Từ thảm họa Germanwings: Tâm lý phi công bất ổn, hậu quả khôn lường

01/04/2015 09:52
Mai Anh
(GDVN) - Với lao động đặc thù như phi công, khi họ sẽ nắm quyền quyết định đến an toàn của hàng trăm người trên mỗi chuyến bay thì vấn đề tâm lý rất quan trọng.

Đầu năm 2015, ngành hàng không Việt Nam từng khiến dư luận xôn xao khi hàng loạt phi công công lần lượt báo ốm chỉ trong thời gian ngắn. Mặc dù sự việc sau đó đã được các bên giải quyết ổn thỏa nhưng sau thảm họa máy bay Germanwings gần đây nhất khiến 150 người thiệt mạng mà nguyên nhân chính do phi công chủ động đâm máy bay vào vách núi, ngành hàng không thế giới và các nhà phân tích đặt ra vấn đề tâm lý các phi công trước mỗi chuyến bay và vì sao phải tạo cho họ tâm lý thoải mái nhất.

Với ngành nghề lao động đặc biệt như phi công cần tạo tâm lý thỏa mái nhất cho họ - ảnh minh họa
Với ngành nghề lao động đặc biệt như phi công cần tạo tâm lý thỏa mái nhất cho họ - ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đã có những chia sẻ bổ ích dưới góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy vấn đề tâm người lao động nói chung và Tâm lý học hàng không ứng dụng nói riêng. Đặc biệt với ngành nghề lao động đặc thù như phi công, khi họ sẽ nắm quyền quyết định đến sự an toàn của hàng trăm người trên mỗi chuyến bay...

- Thưa PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, ông đánh giá như thế nào về vai trò của tâm lý với người lao động?

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Có thể nói với ngành nghề lao động đặc thù như phi công, tâm lý thỏa mái, ổn định sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong công việc của họ. Những nghiên cứu cho thấy, mức độ căng thẳng của bản thân ảnh hưởng đặc biệt đến hiệu quả công việc và sự xử lý công việc của bản thân. Chính những áp lực của đời sống cá nhân và hàng loạt những biến cố của đời sống sẽ dẫn đến những sự ứng xử mang tính thiếu cân bằng thậm chí là bất thường hay những hành động không thể kiểm soát.

PGS-TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam phát biểu trong một hội thảo (ảnh do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn cung cấp)
PGS-TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam phát biểu trong một hội thảo (ảnh do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn cung cấp)

Theo nghiên cứu của Holmes và Rahe (thang đo stress do hai nhà tâm thần học Holmes và Rahe nghiên cứu và giới thiệu), thì các sự kiện trong cuộc đời ảnh hưởng đến sự nghiệp và hàng loạt những hành vi của phi công được xếp thứ tự ưu tiên gồm: Vợ hoặc chồng mất, ly hôn, ly thân, liên quan đến phạm pháp hay nguy cơ phạm pháp, ốm đau hay sốc tâm lý… Những sự kiện này làm cho người lao động nói chung và phi công không kiểm soát mình trong các hành động nghiệp vụ hay các chuyến bay khi nghề nghiệp của họ chịu áp lực: đảm bảo an toàn, áp lực độ cao, âm thanh, sự thay đổi áp suất, tiếng ồn, thời gian…

- Theo ông, nếu vấn đề tâm lý không được giải tỏa, áp lực công việc đè nén sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công việc của phi công nhất là khi mọi động tác điều khiển, xử lý của họ có liên quan đến sự an toàn hàng trăm người trên mỗi chuyến bay?

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Thực tế cho thấy để tuyển dụng được một sinh viên hay học viên học phi công không đơn giản. Tỉ lệ vài chục đến vài trăm người mới có một phi công đã diễn ra ở nhiều nước. Vì vậy, trong quá trình tuyển dụng, không loại trừ trường hợp đã rất kỹ lưỡng để có được hạt nhân. Quá trình đào tạo lại cũng không hề đơn giản khi quy trình đào tạo khép kín, kết hợp lý thuyết và thực hành cũng như song song với sự kiểm tra thường xuyên về sức khỏe tinh thần cũng như thể chất…

"Phi công ngành nghề chịu nhiều áp lực, nhất là khi máy bay đang bay trên bầu trời gặp điều kiện thời tiết xấu như mưa bão, sự cố máy bay, không liên lạc được với trung tâm mặt đất… Tuy nhiên với hệ thống máy móc hiện đại  như hiện nay cũng như các công cụ hỗ trợ rada, áp lực của phi công cũng giảm đi. 

