Festival Thu Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Thu Hà Nội - Mùa thu lịch sử,” diễn ra từ ngày 19 đến 22/9/2024 tại không gian chính phố đi bộ Hồ Gươm. Đây là một trong những sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch trọng điểm do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, khoảng 150 gian hàng được bố trí dọc theo các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch và khu vực nhà Bát Giác, chia thành nhiều khu vực theo từng chủ đề.
Điểm nhấn của Festival là các không gian, mô hình giới thiệu quảng bá di tích lịch sử Hà Nội; không gian tái hiện hình ảnh Hà Nội nhộn nhịp ngập trong rừng cờ hoa chào đón đoàn quân chiến thắng trở về; không gian “Hà Nội 12 mùa hoa”; khu vực giới thiệu các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch tiêu biểu; không gian quảng bá sản phẩm làng nghề và không gian ẩm thực “Hương sắc Hà Nội”.
Ngoài ra còn có khu gian hàng xúc tiến, quảng bá du lịch các tỉnh, thành phố, khu gian hàng của các cơ quan du lịch quốc tế để giới thiệu điểm đến văn hóa du lịch các nước, thúc đẩy hoạt động du lịch song phương; khu không gian trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí “Hà Nội - Nhịp sống thanh xuân”.
Tại không gian làng nghề của Festival Thu Hà Nội 2024, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã trưng bày các sản phẩm làng nghề đặc trưng của Thủ đô. Đây là cơ hội để giới thiệu và phát triển ngành công nghiệp sản xuất quà tặng, đặc biệt là những món quà du lịch độc đáo, góp phần thu hút du khách.
Đồng thời, Festival Thu Hà Nội năm 2024 cũng kết hợp tổ chức lễ hội trình diễn kỹ năng của các nghệ nhân và thợ giỏi, kết hợp với triển lãm sản phẩm làng nghề tiêu biểu để tôn vinh những giá trị truyền thống và sản phẩm thủ công độc đáo từ các làng nghề như: Làng gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, Gốm Bát Tràng, Lụa Vạn Phúc, Đúc đồng Ngũ Xã, và nhiều sản phẩm khác do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chế tác.
Cũng tại Festival lần này, người dân còn được thưởng thức và tìm hiểu về các loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian truyền thống. Mỗi gian hàng chứa đựng những nét riêng về văn hóa, du lịch của từng địa phương. Một số sản phẩm làng nghề đặc biệt được trưng bày phải kể đến như: nón làng Chuông, gốm Bát Tràng, đồng Ngũ Xã…
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nghệ nhân Mai Thị Choi, đến từ làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, mang đến lễ hội những chiếc quạt thủ công tinh xảo của mình. Với hơn 50 năm gắn bó cùng nghề làm quạt truyền thống, bà Choi không giấu nổi niềm tự hào:
"Đến với Festival Thu Hà Nội năm nay, tôi mang theo các sản phẩm thủ công của mình, bao gồm quạt và một số sản phẩm làm từ tre. Tôi rất vui khi được giới thiệu những sản phẩm này với du khách trong và ngoài nước. Hy vọng những sản phẩm đại diện cho làng Canh Hoạch sẽ được nhiều người biết đến và tiêu thụ rộng rãi".
Nghệ nhân Mai Thị Choi trưng bày những chiếc quạt châm kim đặc biệt tại gian hàng của Festival Thu Hà Nội 2024. Bà cho biết, quạt được làm từ giấy gió - một loại giấy mỏng nhưng dai, được dán bằng nhựa từ quả cậy, tạo nên độ bền đặc trưng. Hai nan ngoài của quạt được kẹp bằng sừng trâu để tăng độ chắc chắn, còn các chi tiết trang trí trên quạt đều được chạm khắc tinh tế. Những vật liệu như sừng trâu phải mua từ làng chuyên làm sừng, sau đó qua nhiều công đoạn chế tác tỉ mỉ mới tạo nên một chiếc quạt hoàn chỉnh.
