TS Nguyễn Trí Hiếu "giải mã" động thái cắt giảm lương của hàng loạt NH

13/08/2013 07:16
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng đồng loạt giảm lương và nhân sự cho thấy bức tranh khó khăn chung của ngành ngân hàng, điều này nhằm đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng...
Từ đầu năm đến nay, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, quỹ lương của họ đã bị cắt giảm mạnh. Thậm chí nhiều ngân hàng cắt giảm cả nhân sự. Infonet đưa tin, trong báo cáo tài chính quý 1/2013, Vietcombank không tuyển thêm người, nhưng quỹ lương của nhà băng này giảm mạnh, từ mức hơn 765 tỷ đồng vào cuối năm 2012 xuống còn 692 tỷ đồng. Bình quân, trong 3 tháng đầu năm, một nhân viên nhận về 17,4 triệu đồng/tháng. Năm 2012, lương, phụ cấp bình quân 3 tháng đầu năm 2012 của nhân viên ngân hàng này là 20,7 triệu đồng/tháng, theo đó, dễ thấy lương bình quân của nhân viên ngân hàng này đã giảm xấp xỉ 15%.
Mức thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm giờ chỉ còn là dĩ vãng của nhân viên ngân hàng (ảnh minh họa)
Mức thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm giờ chỉ còn là dĩ vãng của nhân viên ngân hàng (ảnh minh họa)
Tại ACB, trong 3 tháng đầu năm 2013, số nhân sự thôi việc đã lên tới 222 người, từ 10.275 người cuối năm 2012 còn 10.053 người vào cuối quý I/2013. Chi phí dùng để chi lương, phụ cấp cho cán bộ nhân viên tại ngân hàng này trong quý I cũng giảm mạnh hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ 2012. Bình quân, lương và phụ cấp nhân viên ACB trong 3 tháng đầu năm là hơn 9,5 triệu đồng/tháng. So với cùng kỳ 2012, 3 tháng đầu năm nay, thu nhập nhân viên ACB giảm khoảng 30%. Một số đơn vị khác cũng nêu thông điệp sẽ giảm mạnh nhân sự và quỹ lương, thưởng. Chủ tịch HĐQT MaritimeBank cho biết, theo kế hoạch, nhân sự năm 2013 sẽ cắt giảm 679 người, sau khi đã giảm hàng nghìn nhân viên trong năm 2012. Ngoài nhân sự, dự kiến, quỹ lương thưởng của ngân hàng này cũng sẽ được điều chỉnh giảm. Đối với nhiều nhà băng khác, dự đoán lợi nhuận 2013 có thể sụt giảm cũng được cho là nhân tố sẽ tác động đến số lượng nhân viên. Thông tin cắt giảm lương, nhân sự của ngành ngân hàng tiếp tục trở thành vấn đề được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây. Liên quan đến câu chuyện này, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, người đã từng mở nhà băng, hoạt động nghành tài chính ngân hàng hơn 34 năm tại Mỹ.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng
 TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

- Thưa TS Nguyễn Trí Hiếu, ông đánh giá như thế nào về thông tin hàng loạt ngân hàng Việt Nam giảm lương, giảm nhân viên trong thời gian này?

