2025, Hải Phòng phấn đấu xây dựng Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế (Ảnh: PL)

Đến năm 2025, Hải Phòng phấn đấu xây dựng Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế (Ảnh: PL)

Vừa qua, thành phố Hải Phòng đã phê duyệt nhiều Đề án, Kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành phố, trong đó phải kể đến kế hoạch số 85/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Kế hoạch này đưa ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu xây dựng phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế.

Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, đón và phục vụ 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,7 triệu lượt khách quốc tế.

Đến năm 2030, phấn đấu đón và phục vụ 35 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5,8 triệu lượt khách quốc tế, tạo 23-25 nghìn việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch.

Thành phố cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Đề án tập trung đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch nông thôn tại Hải Phòng.

Các quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch nông thôn của Trung ương và thành phố; dự báo xu hướng, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm du lịch.

Từ đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng.

Đề án nghiên cứu hiện trạng, tiềm năng phát triển du lịch tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Dương từ năm 2016 đến nay và đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông thôn Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ngoài các sản phẩm du lịch, Hải Phòng đã chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung, du lịch nói riêng như phát triển Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Xây dựng những cây cầu phục vụ giao thông thuận tiện trong khu vực nội đô và nối liền các địa phương khác.

Giai đoạn 2015-2020, thành phố đã đưa vào sử dụng 5 khách sạn 5 sao và sẽ xây dựng và hoàn thành 6 khách sạn 5 sao khác trong giai đoạn 2021-2025 thành phố

LÃ TIẾN - PHẠM LINH