“Trước đây, người dân làng Canh Hoạch chúng tôi làm quạt sừng giấu dó (quạt châm kim) rất nhiều, nhưng sau đó, mọi người chuyển sang làm nghề khác thu nhập cao hơn. Gia đình tôi vẫn tiếp tục giữ nghề, và con gái tôi cũng đang theo nghề truyền thống này. Tôi hy vọng rằng, qua Festival Thu Hà Nội, nhiều người sẽ biết đến sản phẩm của chúng tôi hơn, đặt hàng nhiều hơn để làng nghề có thể duy trì và phát triển”, nghệ nhân Mai Thị Choi chia sẻ.
Ông Đặng Văn Mừng, một thợ làm tò he 35 năm đến từ làng nghề Xuân La chia sẻ: “Nghề tò he truyền thống của làng chúng tôi sử dụng nguyên liệu chính là bột gạo nếp. Theo lịch sử, nghề này đã có từ hơn 200 năm trước. Gia đình tôi cũng là một trong những gia đình có truyền thống theo nghề, tôi là đời thứ 3 trong gia đình gắn bó với nghề tò he.
Tôi hy vọng rằng sản phẩm tò he sẽ được nhiều người biết đến hơn, đặc biệt là các em nhỏ. Tò he không chỉ là món đồ chơi lành mạnh, không độc hại, mà còn mang lại niềm vui cho trẻ em. Tôi rất mong các bậc phụ huynh sẽ tiếp tục ủng hộ để nghề truyền thống này được gìn giữ và phát triển. Khi thấy nhiều em nhỏ tham gia Festival Thu Hà Nội cùng bố mẹ và các phụ huynh cũng thích thú với sản phẩm tò he khiến tôi rất vui”, ông Mừng chia sẻ.
Giữa không khí nhộn nhịp của Festival Thu Hà Nội năm 2024, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc (52 tuổi) một người dân gốc Hà Nội cho biết rất ấn tượng với các không gian văn hóa mang đậm dấu ấn của Thủ đô.
"Điều đầu tiên khiến tôi ấn tượng chính là thời gian tổ chức. Ban tổ chức đã lựa chọn đúng thời điểm giữa mùa thu Hà Nội, khi không khí trở nên mát mẻ, có chút gió đông se lạnh thổi qua. Tôi cảm thấy không khí thật dễ chịu, tạo nên một trải nghiệm rất đặc biệt cho cả du khách và người dân. Cách bài trí các gian hàng và không gian lễ hội cũng rất đẹp mắt, khơi gợi sự tò mò, giúp du khách muốn tìm hiểu thêm về con người và văn hóa, du lịch Thủ đô cũng như từng vùng miền trên khắp dải đất hình chữ S.
Ngoài ra, tôi cũng ghé thăm một số gian hàng ở các tỉnh khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Huế. Dù các sản phẩm trưng bày chưa thể hiện hết mọi đặc trưng vùng miền, nhưng chúng đã truyền tải được sự mộc mạc, bình dị, gần gũi với đời sống con người Việt Nam. Những sản phẩm này thể hiện nét văn hóa đặc sắc, từ các làng nghề truyền thống cho đến ẩm thực địa phương, và tôi rất vui khi có cơ hội trải nghiệm những điều đó”, cô Kim Ngọc chia sẻ.
Anh Phạm Văn Nhân (37 tuổi, Hà Nội) cũng cảm thấy rất ấn tượng khi đến trải nghiệm tại các gian hàng ở Festival Thu Hà Nội năm nay.
“Tôi biết thông tin về sự kiện trên mạng xã hội, hôm nay là ngày nghỉ nên tôi dẫn các con ra đây chơi để chúng được tham quan, trải nghiệm các gian hàng, trò chơi. Tôi thấy đây là hoạt động thú vị giúp người dân tiếp cận với giá trị văn hóa của Thủ đô, biết thêm nhiều địa điểm du lịch ở các tỉnh thành”, anh Nhân chia sẻ.
Festival Thu Hà Nội 2024 không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội tới bạn bè trong nước và quốc tế. Sự kiện cũng là một phần trong chuỗi hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế Thủ đô, góp phần tăng cường sự gắn kết giữa các thế hệ, cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực du lịch, văn hóa giữa các vùng miền.