Hà Nội: Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm làm tranh sơn mài Hạ Thái

22/09/2024 06:52
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các du khách quốc tế cảm thấy thú vị khi được tận tay làm tranh sơn mài tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội).

Tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề, Phó Giám đốc Sở Du Lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, thời gian qua, Sở Du lịch đã ban hành, triển khai Kế hoạch số 63/KH-SDL về nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 131/KH-SDL ngày 29/8/2023 về nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức...

Giai đoạn 2024-2025, Sở Du lịch tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đặc thù gắn với các giá trị của di sản, di tích và làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch về nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung các nhiệm vụ nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch và triển khai ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư địa phương; tổ chức các hội nghị nâng cao chất lượng điểm đến du lịch gắn với các giá trị di sản, di tích, làng nghề và kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội. [1]

Vào năm 2020, thôn Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) chính thức được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Đây là một trong bảy điểm du lịch làng nghề của Thành phố. [2]

Du khách nước ngoài hào hứng khi được trải nghiệm làm sơn mài

Đến thôn Hạ Thái vào ngày mưa gió do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, phóng viên được người dân ở nơi đây chia sẻ, những ngày tạnh ráo, thường có các đoàn khách tua du lịch nước ngoài đến trải nghiệm làm tranh sơn mài.

Hôm nay, trời mưa, có lẽ sẽ vắng vẻ hơn, nhưng đến khoảng hơn 9h sáng, có một đoàn khách 13 người nước ngoài và một hướng dẫn viên bước xuống xe ô tô 16 chỗ đỗ tại Nhà văn hóa thôn Hạ Thái. Sau đó, mọi người đến nhà họa sĩ Trần Công Dũng trong con ngõ nhỏ hẹp.

gdvn_trai-nghiem-du-lich-lang-nghe-son-mai (4)4.jpg
Các du khách được hướng dẫn viên chia sẻ về làng nghề tranh sơn mài. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo chân đoàn du khách, khi đến trước cửa nhà ông Dũng, du khách đã ngạc nhiên trước nhiều tác phẩm tranh sơn mài bóng bẩy được treo từ bên ngoài đến sâu bên trong nhà. Ở bên trong, họa sĩ Trần Công Dũng đang ngồi vẽ những bức tranh đã được đánh bóng, trải qua nhiều công đoạn.

Anh Chu Văn Vũ (hướng dẫn viên du lịch) giới thiệu bằng tiếng Anh cho các du khách đến từ nhiều quốc gia về tranh sơn mài, tiếp đó anh đi lấy bút vẽ, khăn, sơn, vỏ trứng vịt... để du khách được bắt đầu một buổi trải nghiệm trong khoảng một giờ đồng hồ. Ông chủ của cơ sở sản xuất nơi đây là họa sĩ Trần Công Dũng cũng tham gia hỗ trợ công việc này.

Sau khi du khách được phát mỗi người một bức tranh đã được tạo hình thù, họ được hướng dẫn viên hướng dẫn vẽ sơn lên bức tranh rồi tiếp đó là đập dập vỏ trứng, gắn lên chỗ sơn đã vẽ, công đoạn cuối là dùng que chọc vào vỏ trứng để tạo ra đường nét.

gdvn_trai-nghiem-du-lich-lang-nghe-son-mai (8).jpg
Du khách thao tác vẽ sơn lên những đường nét được tạo hình, sau đó sẽ gắn vỏ trứng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo quan sát của phóng viên, có những du khách dán ngược mặt ngoài của vỏ trứng vào lớp sơn, khiến vỏ không bám dính. Khi này, anh Chu Văn Vũ đã hướng dẫn du khách cách làm.

Trong quá trình du khách trải nghiệm, hướng dẫn viên du lịch cũng chia sẻ cho du khách về lịch sử, quá trình phát triển của làng nghề.

