TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính ngân hàng đã nhận định như trên khi đánh giá về tiến trình sáp nhập ngân hàng của ngành ngân hàng hiện nay.
Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội đưa ra vấn đề xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Một trong những định hướng, giải pháp thực hiện kế hoạt phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này là cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính...
Cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó, vấn đề tiến hành sáp nhập ngân hàng yếu kém hoạt động không hiệu quả là chủ trương lớn và đúng đắn được Ngân hàng nhà nước đưa ra. Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, chính vì vậy ngay trong đầu năm 2015 Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có phát biểu mạnh mẽ nhấn mạnh vấn đề sáp nhập ngân hàng không dừng lại ở việc các ngân hàng tự nguyện mà là phải tham gia sáp nhập.
Dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có những phát biểu mạnh mẽ về vấn đề sáp nhập ngân hàng nhưng để thực hiện không dễ (ảnh nguồn Vneconomy). |
Tuy nhiên nhìn lại năm 2014, không có bất cứ thương vụ sáp nhập nào của các ngân hàng, điều này cho thấy trong vấn đề sáp nhập không phải dễ dàng và cũng không thể áp dụng bằng mệnh lệnh hành chính.
Liên quan vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu dưới đây:
- Thưa TS Nguyễn Trí Hiếu ông đánh giá như thế nào về chủ trương cũng như tiến trình sáp nhập ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trong thời gian qua việc sáp nhập ngân hàng không được tiến hành một cách mạnh mẽ. Riêng trong năm 2014 không có thương vụ sáp nhập nào được thực hiện. Điều đó cho thấy sáp nhập không bao giờ là vấn đề dễ dàng. Một số ngân hàng rất tích cực tìm các đối tác của mình để thực hiện chủ trương của ngân hàng nhà nước, tuy nhiên việc sáp nhập giữa hai đối tác với nhau nó cần phải có sự đồng thuận cao và cuối cùng phải có sự chấp thuận của ngân hàng nhà nước.
Chính vì vậy năm 2014 chưa có một thương vụ sáp nhập nào càng cho thấy quá trình này rất khó khăn. Đặc biệt khi đặc thù trong sáp nhập ngân hàng của Việt Nam, việc nhằm loại trừ những ngân hàng hoạt động yếu kém, đó là trở ngại.
Các ông chủ ngân hàng không muốn mất thương hiệu ngân hàng vì họ đã dày công xây dựng từ xin giấy phép, tạo dựng thương hiệu nhưng bây giờ sáp nhập họ mất tất cả từ đó tạo ra rào cản rất lớn vấn đề sáp nhập.
Thương vụ sáp nhập giữ Ngân hàng Phương Nam và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín được nói đến từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa chính thức diễn ra. |
Năm 2014 những khó khăn vấn đề nợ xấu tiếp tục trở ngại trong vấn đề sáp nhập. Với ngân hàng nhỏ hoạt động yếu kém được sáp nhập dĩ nhiên có lợi trong khi ngân hàng bị buộc phải cho sáp nhập dĩ nhiên phải ôm một đống nợ xấu mới để giải quyết, đây là vấn đề không dễ dàng.
Tóm lại vấn đề sáp nhập ngân hàng được thực hiện rất chậm trong thời gian qua.
- Theo ông việc sáp nhập ngân hàng tác động sẽ tạo ra một diện mạo thế nào cho ngành tài chính, ngân hàng nước ta?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Việc sáp nhập đóng vai trò quan trọng bởi nó tạo thuận lợi phát triển hệ thống tài chính ngân hàng minh bạch.
Thuận lợi thứ nhất sau sáp nhập sẽ tạo ra các ngân hàng lớn, nền tảng tài chính lớn hoạt động mạnh hơn. Quy mô ngân hàng lớn do việc sáp nhập tài sản có và tài sản nợ, sự hợp nhất về vốn, về mạng lưới, con người và thương hiệu. Vì vậy ngân hàng sau sáp nhập sẽ có quy mô hoạt động lớn.
Thứ hai trong việc sáp nhập đó sẽ sáp nhập vốn chủ sở hữu mà vốn chủ sở hữu là xương sống của ngân hàng. Do vậy việc sáp nhập làm tăng vốn chủ sở hữu tạo ra sức mạnh cho ngân hàng trong tương lai.
