Phát biểu của Bộ trưởng Thăng nghe có vẻ hài hước, nhưng kỳ thực không phải vậy. Theo lẽ thông thường, đường to đẹp luôn là mong muốn của mọi người dân, các địa phương, bởi nó sẽ là điều kiện quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế của tỉnh và khu vực. Nhưng nếu đầu tư quá lớn và không khai thác được kết quả tương xứng với quy mô đã đầu tư thì lại là một sự lãng phí ghê gớm. Mà suy cho cùng, số tiền ấy có được cũng là từ mồ hôi, nước mắt của dân mà ra cả thôi.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhắc đến một thực tế buồn, là có những địa phương làm đường to quá, làm đường xong dân mang lúa ra phơi luôn. |
Ông Thăng chỉ ra một thí dụ khi đi kiểm tra một số dự án đường ven biển như ở Quảng Nam đường rộng mênh mông mà không có ai đi; đồng thời cũng gửi đi một thông điệp là đang cho rà soát lại các dự án để phân kỳ đầu tư, điều chỉnh lại thiết kế nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu, đồng thời đã tiết kiệm được 35 nghìn tỷ. Như vậy, nếu cứ theo những bản thiết kế trước đó thì vô hình chung nhà nước, nhân dân đã lãng phí 35 nghìn tỷ đồng – số tiền quá lớn với đất nước ta vào lúc này, và thực sự có ý nghĩa khi mà Chính phủ cũng phải xin phát hành trái phiếu để có thêm 170 nghìn tỷ đầu tư cho các dự án quan trọng.
Chuyện lãng phí trong đầu tư ở các địa phương đã bị coi là căn bệnh “thâm căn cố đế” từ nhiều năm nay và trong phiên họp chiều qua, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, phải chấm dứt tình trạng này. Thủ tướng nói thẳng rằng: "Các địa phương thì duyệt dự án, trung ương chi tiền, nhưng chi không nổi, vậy là sinh ra nợ nần, cho nên phải chấm dứt ngay tình trạng này. Dự án BT nào là vốn của địa phương thì địa phương quyết định, còn dự án BT mà vốn từ trung ương thì các bộ phải xem xét lại, chứ cứ để tình trạng địa phương duyệt dự án, trung ương chi tiền là chi không nổi đâu".
Người dân phơi lúa trên đường ở đê sông Lam, tỉnh Nghệ An. |
Còn nhớ, tại buổi làm việc của Ủy ban TVQH ngày 23/9, thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã công bố báo cáo phân tích thực trạng sử dụng vốn nhà nước của Chính phủ chỉ rõ, xét về mặt tổng thể, hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua vẫn thấp, có chiều hướng đi xuống. Trên cơ sở số liệu của Niên giám thống kê 2005 (giá so sánh 1994), chỉ số ICOR của kinh tế Việt Nam giai đoạn 1996 – 2010 đều loanh quanh ở 6,18 cho tói 7,04; trong khi đó các nước trong khu vực chỉ số này dao động trong khoảng từ trên 2 đến dưới 4.
Vì vậy sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi mà còn quá nhiều dự án đầu tư có hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, cá biệt có những dự án, nội dung đầu tư trùng lắp, chồng chéo, hoặc gây cản trở, hoặc làm mất hiệu quả của các dự án đã được đầu tư trước đó.
Trong khi đó, việc xử lý chưa kịp thời, nghiêm minh; việc quy trách nhiệm cho các đối tượng có liên quan trong quá trình đầu tư dự án không rõ ràng, cụ thể, không đủ sức răn đe nên chưa có tác động tích cực trong việc hạn chế và đẩy lùi tình trạng lãng phí, tham ô, thất thoát trong đầu tư xây dựng. Vì vậy, đã làm xói mòn lòng tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật trong lĩnh vực quản lý đầu tư công.
Có những Chủ tịch tỉnh không cần biết trong túi mình có bao nhiêu tiền, cứ thích là duyệt chủ trương dự án xong, đi xin trung ương rồi ký tràn lan. Và rồi chính ông Vinh đã phải thốt lên: “Nhiều lúc Thủ tướng bức xúc vì sao đường ở miền núi lại làm to kinh khủng đến 60-70m. Chủ trương này ai quyết định? Hay làm xong thì kệ không ai ở, không ai đến buôn bán. Không thể cứ đưa ra chủ trương đầu tư từ một cấp nào đó rồi phải lao theo. Đây là điều vô cùng lãng phí”. Vậy thì những ai ký tràn lan, đó là câu hỏi khó, nhưng cần phải được làm rõ?