Phi công muốn nghỉ việc phải báo trước 180 ngày: Trái luật?

19/04/2015 08:44
Mai Anh
(GDVN) - Câu hỏi này cũng chính là nội dung đang gây tranh luận xung quanh dự thảo Thông tư mới của Bộ Giao thông vận tải về quản lý nhân viên hàng không trình độ cao.

Các hãng hàng không nói gì?

Nhằm nâng cao hoạt động ngành hàng không Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành dự thảo Thông tư Bổ sung một số điều của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay. Để dự thảo đảm bảo quyền lợi các bên gồm hãng hàng không, người lao động cũng như những quy định riêng của ngành hàng không Bộ Giao thông vận tải đã mời góp ý cho dự thảo trong vòng 15 ngày từ 15/4 đến 30/4/2015.

Ngay sau khi dự thảo Thông tư được mời lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm của dư luận trước câu hỏi phi công muốn nghỉ việc phải có văn bản thông báo trước bao nhiêu ngày?.

Cụ thể theo dự thảo thông tư mà Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến, nhân viên hàng không trình độ cao được định nghĩa gồm: Thành viên tổ lái (phi công), nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ CRS mức B trở lên, nhân viên điều độ, khai thác bay.

Dự thảo Thông tư Bổ sung một số điều của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay được Bộ Giao thông vận tải công khai mời góp ý kiến (ảnh chụp màn hình)
Dự thảo Thông tư Bổ sung một số điều của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay được Bộ Giao thông vận tải công khai mời góp ý kiến (ảnh chụp màn hình)

Theo quy định bổ sung mới trong dự thảo thông tư thì nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay 180 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng.

Theo Bộ Giao thông vận tải quy định này nhằm giúp hãng hàng không chủ động lập kế hoạch duy trì hoạt động bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch bay đã được phê duyệt.

Tuy nhiên trước nội dung dự thảo mới này, đại diện các hãng hàng không đã có những ý kiến quan điểm khác nhau. Tại buổi họp tại Bộ Giao thông vận tải, Tổng giám đốc Vietnam Airlines - Phạm Ngọc Minh lên tiếng ủng hộ quy định nêu trên. Theo đó, lịch bay của hãng được tính theo chu kỳ 6 tháng, bao gồm cả nội dung về nguồn lực lao động. Do vậy, phi công nghỉ việc đột xuất sẽ làm xáo trộn toàn bộ kế hoạch kinh doanh. 

Ngoài ra, Vietnam Airlines cho rằng đề tìm một phi công mới cần khoảng thời gian dài và phải mất thời gian để phi công làm quen với hãng do vậy quy định trên là phù hợp đảm bảo cạnh tranh lành manh giữa các hãng. 

Đồng quan điểm với Vietnam Airlines, đại diện Jetstar Pacific cũng cho rằng nếu người lao động thông báo kế hoạch nghỉ việc trước 6 tháng, các hãng hàng không sẽ chủ động hơn trong việc sắp xếp lịch bay, bảo đảm hoạt động.

Trái với những ý kiến trên, trong văn bản góp ý cho dự thảo Hãng Hàng không Vietjet Air cho rằng việc quy định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các văn bản dưới luật phải thống nhất và phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.  

Các hãng hàng không có ý kiến khác nhau về Dự thảo Thông tư này
Các hãng hàng không có ý kiến khác nhau về Dự thảo Thông tư này

Trong khi đó Bộ luật Lao động Điều 37 có quy định cho người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và phải thông báo trước ít nhất là 30 ngày với hợp đồng lao động có thời hạn, đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì thời hạn báo trước ít nhất là 45 ngày.

Như vậy theo đại diện Vietjet, dự thảo Thông tư thì thời hạn thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là 180 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động là trái với quy định của Bộ luật lao động hiện hành quy định về thời hạn báo trước.