Thứ ba việc sáp nhập sẽ nâng cao công tác quản trị, ngân hàng sau khi sáp nhập có thể tái cơ cấu lại bộ máy quản trị. Một trong những yếu kém của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam là yếu kém trong bộ máy quản lý như hội đồng quản trị, sự vận hành của ban lãnh đạo, ban kiểm soát không thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế.
Một số lãnh đạo ngân hàng trong thời gian qua chứng tỏ họ đang dùng ngân hàng trở thành “sân trước – sân sau”, chính vì thế khiến hoạt động của các ngân hàng trở nên yếu kém.
Nhiều ngân hàng gặp rủi ro vấn đề đầu tư, cấp tín dụng cho các bên liên quan, vấn đề sở hữu chéo các ngân hàng. Việc hợp nhất, sáp nhập giải quyết được vấn đề đó. Đồng thời tạo ra ban quản trị mới hợp nhất giữa các ngân hàng loại bỏ cách quản lý yếu kém trước đây đưa ngân hàng hoạt động theo đúng quỹ đạo.
Thứ tư sau sáp nhập sẽ tạo ra bộ máy nhân sự mới, vấn đề nhân sự trong bộ máy ngân hàng tại Việt Nam luôn là vấn đề quan trọng ngay cả nhân sự cao cấp. Vừa qua chúng ta thấy có sự thay đổi nhân sự cao cấp tại Ngân hàng TMCP Đại Dương sau khi có nhiều sai phạm. Điều đó cho thấy vấn đề nhân sự cấp cao tại ngân hàng hiện nay rất yếu kém tại Việt Nam. Đây là điều mà Ngân hàng nhà nước cần điều chỉnh tức thì.
- Vậy trong vấn đề sáp nhập ngân hàng, rủi ro lớn nhất là gì, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Rủi ro trong sáp nhập là cả hai ngân hàng không tìm được định hướng chung do quy mô hoạt động, địa bàn hoạt đông và văn hóa doanh nghiệp khác nhau. Rủi ro lớn nữa là không tìm được đường lối chung. Điều này sẽ tạo ra sự đào thải, điều chỉnh mạnh về mặt nhân sự từ nhân viên cho đến lãnh đạo, thậm chí ngay tại thành viên hội đồng quản trị cũng được điều chỉnh.
Những nguy cơ này cho thấy, không phải sáp nhập nào cũng thành công nhất là vấn đề tỷ lệ nợ xấu. Thực tế có ngân hàng sau khi sáp nhập thì mới biết thực sự tình trạng nợ xấu của đối tác. Như người ta nói “trong chăn với biết chăn có rận”, qua báo cáo, qua con số nhiều khi ngân hàng không nắm bắt hết tình hình hoạt động của ngân hàng đối tác tuy nhiên sau khi sáp nhập thì mới thấy vấn đề.
Vấn đề rủi ro này xuất phát từ việc người ta không minh bạch con số, không minh bạch hoạt động của ngân hàng.
- Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu giảm nợ xấu mức 3% năm 2015, theo ông mục tiêu này liệu có khả thi?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Không khó thực hiện điều đó bởi 3% nợ xấu chỉ tính nợ xấu toàn bộ hệ thống ngân hàng còn không tính đến nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Theo thông tư mới đây, đến tháng 6/2015 các ngân hàng phải bán 60% số dư nợ xấu và cuối năm là 75% cho VAMC. Do vậy có lẽ ngay từ đầu năm các ngân hàng sẽ soạn lại bài vở bao nhiêu nợ xấu sẽ bán cho VAMC.
Vì vậy con số 3% nợ xấu hoàn toàn nằm trong khả năng và quá dễ để thực hiện. Cái cần chúng ta phải đặt ra mục tiêu giải quyết toàn bộ nợ xấu bao gồm của ngân hàng hiện nay và nợ xấu đã bán cho VAMC. Bởi thực chất VAMC mới chỉ gom nợ xấu còn giải quyết sau VAMC vẫn là dấu hỏi lớn.
- Xin cảm ơn ông!