Vì sao chỉ áp giá trần 25 mặt hàng sữa?

26/05/2014 07:29
Hoàng Lực
(GDVN) - Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, 25 mặt hàng sữa có trong danh sách áp trần giá chiếm trên 60% thị phần mà sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Những ngày qua câu thông tin áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi được người dân ủng hộ với hi vọng giá sữa sẽ được kéo xuống mức hợp túi tiền của các gia đình có con nhỏ. Tuy nhiên đến này, nhiều vấn đề được đặt ra nhất là khi doanh nghiệp sữa đang tìm cách lách luật.

Việc hãng sữa Abbott, Mead Johnson thay đổi mẫu mã bao bì nhằm tăng giá sữa hay giảm trọng lượng sữa đang là thách thức lớn với cơ quan quản lý.

Người dân ủng hộ việc áp trần giá sữa với hi vọng giá sữa sẽ được kéo xuống mức hợp túi tiền của các gia đình có con nhỏ.
Người dân ủng hộ việc áp trần giá sữa với hi vọng giá sữa sẽ được kéo xuống mức hợp túi tiền của các gia đình có con nhỏ. 

Đăng đàn trong chương trình "Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời" mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những lý giải cụ thể xung quanh quyết định áp trần giá sữa cho trẻ em từ 1 – 6 tuổi.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, để đi đến quyết định áp trần giá sữa trước hết là phải căn cứ vào quy định của pháp luật xem việc áp dụng giá trần có đúng hay không? 

Theo đó Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết có 4 căn cứ cơ bản để Bộ Tài chính đưa để xuất áp trần giá sữa và được Chính phủ chấp thuận. Thứ nhất dựa theo các quy định tại các điều 15,16,17 và 18 của Luật Giá quy định sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là sản phẩm nằm trong danh mục bình ổn giá.

Thứ hai là Nhà nước thực hiện bình ổn giá khi có biến động về giá một cách bất thường. 

Thứ ba là quy định các biện pháp bình ổn giá như là đăng ký giá, định giá cụ thể, khung giá tối đa, giá tối thiểu…để tùy từng loại hàng hóa sản phẩm và dịch vụ, và trong đó cũng quy đinh luôn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quy định áp dụng bình ổn giá, ở đây là Chính phủ thống nhất chủ trương.

“Xuất phát từ diễn biến thị trường trong năm 2013, ba tháng đầu năm 2014 và cùng các kết quả thanh tra, phát hiện ra những yếu tố bất hợp lý về giá cả, chi phí của sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”, Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Thứ tư, đối với lĩnh vực kinh doanh, quản lý giá sữa theo cơ chế thị trường, nhưng phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước theo chủ trương chung. Trong vấn đề này phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, nhà nước và người tiêu dùng, đặc biệt người tiêu dùng là đối tượng rất nhạy cảm là trẻ em dưới 6 tuổi.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho biết trước khi gửi trình Chính phủ xem xét quyết định, Bộ Tài chính đã tìm hiểu việc áp trần giá sữa như vậy không vi phạm các cam kết quốc tế như WTO.

“Theo quy định của WTO quan trọng làm sao để không hạn chế không ảnh hưởng đến nước xuất khẩu sữa vào Việt Nam, hiện nay không hề hạn chế mà là cạnh tranh. Vấn đề thứ hai chúng ta đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài về giá”, người đứng đầu Bộ Tài chính phân tích.

Việc Bộ Tài chính chỉ chọn 25 mặt hàng sữa trong danh mục công bố để áp trần giá sữa trong khi trên thị trường hiện có hàng trăm nhãn hàng sữa và với mặt hàng sữa khác thì quản lý như thế nào? Trả lời câu hỏi này Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, 25 mặt hàng sữa có trong danh sách chiếm trên 60% thị phần mà sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. 

Trước việc doanh nghiệp sữa có thể thay đổi hàm lượng dinh dưỡng, thay đổi mẫu mã để thay đổi giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ngoài 25 sản phẩm, khi doanh nghiệp có thay đổi về mẫu mã, thay đổi về hàm lượng và tên gọi sản phẩm của sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, lúc này doanh nghiệp phải đăng ký, và cơ quan quản lý giá có quyền kiểm tra chi phí theo 2 phương pháp là phương pháp chi phí và phương pháp so sánh. 

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xác định chất lượng sữa, để đảm bảo phương pháp so sánh và phương pháp chi phí phải phù hợp và từ đó ra giá trần cụ thể..

Một băn khoăn lo lắng của người tiêu dùng ở xa khi hãng sữa có lấy lí do là vận chuyển xa để áp cho những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa mức giá trần cao hơn mức giá trần ở thành phố…Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng người tiêu dùng không nên lo lắng bởi giá trần là áp dụng chung cho cả nước trên mọi địa bàn. Còn với các doanh nghiệp phải có những chiến lược kinh doanh chiếm lĩnh thị trường, do vậy phải có những bài toán cụ thể, cùng một loại sữa thì bán ở Hà Nội giá này nhưng có thể bán ở miền núi giá khác, nhưng nằm trong khung quy định của Bộ Tài chính. 

“Tất cả những vấn đề này, về lâu dài sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, những doanh nghiệp làm ăn không có chiến lược hoặc quá sa đà vào lợi nhuận sẽ khó tồn tại và sẽ khó phát triển trên thị trường”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kết luận.

Hoàng Lực