Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chấm dứt dàn trải, xin cho vốn đầu tư công

08/08/2014 09:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại một buổi làm việc của UB TVQH, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh từng nói: "Nhiều lúc Thủ tướng bức xúc vì sao đường ở miền núi lại làm to kinh khủng đến 60-70m".

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; triển khai Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu ngày 7/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ việc Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2015 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai xây dựng Kế hoạch này.

“Kế hoạch trung hạn sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, chủ động chuẩn bị đầu tư; lựa chọn các ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải, xin cho, thậm chí tiêu cực”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô và tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, cần tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 chỉ ở mức khiêm tốn, với mức tăng khoảng trên dưới 10%/năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa 13,5-14%; và ngày càng giảm trong cơ cấu tổng đầu tư toàn xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, chấm dứt tình trạng đầu tư công dàn trải.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, chấm dứt tình trạng đầu tư công dàn trải.

Thủ tướng đánh giá, tốc độ tăng vốn này là thấp so với nhu cầu đầu tư của các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn tới, do đó vốn đầu tư công giai đoạn tới sẽ chỉ tập trung cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, những công trình quan trọng thiết yếu phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế và đời sống của người dân.

“Không còn cách nào khác là chúng ta phải tăng đầu tư toàn xã hội thông qua huy động mọi nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo định hướng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bảo đảm chi đầu tư phát triển trên tổng chi ngân sách nhà nước ở mức hợp lý, dự kiến tăng bình quân 10%/năm. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước dự kiến tốc độ tăng trưởng khoảng 8%/năm so với kế hoạch năm trước. Các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương không vượt quá tổng mức huy động theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Các bộ, ngành và địa phương dự kiến phương án phân bổ khoảng 85% kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự phòng khoảng 15% ở cấp trung ương và các cấp chính quyền địa phương.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, dự kiến giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia có mục tiêu quan trọng và bao quát nhất là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với các chương trình khác, chủ trương của Chính phủ là giảm tối đa số lượng theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, nhiệm vụ. Trong từng ngành, lĩnh vực, nếu cần thiết thì chỉ thực hiện không quá 2 chương trình.

Còn nhớ trước đây tại buổi làm việc của Ủy ban TVQH ngày thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công, ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nói thẳng: "Nhiều lúc Thủ tướng bức xúc vì sao đường ở miền núi lại làm to kinh khủng đến 60-70m. Chủ trương này ai quyết định? Hay làm xong thì kệ không ai ở, không ai đến buôn bán. Không thể cứ đưa ra chủ trương đầu tư từ một cấp nào đó rồi phải lao theo. Đây là điều vô cùng lãng phí".

Trong báo cáo phân tích thực trạng sử dụng vốn nhà nước của Chính phủ đã chỉ rõ, xét về mặt tổng thể, hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua vẫn thấp, có chiều hướng đi xuống. Trên cơ sở số liệu của Niên giám thống kê 2005 (giá so sánh 1994), chỉ số ICOR của kinh tế Việt Nam giai đoạn 1996 – 2000 là 6,18; giai đoạn 2001 – 2005 là 7,04; đến năm 2010 chỉ số này là 6,18 (các nước trong khu vực chỉ số này dao động trong khoảng từ trên 2 đến dưới 4).

Còn không ít dự án đầu tư có hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả, không đáp ứng đượ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, cá biệt có những dự án, nội dung đầu tư trùng lắp, chồng chéo, hoặc gây cản trở, hoặc làm mất hiệu quả của các dự án đã được đầu tư trước đó.

Trong khi đó, việc xử lý chưa kịp thời, nghiêm minh; việc quy trách nhiệm cho các đối tượng có liên quan trong quá trình đầu tư dự án không rõ ràng, cụ thể, không đủ sức răn đe nên chưa có tác động tích cực trong việc hạn chế và đẩy lùi tình trạng lãng phí, tham ô, thất thoát trong đầu tư xây dựng. Vì vậy, đã làm xói mòn lòng tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật trong lĩnh vực quản lý đầu tư công.

Ngọc Quang