Vinaconex ồ ạt thoái vốn bất thường

06/09/2012 18:34
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Hoạt động thoái vốn của doanh nghiệp là rất bình thường, nhưng với Vinaconex lại trở nên không bình thường vì có 2 điều rất khó hiểu trong phương án thoái vốn của VCG.
Liên tục từ tháng 4 trở lại đây, Vinaconex (VCG) thông báo bán vốn tại các doanh nghiệp thành viên với số lượng lớn. Nếu như trước đây chỉ có những công ty kinh doanh kém hiệu quả mới nằm trong danh sách bán vốn thì gần đây cả những doanh nghiệp được đánh giá làm ăn khá, thậm chí có những doanh nghiệp mà vừa năm ngoái Vinaconex còn tham gia tăng vốn, cũng được đem ra rao bán. Tháng 5 vừa qua, VCG đã phải chi tới gần 2.400 tỷ đồng để trả gốc và lãi cho 2.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2010. Trước đó, năm 2011 Tổng công ty đã phải chi gần 300 tỷ đồng trả lãi cho khoản phát hành này. Gánh nặng lớn nhất hiện nay của Tổng công ty này là xi măng Cẩm Phả, tổng vốn đầu tư lên tới con số nghìn tỷ đồng, tuy đã đi vào hoạt động được 2-3 năm, nhưng mỗi năm doanh nghiệp này lỗ hàng trăm tỷ đồng. Việc đầu tư vào dự án xi măng này được thực hiện từ năm 2002, khi Vinaconex còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thua lỗ là mất cân đối cung và cầu, sự tăng giá của nguyên vật liệu đầu vào trong khi giá xi măng không tăng, chi phí tài chính lớn khi nhà máy đi vào hoạt động đúng thời điểm kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Thua lỗ lớn tại Xi măng Cẩm Phả, Vinaconex đã phải thay đổi nhân sự cấp cao, cử Tổng giám đốc Tổng công ty sang quản lý vốn và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị xi măng Cẩm Phả. Kế hoạch kinh doanh vẫn luôn được Hội đồng quản trị rà soát, cắt giảm các chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm để giảm lỗ, tiến tới hòa vốn. Tuy nhiên, kết quả chưa có gì đáng khích lệ. Trong năm, Tổng công ty này dự kiến trích lập dự phòng vào xi măng Cẩm Phả là 959,9 tỷ đồng. Việc đàm phán bán cổ phần của VCG tại nhà máy xi măng Cẩm Phả cho Tổng công ty xi măng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do đối tác cũng đang là "chúa chổm". Tháng 5 vừa qua, VCG đã phải chi tới gần 2.400 tỷ đồng để trả gốc và lãi cho 2.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2010. Với các công ty thành viên, VCG đưa ra mức dự toán cho việc trích lập dự phòng cả năm 2012 là 57 tỷ đồng, song đến thời điểm này có thể thấy, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều vì giá chứng khoán đang tuột dốc mạnh. Trong khi đó, VCG đang rất cần vốn để bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các dự án do mình làm chủ đầu tư như: dự án đầu tư mới xây dựng công trình cụm nhà ở hỗn hợp khu đô thị mới Nam cầu Trần Thị Lý (thành phố Đà Nẵng), khu đô thị mới Tây Mỗ-Đại Mỗ, dự án khu nhà thu nhập thấp Bắc An Khánh (Hà Nội). Những dự án này, dự án nào sơ sơ cũng ngốn vài trăm tỷ đồng vốn đầu tư. Nhìn vào sức khỏe tài chính hiện nay của VCG có thể thấy, xuất hiện sự chênh lệch lớn giữa khối lượng công việc, dự án đang triển khai và khả năng tài chính. Tình hình căng đến nỗi ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch VCG phải phân bua với cổ đông: "Thường trực Hội đồng quản trị phải thực hiện họp định kỳ hàng tuần để giải quyết công việc". Lãi vay, lỗ kinh doanh đang khiến Vinaconex phải trích lập dự phòng cực lớn, làm bao nhiêu không đủ chi lãi. Trước tình thế đó, dù thị trường vốn đang cực kỳ ảm đạm, VCG vẫn liên tục đưa ra thông báo bán vốn. Tháng 4, VCG thông báo bán đấu giá 550.000 cổ phần tại Công ty cổ phần xi măng Vinaconex Lương Sơn Hòa Bình (vốn điều lệ 10 tỷ đồng). Sau đó Tổng công ty này thông báo bán đấu giá 2,19 triệu cổ phiếu (chiếm 44,51% vốn thực góp) tại Công ty cổ phần