“Điều này gây khó khăn, cản trở đối với người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi thiết thực của người lao động trong việc tìm việc làm, quyền tự do làm việc của người lao động. Do đó, chúng tôi đề nghị Thông tư hướng dẫn cần phải tuân thủ và thống nhất với những quy định của Bộ luật Lao động hiện hành", Đại diện Vietjet cho biết.

Thông tư không thể to hơn luật

Bên cạnh đó một nội dung khác được dư luận quan tâm trong Dự thảo thông tư đó là quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 của Dự thảo Thông tư:  Nhân viên hàng không trình độ cao khi chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn phải có trách nhiệm bồi thường chi phí huấn luyện, đào tạo do người khai thác tàu bay đã thực hiện đào tạo, huấn luyện; bồi thường chi phí phá vỡ cam kết thời gian làm việc sau đào tạo.  

Đứng góc độ người sử dụng lao động, theo đại diện Vietjet quy định trên của Dự thảo Thông tư chưa rõ ràng, cụ thể quy định về bồi thường chi phí đào tạo cần phải được thể hiện rõ cho cả hai trường hợp là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy định của pháp luật và bồi thường chi phí đào tạo trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái với quy định của pháp luật. 

Dẫn giải vẫn đề này Vietjet cho rằng, với trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy định của pháp luật quy định tại điều khoản 1, Điều 37 và không vi phạm thời hạn báo trước quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 37 thì không phải bồi thường chi phí đào tạo. 

Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng quy định theo điều 37 và nếu vi phạm thời hạn báo trước thì có nghĩa vụ phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương những ngày không báo trước và phải hoàn trả chi phí đào tạo theo quy định tại điều 62 của Bộ luật lao động.

Trong trường hợp phải bồi thường chi phí đào tạo thì việc bồi thường phải tuân theo quy định tại điều 62 Bộ luật lao động và theo thỏa thuận đào tạo. Chi phí đào tạo mà người lao động phải bồi thường là chi phí thực tế mà không phải là chi phí có chứng từ hợp lệ.

“Như vậy, quy định về bồi thường chi phí đào tạo theo như nội dung của Dự thảo Thông tư được dẫn và phân tích trên đây cho thấy không phù hợp hợp với quy định của Bộ luật lao động năm 2012. Quy định này nếu được ban hành và áp dụng vào thực tiễn sẽ trái với quy định của Bộ luật lao động và gây khó khăn, thiệt hại cho người lao động”, đại diện Vietjet cho biết.

Trước nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo, trao đổi với báo chí bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, theo điều 70 của Luật Hàng không, Bộ trưởng Giao thông được phép quy định chế độ lao động, kỷ luật đặc thù của nhân viên hàng không, nên có thể đưa ra mức trên 30 hay 45 ngày.  Ngoài ra, quy định của Bộ luật Lao động đưa thời hạn thông báo "ít nhất", không phải thời hạn tối đa.

Theo bà Nga, Bộ sẽ xem xét cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Không thể để doanh nghiệp xáo trộn kinh doanh cũng như người lao động thiệt thòi khi nghỉ việc.

Trong khi đó trả lời trên VnExpress, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho rằng, dự thảo Thông tư của Bộ Giao thông vận tải  quy định người lao động muốn chấm dứt hợp đồng phải báo trước 180 ngày là trái với Bộ luật Lao động. Theo ông Bốn Thông tư không thể to hơn Luật.

Dự thảo Thông tư dự định sau khi tổng hợp các ý kiến và hoàn thiện sẽ được ban hành, có hiệu lực vào tháng 7/2015. Dự thảo Thông tư ra được đưa ra trong bối cảnh đầu năm 2015, Vietnam Airlines đã có 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus. Nhiều người đã muốn chấm dứt hợp đồng để chuyển sang hãng khác. Việc phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines xin nghỉ việc được cho do vấn đề lương thưởng và chế độ làm việc không tương xứng. 

 Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động 

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; 

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; 

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động; 

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước; 

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này; 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này. 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Mai Anh