Cảm nhận của du khách về buổi trải nghiệm

Sau khoảng một tiếng đồng hồ được ngồi trực tiếp làm những sản phẩm, anh Ian - đến từ nước Anh cảm thấy thú vị khi lần đầu được trải nghiệm hoạt động thú vị này.

gdvn_trai-nghiem-du-lich-lang-nghe-son-mai (5).jpg
Anh Ian cảm thấy thú vị sau khi tự tay hoàn thành bức tranh được gắn từ vỏ trứng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

"Tôi đã đến Việt Nam được bốn lần và lần này là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm làm tranh sơn mài. Tôi cảm thấy rất thú vị, được thư giãn khi làm nó. Tuy nhiên, để làm được nó không hề dễ dàng, cần phải có sự tập trung khi làm nó.

Khi trở về nước Anh, tôi sẽ chia sẻ với người thân về chuyến trải nghiệm thú vị này. Khi cho họ sang đây du lịch, tôi sẽ đưa họ đến đây để trải nghiệm", anh Ian cho hay.

Hướng dẫn viên du lịch Chu Văn Vũ cho hay, trong 5 năm kinh nghiệm dẫn tua khách du lịch, anh có một năm dẫn khách đến làng nghề sơn mài Hạ Thái. Khách du lịch sẽ đặt vé tua du lịch trải nghiệm một ngày tại các làng nghề ở Thành phố Hà Nội như làng nghề sơn mài Hạ Thái, rồi tiếp đó đến làng nghề làm hương ở xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), rồi đến làng nghề làm nón ở làng Chuông (Phương Trung, Thanh Oai).

"Trong gói tua du lịch, du khách sẽ đóng trọn gói chi phí với khoảng 40-50 đô la/người/ngày đã bao gồm tiền xe, ăn uống", nam hướng dẫn viên du lịch cho hay.

Theo anh Vũ, sau khi được trải nghiệm làm tranh sơn mài, họ cảm thấy được thư giãn, thú vị khi hiểu hơn văn hóa làng nghề của Việt Nam.

Thu nhập từ du lịch cao hơn làm nghề

Theo họa sĩ Trần Công Dũng, ông là người quê gốc ở tỉnh Thái Bình và từng tốt nghiệp ngành mỹ thuật của một trường đại học. Đam mê nghề sơn mài, nên ông quyết định đến nơi đây để phát triển sự nghiệp.

"Để hình thành nên một tác phẩm tranh sơn mài, phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn sẽ được một cơ sở thực hiện, như tôi chỉ làm vẽ", họa sĩ Dũng cho hay.

gdvn_trai-nghiem-du-lich-lang-nghe-son-mai (1).jpg
Họa sĩ Trần Công Dũng thao tác vẽ tranh.

Ông Dũng cho hay, trước thực trạng khách du lịch nước ngoài đến làng nghề để tham quan xong lại ra về, ông nhận đây là sự lãng phí vì không để họ trải nghiệm thực tế nghề sơn mài, cũng như tạo thêm thu nhập từ hoạt động này.

Đến nay, ông Trần Công Dũng đã tổ chức hoạt động trải nghiệm vẽ tranh sơn mài cho khách du lịch được khoảng mười năm. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến nhiều với gia đình ông sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

Có các công ty du lịch liên hệ với ông để ký kết hợp đồng dẫn khách du lịch tới cơ sở của gia đình.

"Nếu ngày đón hàng trăm khách du lịch, doanh thu trung bình mỗi ngày khoảng vài triệu đồng/ngày. Kinh doanh từ du lịch cao hơn nhiều so với làm nghề, tôi mong muốn sẽ có nhiều hộ gia đình cùng thực hiện mô hình kinh doanh này để tạo sự quảng bá rộng rãi đến du khách", họa sĩ Trần Công Dũng chia sẻ.

Họa sĩ Trần Công Dũng cho hay, bên cạnh nguồn thu từ cho khách đến tham quan trải nghiệm là 300 nghìn đồng/du khách, ông còn bán các bức tranh sơn mài, mỗi sản phẩm có giá trị thấp từ 300-500 nghìn đồng, còn cao nhất là hàng chục triệu đồng.

