SCIC chưa thể buông "con bò sữa" Vinamilk

13/06/2016 14:40
Mai Anh
(GDVN) - Những doanh nghiệp như Vinamilkđang mang lại lợi nhuận lớn nên SCIC không muốn thoái vốn do lo lắng kết quả kinh doanh sụt giảm và mất vai trò quản lý

Dù Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng quyết định thoái vốn 10 doanh nghiệp trong đó có việc thoái vốn khỏi Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), tuy nhiên danh mục kế hoạch thoái vốn của SCIC trong năm 2016 không có tên 8/10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk.

Danh mục thoái vốn của SCIC trong năm 2016 không có tên 8/10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk. Ảnh minh họa.
Danh mục thoái vốn của SCIC trong năm 2016 không có tên 8/10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk. Ảnh minh họa. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc SCIC chưa vội thoái vốn ở các doanh nghiệp như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Bảo Minh… có thể bởi đây là những "con gà đẻ trứng vàng" hay "con bò sữa tỉ đô" của SCIC.

Bằng chứng là kết thúc mỗi năm, SCIC đều thu cổ tức lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Chẳng hạn như năm 2015, SCIC nhận về 5.062 tỉ đồng cổ tức, tăng 40% so với năm 2014. Trong đó, riêng Vinamilk đã trả cho SCIC 2.705 tỉ đồng cổ tức.

Lý giải về việc không thoái vốn tại doanh nghiệp như Vinamilk, SCIC cho biết: Ngày 8/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1787/TTg-ĐMDN (Công văn 1787) trong đó chỉ đạo: SCIC tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp và SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt lợi ích cao nhất.

Được biết, trong năm 2015, SCIC đã bán vốn thành công tại 120 doanh nghiệp, thu về 4.491 tỉ đồng trên giá vốn 1.682 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2015, SCIC còn nắm giữ vốn tại 197 doanh nghiệp với tổng các khoản đầu tư là 19.740 tỉ đồng.

Riêng số vốn mà SCIC đang nắm giữ tại 10 doanh nghiệp còn lại ước tính có thể lên đến 3,5 tỉ USD. Như vậy có thể thấy những doanh nghiệp SCIC thoái vốn là những doanh nghiệp nhỏ, vốn nắm giữ không lớn. Con số thoái vốn của cả năm 2015 của SCIC còn thấp hơn nhiều số vốn SCIC nắm giữ tại 10 doanh nghiệp kia.

Trước câu hỏi về sự chậm trễ của SCIC trong việc thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết 10 doanh nghiệp trọng điểm gồm Vinamilk, FPT, Bảo Minh... là những "của để dành, bán ra sẽ được mua ngay".

Việc thị trường quá trông đợi vào động thái thoái vốn của các "ông lớn" này khiến Bộ Tài chính lo lắng những doanh nghiệp khác thoái vốn cùng thời điểm sẽ khó khăn.

Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính cho rằng, phải tôn trọng quyền của doanh nghiệp (tức SCIC).

Phải khẳng định, việc dần thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp không trọng yếu và không thuộc lĩnh vực nhạy cảm là định hướng không thể đảo ngược mà Chính phủ đã sớm vạch ra. Nó không những giúp tạo động lực cho tiến trình cổ phần hóa, tăng thêm sức cạnh tranh cho khối doanh nghiệp nhà nước mà nó còn giúp Chính phủ thu được một khoản tiền không nhỏ, giúp phần nào giải quyết bài toán thâm hụt ngân sách.

Trong Báo cáo tài chính năm 2015 vừa được SCIC công bố, tính tới thời điểm 31/12/2015, tổng tài sản của SCIC đạt 73.263 tỉ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm (71.142 tỉ đồng). Tài sản ngắn hạn của SCIC đạt gần 40.500 tỉ đồng, sụt giảm 31% so với đầu năm nhưng bù lại tài sản dài hạn tăng gấp gần ba lần, đạt hơn 32.763 tỉ đồng.

Doanh thu của SCIC tăng trưởng khá nhanh trong những năm qua và đặc biệt tăng gấp rưỡi trong năm 2015, từ 7.000 tỉ đồng lên trên 10.500 tỉ đồng. Nguyên nhân chính khiến doanh thu tăng mạnh là SCIC đã đẩy mạnh hoạt động bán ra các khoản đầu tư của mình.

Ngoài doanh thu từ bán vốn thì doanh thu từ cổ tức của SCIC cũng tăng trưởng 36% trong năm vừa qua, đạt mức 4.900 tỉ đồng, trong đó riêng thu từ cổ tức của “bò sữa” Vinamilk ước tính đã lên tới 2.700 tỉ đồng (chiếm 55% tổng doanh thu cổ tức).

Mai Anh