Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: Lãnh đạo cấp cao cần có ý kiến

09/06/2017 06:29
Mai Anh
(GDVN) - Theo Trung tá Lê Trọng Sành, lãnh đạo cấp cao cần có ý kiến về vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Ùn tắc quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất từ lâu đã trở thành vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm. Sự quan tâm ấy ngày càng lớn khi mà bên trong sân bay thì quá tải, bên ngoài thì kẹt xe, trong khi đó ngay tại khu vực Tân Sơn Nhất lại dành tới 157 héc-ta làm sân golf, xây dựng nhà hàng.

Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia hàng không nhận định: Chỉ cần thu hồi đất sân golf, giải tỏa nhà hàng, khách sạn xây dựng trong sân bay thì sẽ nâng năng suất sân bay lên gấp 2 đến 3 lần hiện nay.

Tuy nhiên, sau rất nhiều góp ý của các chuyên gia thì “nút thắt” sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa được tháo cởi. 

Trước việc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, phải thu hồi đất sân golf để cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất - ảnh Hoàng Lực.
Trước việc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, phải thu hồi đất sân golf để cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất - ảnh Hoàng Lực.

Thu hồi đất sân golf thể hiện ý chí nguyện vọng của cử tri

Thảo luận chiều 1/6 tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, trong khi chờ dự án sân bay Long Thành tiến hành, cần có nghiên cứu để khai thác hết công suất của sân bay Tân Sơn Nhất.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc cũng bày tỏ không đồng tình khi tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất còn đất sân bay thìlại được sử dụng vào mục đích khác.

“Trong khi sân bay kẹt như thế, đất sân bay lại được cho sử dụng mục đích khác làm sân golf, khách sạn. Chúng ta có suy nghĩ gì không?” ông Lộc đặt vấn đề.

Theo ông Lộc, nên mở thêm cửa sân bay phía quận Gò Vấp để các hãng máy bay giá rẻ đi cửa riêng hoặc mở thêm cửa phía đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình).

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Sân bay quá tải sao lại xây nhà hàng, sân golf? - ảnh: TQ.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Sân bay quá tải sao lại xây nhà hàng, sân golf? - ảnh: TQ.

Đồng thời, vị đại biểu này cũng đề nghị đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phải có kiến nghị chung về việc đầu tư khai thác hết công suất của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

“Tôi không nói điềm gở, nhưng nếu có xảy ra sự cố nào đó thì mỗi đường Trường Sơn như hiện nay có xử lý được không?”, ông Lộc băn khoăn.

Theo dõi ý kiến của Đại biểu Nguyễn Phước Lộc trước Quốc hội với tư cách một cử tri của quận Tân Bình, Trung tá Lê Trọng Sành - Nguyên Cục phó Cục tác chiến Quân chủng Phòng không không quân, nguyên Trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: “Ý kiến của Đại biểu Nguyễn Phước Lộc đã phản ánh đúng tâm tư của cử tri quận Tân Bình cũng như cử tri của thành phố”.

Trung tá Lê Trọng Sành cho hay, từ 6 năm trước ông cùng nhiều cựu chiến binh đã lên tiếng đề nghị phải xem xét giải tỏa sân golf trả đất để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

“Nhiều lần tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng phản ánh nhưng tiếc là đại biểu nghe, tiếp thu nhưng không đưa ra trước Quốc hội, vì thế ý kiến của ông Lộc về vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đưa ra tại kỳ họp lần này phản ánh đúng tâm tư của cử tri”, ông Sành cho biết.

Trung tá Lê Trọng Sành - Nguyên Cục phó Cục tác chiến Quân chủng Phòng không không quân, nguyên Trưởng phòng quản lý bay - sân bay Tân Sơn Nhất. ảnh nguồn Tạp chí hàng không
Trung tá Lê Trọng Sành - Nguyên Cục phó Cục tác chiến Quân chủng Phòng không không quân, nguyên Trưởng phòng quản lý bay - sân bay Tân Sơn Nhất. ảnh nguồn Tạp chí hàng không

Cũng liên quan đến vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất trong chiều 1/6, Thiếu tướng Lâm Quang Đại - Chính uỷ quân chủng Phòng không không quân (đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, vừa qua Quân chủng Phòng không không quân đã di dời một số đơn vị ở khu vực Tân Sơn Nhất đi Cần Thơ và Biên Hòa, dành phần đất cho phát triển hàng không dân dụng.

Đối với sân golf, nhà hàng... ở Tân Sơn Nhất, Tướng Đại cho biết đang sử dụng diện tích 157 héc-ta, trong đó riêng sân golf hiện là 132 héc-ta.

