Thị trường đồ chơi trẻ em đìu hiu trước ngày 1/6

27/05/2011 04:29
(GDVN) – Gần tới ngày Tết thiếu nhi 1/6 nhưng nhiều gian hàng bày bán các mặt hàng đồ chơi trẻ em vẫn vắng hiu hắt.

(GDVN) – Gần tới ngày Tết thiếu nhi 1/6 nhưng nhiều gian hàng bày bán các mặt hàng đồ chơi trẻ em vẫn vắng hiu hắt. Giới kinh doanh cho biết: Sức mua không tăng mạnh, thậm chí giảm rất nhiều so với trước do ảnh hưởng của lạm phát, giá cả các sản phẩm đều “leo thang”.

Giá tăng 30%, kinh doanh ế ẩm

Cuối giờ chiều ngày 25/06, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam có mặt tại các cửa hiệu trên phố chuyên bán đồ chơi khu vực phố Cổ như Lương Văn Can, Hàng Cân, Chả Cá (Hà Nội). Không khí mua sắm tại đây khá vắng vẻ. Khác với sự tấp nập, đông đúc, chen lấn như mọi năm, nhiều gian hàng tính tới thời điểm hiện tại vẫn không có khách. Mặc dù tan tầm là thời điểm được các chủ buôn kỳ vọng nhất trong ngày khi các bố, các mẹ tan sở tiện đường về nhà mua đồ chơi cho con nhưng “năm nay không ăn thua” - theo đánh giá của giới kinh doanh. Nhiều chủ cửa hàng ngồi thừ ở ghế, mặt buồn thiu, cũng không niềm nở chào mời khách qua đường.

Chị Hòa, chủ tiệm đồ chơi trẻ em trên phố Hàng Cân, than thở: “Dù sát ngày 1/6 rồi nhưng vẫn vắng lắm, chắc có lẽ vì mọi người không có tiền. Năm nay, kinh tế lạm phát nên cái gì cũng đắt đỏ, tới một bát phở ăn sáng cũng “hét giá” lên 35.000 đồng. Bản thân tôi cũng chưa biết mua sắm đồ chơi gì cho con mình nhân ngày 1/6”. Nếu như mọi năm, vào những ngày cuối tháng 5, nhu cầu mua sắm ở khu này tăng khoảng 20-25% so với ngày thường, chủ yếu là mặt hàng dành cho trẻ em, nhưng năm nay, lượng khách lại giảm đi đáng kể.

a
Giờ tan tầm nhưng nhiều cửa hàng trên phố Lương Văn Can vẫn
khá vắng vẻ, nhiều chủ buôn than thở: "Kinh doanh chán lắm".
“Chúng tôi không ước tính được lượng khách bởi có ngày vắng, có ngày đông. Tuy nhiên, nhìn chung, kinh doanh chán lắm vì kinh tế khó khăn. Thời điểm này năm ngoái, mọi người đến cửa hàng mua trực tiếp rất đông, thậm chí các đơn đặt hàng đã tớp tấp đến từ một tuần trước. Nhiều nhân viên văn phòng, kinh doanh, nhiều chủ đầu tư tới đây đặt hàng mua đồ chơi ô tô, mô hình xe máy,…để tặng các “quý tử” của sếp, nhưng năm nay thì không có. Buồn lắm", anh Huy, chủ cửa hàng đồ chơi (30 Lương Văn Can, Hoàn Kiếm, HN) lắc đầu nói.

Tại mọt gian hàng đồ chơi trên phố Chả Cá, chị Khánh Vi - nhân viên bán hàng đang lau dọn vệ sinh, lấy chổi quét lớp bụi mù đang phủ trên giá đồ chơi, chép miệng thở dài: “Năm nay, khách ít nên tâm lý cũng oải, chẳng muốn bán hàng”.

Theo chị Vi, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng vắng khách là do giá cả các mặt hàng đồ chơi đều tăng, mặc dù nhiều mặt hàng được nhập từ Trung Quốc, giá cả vốn dĩ rất rẻ. “Giá cả năm nay lại cực kỳ đắt, đắt hơn ít nhất là 30%. Một chiếc ô tô to năm ngoái có giá 1,6 triệu thì năm nay phải tăng lên khoảng 2,2 triệu. Loại ô tô “khủng” hơn, năm ngoái chỉ 2 triệu thì năm nay “đội giá” lên tới 3 triệu đồng. Do giá cả đắt đỏ nên lượng hàng chúng tôi lấy về cũng giảm đi nhiều. Mọi năm cứ vào dịp này lấy khoảng 10 triệu đồng tất cả các mặt hàng về bán thì bây giờ, chỉ nhập khoảng 5 triệu đồng với những mặt hàng bán chạy, có khả năng sinh lời cao”, chị Vi chia sẻ.

