Tác giả "Đường bay vàng" nghi ngờ Cục Hàng không "nắn" đường bay

05/09/2014 14:30
Hồng Minh
(GDVN) - Từ sự chênh lệch giữa hai con số 142km và 85km, ông Mai Trọng Tuấn đặt nghi vấn phải chăng Cục HKVN nắn lại đường bay so với đường bay tính toán năm 2009.

Sau nhiều ngày chờ đợi, kết quả bay thử nghiệm trong Hệ thống buồng lái giả định (SIM) đường bay thẳng Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh qua Lào, Campuchia đã được công bố.

Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, kết quả bay kiểm chứng SIM theo phương án đường hàng không thẳng có tổng quãng đường bay là 643NM (1.191km), thời gian bay là 103 phút (1giờ 43phút), lượng nhiên liệu tiêu thụ là 4.140kg.

So với kết quả kiểm chứng SIM theo phương án đường hàng không đang được bay hiện nay, đường bay thẳng giúp giảm về cự ly 85km, về thời gian là 5 phút và lượng nhiên liệu tiêu thụ giảm 190kg.

Đường bay hiện nay (màu hồng) và đường bay thẳng theo đề xuất của ông Trần Đình Bá.
Đường bay hiện nay (màu hồng) và đường bay thẳng theo đề xuất của ông Trần Đình Bá.

TS Trần Đình Bá: Tôi không bất ngờ...

Kết quả này chênh lệch khá lớn về thời gian, quãng đường và nhiên liệu so với tính toán trước đó của nhiều chuyên gia hàng không.

Cụ thể, TS Trần Đình Bá cho rằng nếu áp dụng đường bay thẳng sẽ tiết kiệm được 26 phút và 1/4 năng lượng so với đường bay đang tiến hành.

Tương tự, ông Mai Trọng Tuấn - cựu phi công quân đội từng đưa ra khẳng định đường bay thẳng sẽ giúp giảm 110 km so với quãng đường bay Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh hiện nay.

Ngay sau khi Cục HKVN công bố kết quả bay thử nghiệm đường bay thẳng, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Trần Đình Bá cho biết: "Tôi không bất ngờ vì đã biết “kịch bản” này không khác gì 3 cuộc Hội thảo về Đề án bay thẳng do Cục HK tổ chức trước đó". 

Cũng trao đổi với phóng viên, TS Trần Đình Bá cho hay: Ngày 3/9, ông nhận được 2 cuộc điện thoại của người tự xưng người của Cục HKVN truyền đạt lời của Cục trưởng Cục HKVN mời TS Bá đến chứng kiến bay trên buồng lái giả định. Tuy nhiên ngay ngày hôm sau, Cục HKVN đã công bố kết quả bay.

Bảng hiệu kinh tế đường bay nội địa tại Việt Nam theo "Phương pháp Trần Đình Bá" cho thấy hiệu quả bình quân trên tất cả các đường bay ở Việt Nam chỉ đạt 75,6 %, thiệt hại kinh tế 24,4 % (tỷ lệ lãng phí gần 1/4).
Bảng hiệu kinh tế đường bay nội địa tại Việt Nam theo "Phương pháp Trần Đình Bá" cho thấy hiệu quả bình quân trên tất cả các đường bay ở Việt Nam chỉ đạt 75,6 %, thiệt hại kinh tế 24,4 % (tỷ lệ lãng phí gần 1/4).

TS Trần Đình Bá cho rằng, từ trước Cục HKVN và Vietnam Airlines (VNA) liên tục kêu khó khăn để trì hoãn triển khai thử nghiệm đường bay thẳng với các lý do như không đàm phán được với các nước bạn, phải bay qua 13 đường “giao cắt”, khó khăn khi chuyển giao không phận, phân chia vùng trời, đặt vùng cấm bay... Sau đó lại đề xuất lập đường bay song song. 

Khi Bộ trưởng GTVT đàm phán thành công với bạn, Cục HKVN lại cho rằng áp phí quá cao sẽ bị lỗ, đề nghị xin giảm 50% lệ phí. Bộ trưởng lệnh phải cho bay thử nghiệm thì làm ào ào, không công khai quy trình thử nghiệm, rồi thiếu SIM phải đi thuê nước ngoài gây tốn kém...

"Ngày hôm trước VNA, Vietjet Air (VJA) công bố thử nghiệm xong thì hôm sau đã vội vàng thí nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất, không cho ai biết… Làm như thế khác nào Cục HKVN coi thường cuộc thực nghiệm khoa học", TS Trần Đình Bá nhận xét. 

Qua đó, TS Trần Đình Bá đặt câu hỏi tại sao Cục HKVN không thông cáo báo chí để tác nghiệp chứng kiến?  Sơ đồ bay, quy trình thử nghiệm không có? Biên bản phải lập như thế nào?...

Nghi ngờ "nắn" đường bay

Cùng chung nghi ngờ về kết quả thực nghiệm đường bay thẳng, trao đổi với phóng viên sáng 5/9, cựu phi công Mai Trọng Tuấn - người có ý tưởng đầu tiên về đường bay thẳng cho rằng, việc tiết kiệm 85km quãng đường bay rất tốt. Tuy nhiên đây chưa phải là kết quả chính xác nhất bởi kết quả bay kiểm chứng SIM theo phương án đường hàng không thì phải tính từ thời gian máy bay rời đất đến khi máy bay chạm đất chứ không phải tính từ đài kiểm soát này đến đài kiểm soát kia. 

Ông Mai Trọng Tuấn cũng giữ quan điểm, chỉ có thể giúp giảm quãng đường bay còn giảm thời gian hay nhiên liệu phụ thuộc vào từng loại máy bay, không thể nói chung chung.  

"Thời gian bay thuộc vào máy bay, nó giống như việc cùng trên quãng đường nhưng người đi xe đạp sẽ có thời gian di chuyển khác với người đi xe máy", ông Tuấn lấy ví dụ.

Một vấn đề khác theo ông Tuấn, kết quả bay thử nghiệm là 85km thấp hơn nhiều con số 142km được Cục HKVN đưa ra trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ năm 2009. Cụ thể ông Tuấn kể, năm 2009 sau khi Thủ tướng nhận được đề xuất đường bay thẳng của ông Tuấn, ngày 25/06/2009 Văn phòng chính phủ lại có công văn số 4920, truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu Cục HK gặp, trao đổi trực tiếp với ông Tuấn và báo cáo Thủ tướng chính phủ.

Dù trong cuộc gặp, cũng như trong văn bản báo cáo trình Thủ tướng, Cục HK đề ra một loạt lý do không thể thực hiện được nhưng cũng phải thừa nhận: “Đường bay theo kinh tuyến 106o Đông, nối Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh, rút ngắn được 14km so với đường bay hiện tại” (nguyên văn ở trang 2, dòng 12 tính từ dưới lên) công văn số 1588/CHK-QLHĐB, ngày 11/05/2009).

Từ sự chênh lệch giữa hai con số 142km và 85km, ông Mai Trọng Tuấn đặt nghi vấn phải chăng Cục HKVN nắn lại đường bay so với đường bay tính toán năm 2009. 

"Tôi vẫn giữ quan điểm tiết kiệm khoảng 110km, chỉ cần đo trên bản đồ là rất rõ, không cần bay thử", ông Tuấn khẳng định.

Hồng Minh