Lý giải vì sao xây dựng sân golf ở đây, ông Lâm Quang Đại cho biết đó là “vấn đề lịch sử”, triển khai từ 2007 đến 2015 thì đưa vào khai thác. Trước đây cơ quan chức năng đưa ra quan điểm xây dựng sân golf nhằm tận dụng đất nhàn rỗi để phát triển kinh tế.

Đồng thời, ông Đại cho biết: “Bộ Quốc phòng đã thống nhất về mặt quan điểm là sẽ thu hồi bất cứ thời điểm nào khi có nhu cầu để phục vụ quốc phòng hoặc khi có chỉ thị của cấp trên.

Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: Lãnh đạo cấp cao cần có ý kiến ảnh 4

"Đất của sân bay phải để làm sân bay!"

Tất cả các công trình trên sân golf nếu ảnh hưởng đến an toàn bay, an toàn hàng không, Bộ Quốc phòng sẽ kiên quyết xử lý khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, ngành hàng không”.

Tuy nhiên, Trung tá Lê Trọng Sành cho rằng, trả lời của Tướng Đại không thỏa đáng bởi nếu Bộ Quốc phòng thấy rõ sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất chỉ nhằm mục đích tận dụng đất nhàn rỗi và sẽ thu hồi bất kỳ thời điểm nào, vậy tại sao trong khi sân bay quá tải nhiều năm nay đang cần diện tích đất để nâng cấp, mở rộng Bộ Quốc phòng không chủ động giải tỏa sân golf?

Vấn đề giải tỏa sân golf để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất dù được nói đến nhiều nhưng vẫn không có chuyển biến, Trung tá Sành cho rằng, cần phải xem lại tư duy quản lý, xem xét có biểu hiện của lợi ích nhóm không?

Quân ủy Trung ương cần lên tiếng

Theo ông Lê Trọng Sành không biết từ khi nào xuất hiện cụm từ “đất quốc phòng”, và khi nghe thấy cụm từ đó nhiều người nghĩ đó là vùng cấm, bất khả xâm phạm. 

Tuy nhiên với tư cách người lính từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Sành khẳng định: “Không có đất nào của quốc phòng, đất là của nhân dân. Quân đội cũng từ nhân dân mà ra, người lính chiến đấu đổ máu gìn giữ từng tấc đất tổ quốc, vì nhân dân”.

Ông Sành cho rằng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng lúc nào cũng cần. Trong kháng chiến người dân sẵn sàng dỡ nhà để làm đường, làm cầu, phà cho xe tăng, xe tải băng sông, vượt suối đánh giặc. 

Điều đó cho thấy nếu cần đất để xây dựng trận địa phòng thủ nhằm bảo vệ tổ quốc thì dù lấy ở đâu nhân dân cũng ủng hộ. 

Tuy nhiên việc sử dụng đất trong sân bay Tân Sơn Nhất để xây sân golf, nhà hàng là không đúng mục đích, đặc biệt khi sân bay quá tải cần đất mở rộng, nâng cấp nhưng vẫn không chủ động lên phương án trả lại.

Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: Lãnh đạo cấp cao cần có ý kiến ảnh 5

Nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất đề nghị thu hồi ngay sân golf

“Trước bất cập này, theo tôi, Quân ủy Trung ương cần lên tiếng và có chỉ đạo về vấn đề sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhât”, ông Sành đề nghị.

Ông Sành cho rằng, để giải quyết quá tải Tân Sơn Nhất chỉ cần thu hồi 157 héc-ta đất sân golf để làm thêm nhà ga, xây dựng thêm chỗ đỗ tàu bay, làm thêm đường lăn từ chỗ đỗ tàu bay ra đường băng cất hạ cánh.

Đồng thời mở thêm đường vào sân bay Tân Sơn Nhất ở đường Trường Chinh và đường Quang Trung. 

“Nếu thu hồi đất sân golf mở rộng Tân Sơn Nhất, theo tôi sẽ đảm bảo nâng công suất phục vụ của Tân Sơn Nhất lên mức 70 triệu hành khách/năm”, ông Sành cho biết.

Được biết sân golf Tân Sơn Nhất do Công ty cổ phần đầu tư Long Biên đầu tư. Sân golf Tân Sơn Nhất được đánh giá là một trong những sân golf quy mô, hoành tráng Việt Nam. Sân golf gồm 36 lỗ golf, chia làm 2 khu, được ngăn cách bởi đường N1. Khu 9 lỗ giáp với khu vực quận Gò Vấp và khu 27 lỗ giáp ranh với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Hạ tầng khu biệt thự có diện tích khoảng 14héc-ta, bao gồm chung cư cao tầng, trung tâm thương mại và khu biệt thự. Công ty cổ phần đầu tư Long Biên dự kiến sẽ xây dựng 54 căn biệt thự, 8 lô chung cư với 1.000 căn hộ, 1 khách sạn 5 sao.

Mai Anh