Thắt chặt chi tiêu, khách hàng “kén cá, chọn canh”

Với mục đích mua quà thưởng cho cậu con trai quý hóa vì kết quả đợt thi vừa rồi, chị Huỳnh Thị Phương chạy vạy khắp các cửa hàng quần áo cũng như đồ chơi mà vẫn chưa tìm được đồ chơi ưng ý.

Chị Phương cho biết: “Tôi định bụng mua một bộ đồ chơi xếp hình xe tăng cho con. Tham khảo qua bạn bè, giá của nó chỉ khoảng 150.000 đồng, nhưng khi ra cửa hàng thì hầu hết đều “hét giá” lên 200.000 – 250.000 đồng. Xót tiền, tôi lại chuyển sang tìm kiếm món đồ khác”.

Không ít các ông bố, bà mẹ loay hoay mua quà cho con, nhiều người dựng xe vào cửa hàng đồ chơi một lúc lâu, sau đó lại quay ra với mà không chọn được món nào. Tiêu chí vừa thực dụng vừa ý nghĩa là mục tiêu lựa chọn quà số 1 của các bậc phụ huynh trong thời buổi kinh tế khó khăn này.

a
Đồ chơi "ăn theo" phim hoạt hình Rô bốt trái cây đang trở thành mặt
hàng hot nhất hiện nay.
Quà cho bé gái là các món đồ dễ thương như: búp bê, thú bông, thỏ ngọc, cún yêu, cánh ong, cánh thiên thần... giá từ 150.000 - 300.000 đồng/con. Búp bê Babie của Mỹ có giá từ 250 nghìn đồng đến hàng triệu đồng một con, tùy loại. Nhà mô hình giá từ 300.000 – 900.000 đồng/chiếc; dụng cụ để làm bếp có giá từ 100.000 – 300.000 đồng/món…

Sản phẩm đồ chơi dành cho bé trai năm nay khá đa dạng, nhiều chủng loại. Ôtô từ loại chạy bằng pin cho đến xạc điện, xe thể thao, ôtô kiểu nhà binh, trèo tường... đều có đủ, rẻ thì vài chục nghìn đồng đắt thì cả triệu đồng một chiếc.

Ngoài ra, theo giới kinh doanh, “ăn theo” bộ phim hoạt hình về rô bốt trái cây giá từ 150.000 – 200.000 đồng/bộ hoặc rẻ hơn đang trình chiếu trên tivi được nhiều bạn trẻ mến mộ, đồ chơi liên quan tới các nhân vật trong phim trở nên bán chạy hơn bao giờ hết.

Ngoài việc lựa chọn mua đồ chơi theo nhân vật hoạt hình mà con mình yêu thích, một số bố mẹ thực tế hơn thường mua những đồ chơi có thể sử dụng được lâu dài và giúp trẻ năng động hơn, phát triển sức khỏe như xe đạp, ôtô, xe trượt,… Mặc dù không khí buôn bán chung là ảm đạm, thưa thớt nhưng các cửa hàng bán những mặt hàng xe đạp, xe trượt, ôtô vẫn luôn đông đúc, nhộn nhịp hơn so với các gian hàng bên cạnh.

a
Lạm phát leo thang, thắt chặt chi tiêu, các bậc phụ huynh mua cho
con xe đạp thay vì ô tô hay những đồ chơi đắt tiền khác.
“Xe đạp, xe lắc, xe trượt, hiện tại bán chạy hơn nhiều so với ô tô vì giá cả rẻ hơn, chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng/chiếc (loại bình dân). Ngày đông nhất, cửa hàng tôi bán được từ 5 – 7 chiếc xe đạp, còn ngày vắng thì mời chào được 2 – 3 chiếc, trong khi đó, mọi năm, cửa hàng này bán ít nhất cũng phải bán được trên 10 chiếc/ngày”, chủ tiệm đồ chơi ở địa chỉ 30 Lương Văn Can cho biết.

Với lượng khách mua vắng vẻ do giá cả cao và khách hàng “cân, đo, đong, đếm” cân nhắc hơn, cẩn trọng hơn trước khi rút “hầu bao”, nhiều chủ cửa hàng đang kỳ vọng vào ngày nghỉ cuối tuần này trước ngày lễ 1/6 đang tới gần.

Bài, ảnh: Phương Hạ