Trước khi thực hiện chuyến bay phi công sẽ được đo huyết áp, đo tim mạch, kiểm tra sức khỏe… Bên cạnh đó, vấn đề trị liệu tâm lý, tạo tâm lý thỏa mái cho phi công phải thực hiện thường xuyên chứ không phải đến lúc trước khi lên vào buồng lái" - Cựu phi công Mai Trọng Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có một vài cá nhân vì quá đam mê ngành nghề nên có thể phát huy khả năng của cá nhân vượt ngưỡng và khống chế tất cả những hạn chế liên quan đến các đợt kiểm tra tuyển dụng, đào tạo và kiểm tra thường xuyên. Chính sự đam mê quá lớn trở thành sức mạnh đặc biệt mà những kiểm tra thường chưa thể đánh giá sâu sát…

Thứ nữa, những biến cố hay những trạng thái căng thẳng xuất hiện trong quá trình làm việc của người phi công hay cả tổ lái, tổ bay có thể phát sinh. Thuật ngữ thường được sử dụng là trạng thái căng thẳng trong các chuyến bay. Để khắc phục trạng thái này, các phi công thường được chuẩn bị sự sẵn sàng, sự kiểm soát về tâm lý (being in control) – theo các nhà Tâm lý học hiện đại. Các yếu tố này chỉ được thực thi khi người phi công được đảm bảo về sức khỏe thể chất, được cân bằng về đời sống tinh thần… Cơ chế ám thị, tự điều chỉnh có thể được sử dụng nhưng không phải ai cũng thành công. Chính vì thế, có những trường hợp nguy cơ rất cao đã xuất hiện.

Mặt khác, chính những hẫng hụt của cá nhân, những biến cố của cuộc sống và hàng loạt những thay đổi khác dẫn đến sự thiếu kiểm soát trong ứng xử. Song song đó là những hành động mang mục tiêu cá nhân hay những động cơ không kiểm soát do những hẫng hụt (không được kiểm soát, không được giải tỏa), dẫn đến sự hành động thiếu chuyên nghiệp, thiếu nhân văn là nguy cơ thật sự…

- Vậy phải chăng phi công cần được chăm sóc tinh thần đặc biệt? Đâu là cách chăm sóc hiệu quả nhất, thưa ông?

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Có thể nói, chương trình hay quy trình tuyển dụng phi công bao gồm nhiều bước: Sơ tuyển ban đầu, kiểm tra sức khỏe, phỏng vấn, thực hiện trắc nghiệm (khả năng, nghiệp vụ, tâm lý, đạo đức nghề nghiệp…), phỏng vấn chuyên sâu (khác với phỏng vấn ở trên do các phi công phỏng vấn kinh nghiệm làm việc), thực hiện trắc nghiệm chuyên biệt (khác với trắc nghiệm ở trên)…

Các phi công là những người cần có đời sống tinh thần ổn định nên cần được chăm sóc tinh thần một cách chuyên biệt. Đó là việc đảm bảo những cân bằng tâm lý. Các vấn đề của cá nhân được quan tâm trong một chừng mức tương đối, các hoạt động giao lưu, cân bằng tâm lý, tương tác tinh thần được thực hiện song song với các dịch vụ tư vấn và giải trí để yếu tố tinh thần được đảm bảo một cách tự nhiên nhất.

Những Nghiên cứu của các nhà tâm lý học phương Tây cho thấy, yếu tố thần kinh – tâm lý của người bay là yếu tố rất quan trọng. Những nghiên cứu chuyên về các tai nạn cũng cho thấy con người (Human factor) là yếu tố chủ yếu dẫn đến tai nạn của các chuyến bay. Các vấn đề có liên quan đến kiểu thần kinh, phản ứng của ứng xử, các biến cố và trạng thái tâm lý, những hành vi rối nhiễu ảnh hưởng nhiều đến hành vi bay của phi công…

- Để giải quyết vấn đề tâm lý, liệu chỉ cần lương thưởng thật cao là đủ?

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Từ sự việc trên thế giới đến sự việc ở Việt Nam cho thấy, đây là một nghề nghiệp đặc thù cần có những đánh giá mang tính chuyên biệt. Việc đánh giá công sức lao động cần song song với trách nhiệm. Những chế độ tuyển dụng, trả lương cần được xem xét song song với các kế hoạch khai thác, kinh doanh… Và nếu sự thiếu an tâm về cuộc sống sẽ là dấu hiệu ban đầu cho sự thiếu an toàn trong nghề nghiệp và các hành động nghiệp vụ.

Tuy vậy, song song với vấn đề thỏa thuận lương và các chế độ lương bổng, cần quan tâm đến vấn đề chăm sóc tinh thần và các vấn đề khác có liên quan. Cụ thể nên quan tâm đến dịch vụ chăm sóc tinh thần nhóm, tập thể, dịch vụ giải tỏa tinh thần cho cá nhân… Kèm theo đó là hoạt động chuyên biệt của các chuyên gia tâm lý để có sự đánh giá mang tính kịp thời với diễn tiến tâm lý của phi công. 

Quan trọng vẫn là sự thỏa thuận mang tính tích cực cũng như sự chuyên nghiệp khi làm việc và sự sâu sát của tổ chức để kiểm soát hoạt động phân công, phân nhiệm, đánh giá, tái đánh giá nhằm đảm bảo sự an toàn cho nghề nghiệp cũng như con người nói chung…

- Xin cảm ơn PGS-TS Huỳnh Văn Sơn!

Mai Anh