TS Nguyễn Trí Hiếu:
Việc hàng loạt ngân hàng lớn trong nước thời gian qua thực hiện việc giảm lương, giảm số lượng nhân viên khắc họa phần nào những khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Việc giảm lương, giảm nhân viên của ngân hàng như vừa qua có những tích cực và tiêu cực:
Về mặt tích cực, trong lúc này ngân hàng đang gặp khó khăn trong đó khó khăn lớn nhất là tìm đầu ra, tìm chỗ cho vay. Thu nhập của các ngân hàng đều bị giảm trong thời gian qua. Chính vì thế để cân bằng lợi nhuận thì việc giảm chi phí là điều đương nhiên, trong đó có chi phí dành cho lương, phụ cấp cho nhân viên cũng sẽ phải giảm đây là điều hết sức bình thường.
Khi thực hiện giảm lương, giảm nhân viên các ngân hàng sẽ bảo toàn được lợi nhuận của mình. Tuy nhiên về mặt tiêu cực, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, nhân viên của ngân hàng vì việc giảm lương thậm chí là mất việc thì không ai mong muốn, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn việc giảm thu nhập, mất việc làm sẽ khiến đời sống của nhân viên, người làm trong ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nói chung trong lúc nền kinh tế gặp khó khăn, ngành ngân hàng bị ảnh hưởng như vậy việc các ngân hàng thực hiện việc tái cơ cấu, giảm lương, giảm nhân viên là điều dễ hiểu.- Theo ông, sau khi giảm lương, giảm nhân viên... kịch bản nào sẽ diễn ra đối với các ngân hàng cũng như nhân viên ngân hàng?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Thực ra nếu việc giảm lương và nhân công của ngân hàng chỉ đơn thuần là do lợi nhuận giảm, ngân hàng muốn bảo toàn vốn nên thực hiện việc này thì hoàn toàn là điều bình thường. Không chỉ ngân hàng mà các ngành kinh tế khác cũng thực hiện như vậy. Sau này khi kinh tế phục hồi thì ngân hàng cũng sẽ thực hiện tăng thu nhập và tuyển thêm nhân sự. Thành ra nói kịch bản gì sẽ xảy ra cho ngân hàng sau động thái giảm lương, giảm nhân viên hay nói cách khác là diễn biến tiếp theo của câu chuyện này tùy vào điều kiện kinh doanh của mỗi ngân hàng. Nếu may mắn thì sau giai đoạn khó khăn các ngân hàng phục hồi kinh tế thì không nói làm gì. Tuy nhiên nếu có một kịch bản xấu thì sau khi việc giảm lương và nhân sự nếu các ngân hàng tiếp tục làm ăn thua lỗ, cùng với đó là tiếp tục giảm lương, giảm nhân viên sẽ dẫn đến kết cục rất xấu cho toàn hệ thống ngân hàng. Vì trong ngân hàng 2 yếu tố quan trọng là con người và tiền, nếu như ngân hàng có tiền nhưng thiếu con người vận hành thì sẽ dẫn đến rối loạn làm ăn thua lỗ. Thành ra các ngân hàng phải luôn luôn có một đội ngũ nhân viên nòng cốt, việc các ngân hàng giảm lương, giảm nhân viên nhưng phải ở giới hạn nhất định.

Theo tôi việc giảm lương, giảm nhân viên chỉ là biện pháp trước mặt nhằm giúp ngân hàng bảo toàn lợi nhuận nhưng về lâu dài không thể cứ lỗ là ngân hàng lại tiến hành giảm nhân sự. Kinh doanh ngân hàng rất rủi ro vì vậy cần bộ máy nhân sự đủ về số lượng và chất lượng để vận hành tránh rủi ro.

- Vậy theo ông các ngân hàng được phép giảm bao nhiêu nhân sự và lương để đảm bảo cho hoạt động vừa hiệu quả mà vẫn bảo toàn lợi nhuận?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Thực ra thì chưa có một mẫu số chung cho vấn đề tính toán này, vì nó còn tùy thuộc vào hoạt động vận hành của mỗi ngân hàng. Chẳng hạn với các ngân hàng bán buôn thì họ cần lượng nhân viên ít hơn các ngân hàng bán lẻ. Thành ra vấn đề tính toán ngân hàng được phép hay không được phép giảm bao nhiêu phần trăm nhân sự phải tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh từng ngân hàng khác nhau khi đó Tổng chi phí lao động/Tổng chi phí vận động sẽ khác nhau.

Tuy nhiên thường thì chi phí lao động cũng phải chiếm từ 30 đến 40% chi phí hoạt động của ngân hàng. Nếu một ngân hàng chi cho chi phí lao động ít hơn số 30% tổng hoạt động của chính ngân hàng đó thì đây là rủi ro cho các ngân hàng. Vì kéo theo đó sẽ dẫn mất nhân sự do đồng lương quá thấp dẫn đến hoạt động ngân hàng sẽ tắc nghẽn.

- Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lực