Vì sao Ngân hàng Xây dựng được bán giá... 0 đồng?

03/02/2015 09:12
Mai Anh
(GDVN) - Ngân hàng nhà nước đã trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam sau khi mua lại toàn bộ cổ phần của ngân hàng này với giá 0 đồng.

Mới đây, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường tại Long An để kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ đồng thời thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên sau khi thảo luận Đại hội đồng cổ đông quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Ngân hàng nhà nước trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNBC, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB.

Được biết trước thời điểm Ngân hàng nhà nước mua toàn bộ 100% cổ phần, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam có 551 cổ đông, trong đó 6 cổ đông pháp nhân và 545 cổ đông thể nhân. Các cổ đông pháp nhân gồm 3 cổ đông thuộc Khối văn phòng Nhà nước; 1 cổ đông là TCTD đó là Ngân hàng Agribank và 1 cổ đông là doanh nghiệp nhà nước là Công ty lương thực Long An.

Theo thông cáo báo chí mà Ngân hàng nhà nước vừa phát hành, việc Ngân hàng nhà nước nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và Ngân hàng TMCP Ngoại thương tham gia quản trị, điều hành VNCB, VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng nhà nước tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại bằng cách tham gia góp vốn mua cổ phần. Việc Ngân hàng nhà nước tham gia tái cơ cấu ngân hàng bằng cách tham gia góp vốn được Chính phủ cho phép thông qua Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/9/2013.

Theo quyết định này, Ngân hàng nhà nước sẽ được góp vốn mua cổ phần ở các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt; biện pháp mua lại cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện sau khi tổ chức tín dụng đã đảm bảo được khả năng chi trả nhờ được hỗ trợ tái cấp vốn từ Ngân hàng nhà nước.

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trustbank). Việc đổi tên diễn ra vào tháng 5 năm 2013, sau khi có sự tham gia của Tập đoàn Thiên Thanh và nhóm cổ đông mới. Việc tham gia của Thiên Thanh cũng nằm trong chủ trương tái cơ cấu ngân hàng yếu, vì Trustbank nằm trong diện phải tái cơ cấu của Ngân hàng nhà nước.

Trong khi trước đó tháng 4/2014 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam với ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai, là Chủ tịch và Tổng giám đốc của Ngân hàng Xây dựng bị do cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh.

Trustbank được thành lập vào năm 1989, tiền thân là Ngân hàng nông thôn Rạch Kiến, trụ sở chính tại Long An. Từ 2007, Trustbank trở thành ngân hàng đô thị. Tính đến cuối năm 2011, tổng tài sản của ngân hàng đạt 28.000 tỉ đồng; vốn điều lệ đạt 3.000 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế của TrustBank đến cuối năm 2011 đạt 550 tỉ đồng.

Mai Anh