Tâm sự đắng lòng của những người đang chống chọi với biến đổi khí hậu

19/10/2012 11:21
Diện Hứa
(GDVN) - “Kể ra mỗi mùa lũ đến, khổ lắm! Học sinh không thể đến trường, mọi hoạt động đều bất tiện…”, tâm sự của một người dân đang hàng ngày sống chung với sự biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng cùng hậu quả nặng nề đến đời sống của họ.
Cứ mỗi mùa bão về là những người dân vùng ven biển hay vùng sâu, vùng xa đều nơm nớp lo lắng làm sao để chống chọi qua mùa bão. Nhưng có lẽ họ đã quen với điều đó. Không  chỉ một năm mới có mà nó xảy ra hàng năm nên cách mà họ làm là "sống chung với bão".

Sống chung với thiên tai

Sống ở nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, anh Đậu Văn Du (xã Thạch Lâm, Thạch Hà, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Miền tTung là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Mỗi độ bão về, quê tôi  thường xuyên bị ảnh hưởng bởi nhà tôi ở trung Trung bộ, lại giáp biển nên mỗi khi có bão dọc vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Trị... quê tôi lại phải hứng chịu những trận gió cấp 7, cấp 8, nếu gần tâm bão hơn nữa là cấp 11- 12. Bão làm cho mùa màng bị tàn phá, hoa màu bị hư hỏng, lúa bị đổ chìm trong mưa, bị lên mầm mà chưa thu hoạch được nên thiệt hại nhiều. Ngoài ra cây cối đổ, điện bị cắt, có khi chỗ tôi bị cắt hàng tuần liền”.

Với những người dân vùng ven biển , họ sống chung với lũ. Ảnh minh họa.
Với những người dân vùng ven biển , họ sống chung với lũ. Ảnh minh họa.

Anh Du ngậm ngùi: Kể ra mỗi mùa lũ đến, khổ lắm! Học sinh không thể đến trường, mọi hoạt động đều bất tiện, nhất là sau bão lại kèm theo những trận lụt.  Anh Du còn nhấn mạnh: “Lụt chứ không phải lũ nhé!”.

Anh Du kể:  Nơi anh ở sâu trũng nên hay bị ngập lắm, năm 2011 vừa qua, chỗ nhà anh nước ngập sâu đến 1,5m, mỗi khi bão về cũng không có gì chuẩn bị nhiều, chỉ là gia cố lại nhà cửa, đắp lại các tuyến đường trọng yếu, cắt các cây cao để tránh đổ, sửa lại đường điện nữa. Còn phía tỉnh huyện thì liên tục phát các bản tin cảnh báo báo trên loa phát thanh, tranh thủ thu hoạch mùa trước khi bão vào.

Anh Du tâm sự: Mùa bão về, việc đi lại bất tiện lắm, mất điện phải chuyển lên tầng cao, nói chung là mọi thứ đều bất tiện.

Ở đây, gần như người dân quê anh sống chung với bão, đến mùa bão là chuẩn bị tâm lý từ khi bão sắp về cho đến khi bão tan. Lúc bão tan phải dọn cây cối, thu hoạch mùa màng nếu còn có thể, dọn vườn cây ăn quả, tóm lại là đến mùa lũ ngại lắm, vì nhà anh gần sông, mà nước sông mùa lũ lên nhanh, từ sáng đến trưa có thể dâng liên tục lên cao 1m.

Bác Phạm Hồng Tuyến, sống ở Hạ Long, Quảng Ninh cũng cho hay: “Nhà bác ở trung tâm thành phố nên mùa mưa cũng không ảnh hưởng lắm. Nhưng bác thấy những nhà ở dưới chân núi, đất cát theo mưa trôi xuống nhà làm sinh hoạt rất khó khăn. Nên mỗi khi bão về, những người dân ở đây dùng bao cát chèn dưới nhà để tránh nó làm trôi đất xung quanh nhà họ”.

Tuyên Quan, một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như lũ quét, và nhất là sạt lở đất ảnh hưởng nặng nề tới đời sống nhân dân nơi đó. Chị Lương Hồng Nhâm, Yên Sơn – Tuyên Quang, chia sẻ: Mùa mưa đến ở đây cao, không lo lũ lụt như miền Trung, nhưng lại sợ sạt lở đất.
Chị kể có những đêm trời mưa to, hai vợ chồng chị phải dậy khơi mương, rãnh cho nước không chảy vào nhà. Đa số người dân quê chị  dựng những ngôi nhà trên mảnh đất mà đằng sau là taluy rất cao, nên mỗi khi mưa về rất rễ sạt lở, lại chặn các con mương sau nhà, nhiều khi nước và đất tràn vào nhà. Mùa mưa về, nhà chị cũng phải bỏ công bỏ việc để tu sửa lại những con mương cạnh nhà cho sâu hơn.