Người dân mong có khu triễn lãm, trải nghiệm làm nghề rộng cả hecta

Theo anh Đỗ Ngọc Châu (hộ dân làm nghề sơn mài), người dân địa phương cũng rất mong muốn có cơ sở để du khách đến trải nghiệm làm nghề sơn mài, và tăng nguồn thu nhập từ hoạt động này. Tuy nhiên, khó khăn với các hộ sản xuất là có thể gặp khó khăn do cơ sở sản xuất chật hẹp, nếu để nhiều khách vào tham quan khu sản xuất sẽ bất tiện như bụi, mùi sơn... Bên cạnh đó, việc đầu tư nơi để khách trải nghiệm, cùng các tiện ích như vệ sinh... cũng khó với các hộ dân.

"Chúng tôi mong địa phương xây dựng cho một khu để các hộ triển lãm trưng bày sản phẩm và cho du khách trải nghiệm. Như vậy, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm nhiều tác phẩm.

Đồng thời, cũng cần có những chính sách hỗ trợ người dân từ các sở, ban ngành để kết nối các tour du khách đến địa phương. Từ đó, người dân mới mạnh dạn triển khai mô hình trải nghiệm làm nghề cho du khách", anh Châu chia sẻ.

Anh Châu cho biết thêm, địa phương có một khu đất rộng khoảng 1hecta của một số hộ (có sổ đỏ) được chính quyền dự kiến quy hoạch để "phân lô, bán nền". Trong khi đó, người dân lại có mong muốn nơi đây được xây dựng thành khu triển lãm trưng bày sản phẩm và cho du khách trải nghiệm làm nghề.

Theo bà Nguyễn Thị Hồi (Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài thôn Hạ Thái), nghề sơn mài đã mai một do thu nhập thấp và đến nay còn khoảng 300 hộ làm nghề.

"Từ đầu năm đến nay, có khoảng 600-700 lượt khách đến địa phương để tham quan, trải nghiệm làm nghề sơn mài. Ở địa phương, chỉ có mỗi nhà ông Dũng cho khách du lịch trải nghiệm.

Về phía huyện cũng đã về đo đạc tại khu văn phòng của đơn vị rộng khoảng 300 mét để xây dựng mới làm khu trưng bày, triển lãm sản phẩm, cho du khách trải nghiệm làm nghề", bà Hồi chia sẻ.

Một số hình ảnh trong buổi trải nghiệm làm nghề tranh sơn mài:

gdvn_trai-nghiem-du-lich-lang-nghe-son-mai (3).jpg
Hướng dẫn viên du lịch Chu Văn Vũ giới thiệu cho du khách về tác phẩm tranh sơn mài.
gdvn_trai-nghiem-du-lich-lang-nghe-son-mai (6).jpg
gdvn_trai-nghiem-du-lich-lang-nghe-son-mai (9).jpg
Một số tác phẩm tranh sơn mài được treo triển lãm.
gdvn_trai-nghiem-du-lich-lang-nghe-son-mai (7).jpg
Du khách sẽ cho vỏ trứng lên lớp sơn và sau đó dùng que chọc để tạo vân.
gdvn_trai-nghiem-du-lich-lang-nghe-son-mai (4).jpg
Du khách thích thú chụp hình với tác phẩm đã hoàn thiện.
gdvn_trai-nghiem-du-lich-lang-nghe-son-mai (2).jpg
Vợ chồng anh Ian chụp hình lưu niệm với tác phẩm đã hoàn thành.

Link bài viết tham khảo:

1) https://moitruongdulich.vn/index.php/item/26217

2)https://thanglong.chinhphu.vn/gin-giu-va-phat-trien-lang-nghe-son-mai-ha-thai-103240314101855414.htm

Mạnh Đoàn