Quy hoạch đô thị có dấu hiệu tư duy nhiệm kỳ, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt

28/05/2019 06:16
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là nhấn mạnh của đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt – đoàn Gia Lai về vấn đề quy hoạch đô thị thời gian qua tại các đô thị.

Quốc hội đã dành cả ngày 27/5 để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Đại biểu Đinh Duy Vượt. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đinh Duy Vượt. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biệu tại hội trường, đại biểu Đinh Duy Vượt - đoàn Gia Lai thẳng thắn nêu, chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch.

Thậm chí, làm nát quy hoạch ban đầu. Minh chứng đó là tỷ lệ quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 37% diện tích đất xây dựng đô thị.

Ông Vượt lấy dẫn chứng, theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần.

“Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng rồi giảm diện tích cây xanh; đồng thời các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng công trình là thấp nhất”, đại biểu đánh giá.

“Đây là điều đáng suy nghĩ và đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải... ngày càng tăng.

Suy cho cùng, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất cũng là làm nát quy hoạch, nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác”, ông Vượt nói.

Trong phần giải trình thông tin liên quan đến những ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định còn nhiều bất cập như các đại biểu nêu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trình Đình Dũng. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trình Đình Dũng. Ảnh: Quochoi.vn

“Thời gian qua, việc sử dụng đất đai còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải có giải pháp để khắc phục.

Người dân tập trung ở các đô thị lớn để tìm kiếm việc làm đã gây áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng tại các đô thị.

Mỗi năm những đô thị như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng xấp xỉ 200.000 người.

Số người ngày càng tăng, trong khi việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn chậm và thiếu đồng bộ, dẫn đến quá tải về hạ tầng ở các đô thị lớn”, Phó Thủ tướng nhận định.

Đặc biệt, vấn đề về nhà ở cho đối tượng công nhân hiện nay ít được quan tâm. Phó Thủ tướng mong Quốc hội có những kiến nghị, cơ quan ban ngành vào cuộc để người nghèo cũng có nhà ở.

Tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Quy hoạch đô thị có dấu hiệu tư duy nhiệm kỳ, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt ảnh 3Làm giả công văn Chủ tịch Đà Nẵng để tạo cơn sốt đất

“Nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai còn nhiều khoảng trống, chồng chéo, thiếu đồng bộ.

Công tác lập quy hoạch ở một số nơi còn chậm so với nhu cầu phát triển, dẫn đến việc khi có quy hoạch rồi phải điều chỉnh lại dự án, ảnh hưởng đến nhà đầu tư, đồng thời làm số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng rất lớn, như con đường đắt nhất hành tinh….

Việc quy hoạch còn tùy tiện, chạy theo nhà đầu tư, tạo ra khu đô thị chật chội và không an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân, nhà nước…”, Phó Thủ tướng cho biết.

Đỗ Thơm