Theo lời chị Nhâm, cũng có lần, đất sạt vào phủ đến 1/3 nhà chị. Giữa cơn mưa to, chị hốt hoảng phải gọi hàng xóm sang giúp đỡ.  Mùa mưa, lũ qua đi nhưng người dân ở đây cũng luôn phải sống trong tâm trạng nơm nớp. Chị Nhâm than thở: Đến mùa khô thì thỉnh thoảng lại có vụ cháy rừng xảy ra. Xung quanh nhà mình toàn rừng núi nên cũng lo thon thót.
Không những người dân vùng ven biển, vùng núi cao phải tìm cách sống chung với  hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra, mà người dân trong nội thành Hà Nội cũng gặp phải phiền phức khi mùa mưa đến.

Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hà Đông, Hà Nội cho hay: Sống trong nội thành là đồng bằng nên vào mùa lũ nhà cô không lo ngại nhiều như những người dân sống vùng ven biển. Nhưng cũng thấy bất tiện, như trwjn mưa tháng 11/2008 biến cả Hà Nội nthành sông, có nơi ngập sâu đến 2m. Nhà cô chưa ngập đến nhà, nhưng cũng ngập đến sân, ngập đường đi lại khó khăn. Theo kinh nghiệm, cứ mùa mưa lũ đến, nhà cô lại sắm ủng đi lại cho dễ  dàng. Lụt xong thì nhà cô phải lau dọn, phơi phóng những đồ vật ẩm ướt, mà chỗ phơi phóng cũng không rộng rãi nên rất bất tiện.

Nỗi lo lắng của những người con xa quê khi mùa lũ về

Bà Nguyễn Thị Mến ở thôn 13 xã Quảng Phú - Thọ Xuân (Thanh Hóa) kể: “Rạng sáng ngày 7/9/2012, mưa như trút nước. Vỡ đê sông Cầu Chày, nước lũ ập vào làng, cả thôn 13 cùng các thôn trong xã Quảng Phú ùn ùn kéo lên đồi Ông Khói tránh lũ, bỏ lại trâu bò, lợn gà và tài sản, nhà cửa ngập chìm trong biển nước. Ngày 11/9/2012, nước lũ bắt đầu rút. Hôm đó, trong làng nước cạn dần người dân tránh lũ trở về nhà nhưng ao hồ, đồng ruộng vẫn trắng băng…”.

Mỗi mùa lũ về cả nước hướng đến những đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ. Ảnh minh họa.
Mỗi mùa lũ về cả nước hướng đến những đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ. Ảnh minh họa.

Một độc giả ở Đà Nẵng chia sẻ với báo chí:  “Mấy hôm nay nghe miền Trung có bão, lòng mình như lửa đốt. Hôm nay bão về đến Quảng Nam - Đà Nẵng, đọc và xem hình ảnh trên báo chí mà lòng mình nghẹn cả lại, gọi điện về nhà lúc được lúc không, cả nhà đang vừa chống bão vừa chống lụt, nước lũ dâng cao tràn cả vào nhà, mưa to gió lớn lại cúp điện nữa nên mọi người không thể nấu cơm được.

Nhà mình chỉ ăn mỳ gói suốt 2 ngày nay rồi, nhỏ em đang ở ký túc xá của ĐH Bách Khoa cũng chỉ ăn mỳ gói suốt 2 hôm nay, gọi diện về mẹ bảo "Không ra ngoài được", cây cối ngã đổ và tôn bay vả lại nước đang ngày càng lớn”.

Một độc giả khác chia sẻ: Tôi đang làm ở Sài Gòn mà nghe tin bão lũ đổ vào miền Trung, tâm trạng tôi bất an lắm. Nhà tôi ở Quảng Nam, cũng là 1 trong các tỉnh phải hứng chịu những rủi ro do cơn bão số 9 tràn vào... năm nay cơn bão số 9 còn mạnh hơn cơn bão Xangsane (2006). Ở tôi cứ như ngồi trên đống lửa, tôi lo cho gia đình lắm. Mong sao cho cơn bão đi qua thật nhanh, để gia đình được bình an.
Diện Hứa