Viettel được kinh doanh ngân hàng, bất động sản, EVN thì không

23/05/2013 15:28
Hoàng Lực (TH)
(GDVN) - Trong cùng khoảng thời gian Chính phủ đưa ra hai đề án tái cơ cấu Tập đoàn Viettel và dự thảo nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điều khác biệt hai đề án này là trong khi Viettel được phép kinh doanh tài chính, ngân hàng, bất động sản còn EVN thì không.
Theo đó, ngày 17/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ký Quyết định Số 753/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) giai đoạn 2013 – 2015.
Theo Quyết định này, Tập đoàn Viễn thông Quân đội sẽ đảm trách ngành, nghề kinh doanh viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, bưu chính, chuyển phát, nghiên cứu sản xuất thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông.
Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel được kinh doanh ngân hàng, bất động sản (ảnh minh họa)
Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel được kinh doanh ngân hàng, bất động sản (ảnh minh họa)
Tập đoàn Viễn thông Quân đội còn được phép kinh doanh trong lĩnh vực Tài chính, ngân hàng, bất động sản, thương mại, phân phối, bán lẻ vật tư, thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông. Đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở trong nước và nước ngoài ở tập đoàn. Đề án tái cơ cấu cũng quyết định sáp nhập công ty thông tin viễn thông điện lực vào công ty mẹ; thoái vốn toàn bộ vốn của công ty mẹ tại 5 công ty khác. Theo lộ trình, đến hết năm 2015, Tập đoàn Viễn thông Quân đội sẽ phải hoàn thành việc thoái vốn đã đầu tư vào các doanh nghiệp; tập trung thực hiện tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp. Song song với đó, Chính phủ đưa ra dự thảo nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điểm đáng chú ý trong dự thảo là Chính phủ sẽ thống nhất thành lập Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, trên cơ sở nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập. Cũng trong dự thảo này Chính phủ nhấn mạnh Tập đoàn EVN sẽ không được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng. Chính phủ chủ trương quy định rõ một số ngành, nghề kinh doanh chính của EVN, gồm: sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện…
Nhiệm vụ của EVN bảo tồn phát triển nguồn vốn nhà nước, EVN cũng được hoạt động trong một số ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính: xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu...
Nhiệm vụ của EVN bảo tồn phát triển nguồn vốn nhà nước, EVN cũng được hoạt động trong một số ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính: xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu...
Ngoài ra, EVN cũng được hoạt động trong một số ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính: xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư thiết bị ngành điện; xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị nhà máy điện, thiết bị đường dây và trạm biến áp, thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin; sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu cách điện, trang bị bảo hộ lao động; đầu tư tài chính và kinh doanh vốn mà Nhà nước giao cho EVN; kinh doanh các dịch vụ công nghệ thông tin trong và ngoài nước, quản lý hệ thống thông tin nội bộ… Dự thảo này yêu cầu EVN phải có nghĩa vụ trong việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn tự huy động. Như vậy, so với quy định cũ, điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là Chính phủ đã “cấm cửa” hẳn hoạt động đầu tư bất động sản, ngân hàng đối với EVN, sau khi tập đoàn đã không có được thành công trong lĩnh vực này. Ngay cả lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, Chính phủ cũng chỉ cho phép EVN tham gia các mảng cụ thể như nghiên cứu, tư vấn đào tạo.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hoàng Lực (TH)