Vinaconex Dung Quất (doanh nghiệp chuyên lắp đặt hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước và lắp đặt xây dựng khai thác nước, có vốn điều lệ 49,2 tỷ đồng). VCG cũng thông báo dự kiến bán hết 11 triệu cổ phần, tương đương 55% vốn điều lệ, tại Công ty cổ phần Phát triển thương mại Vinaconex có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Hồi tháng 6, VCG công bố bán cổ phần tại Vinaconex Hoàng Thành, doanh nghiệp có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Số lượng cổ phần bán đấu giá là 3.750.000 cổ phiếu, chiếm 25% vốn thực góp. Mới đây, trong tháng 8 VCG tiếp tục đưa ra danh sách: Công ty cổ phần Vinaconex 3, Công ty cổ phần Vinaconex-VCN và Công ty cổ phần Vinaconex 6. Trong đó, bán 1,2 triệu cổ phần của VC6; bán toàn bộ 4,08 triệu cổ phần tại VC3 và 1,45 triệu cổ phần tại Vinaconex - VCN. Ngoài thoái vốn tại các công ty thành viên, VCG đang dồn lực để đẩy nhanh "cục nợ" xi măng Cẩm Phả cho Tổng công ty xi măng. Hoạt động thoái vốn của doanh nghiệp là rất bình thường, nhưng với Vinaconex lại trở nên không bình thường vì có 2 điều rất khó hiểu trong phương án thoái vốn của VCG.Thứ nhất, định hướng tái cấu trúc vốn tại các doanh nghiệp thành viên của VCG đã được xây dựng và thống nhất từ cuối năm 2010. Theo đó, Tổng công ty dự kiến giữ lại 22/66 doanh nghiệp, tập trung vào 2 lĩnh vực chính là xây lắp và kinh doanh bất động sản. Năm 2011, VCG đã tái cấu trúc vốn tại 5 đơn vị, trong đó có Vicostone với số tiền thu về đạt 370,3 tỷ đồng, lợi nhuận thu về là 153,8 tỷ đồng, thu hồi công nợ đạt 279 tỷ đồng. Vậy nhưng, trong năm 2011, VCG lại góp vốn tăng thêm tại 5 đơn vị là Công ty cổ phần xây dựng số 9, số 6, số 2, Vinaconex Sài Gòn và Nedi 2, đồng thời góp vốn thêm vào một công ty mới là Vinaconex Xuân Mai Đà Nẵng, tổng vốn góp đạt 147 tỷ đồng. Năm 2011, VCG còn bỏ vốn đầu tư mua thêm cổ phần trong đợt tăng vốn của VC6 với giá 10.000 đồng một cổ phiếu. Vậy tại sao chưa đầy 1 năm sau, VCG lại thông báo bán vốn tại VC6 khi mà thị giá của cổ phiếu VC6 chỉ còn khoảng 50% mệnh giá?Điểm khó hiểu thứ hai là trong khi thị trường đang ê chề cổ phiếu, thậm chí nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt, giá thấp chỉ ở mức xấp xỉ mệnh giá thì VCG lại đưa ra những giá "trên trời" khi rao bán cổ phần của doanh nghiệp thành viên. Trong khi những doanh nghiệp này hoạt động không có gì quá nổi trội, thậm chí là thua lỗ. Phương thức bán của VCG được thực hiện như sau: chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư. VCG có văn bản chào bán gửi 11 công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam và chào bán cho cán bộ công nhân viên của các công ty con, cổ đông lớn, các công ty con của tổng công ty, chào bán trên sàn… Năm 2011, Tổng công ty này đã từng tái cấu trúc vốn tại 5 đơn vị với phương thức tương tự như trên với số tiền thu về đạt 370,3 tỷ đồng, lợi nhuận thu về được báo cáo là 153,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, không loại trừ trường hợp Tổng công ty thoái vốn theo kiểu khoán cho doanh nghiệp thành viên khác. Tức là bắt họ ôm cổ phiếu giá cao của một công ty khác trong họ Vinaconex, mặc dù bản thân doanh nghiệp đó không muốn. Nhiều đợt chào bán đã được tiến hành, chưa thấy VCG thông báo kết quả, nhưng dễ thấy trong năm đầy khó khăn này, kiểu ép mua như trên sẽ khó thành hiện thực. Ngoài ngược xuôi lo đòi nợ theo như lời kể của một cán bộ của Tổng công ty thì VCG đang tính chuyện phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Theo phương án đã được đại hội cổ đông thông qua hồi đầu năm, chậm nhất tới quý I/2013, VCG sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng. VCG sẽ phát hành 58,28 triệu cổ phiếu bằng cách chào bán riêng lẻ với giá tối thiểu bằng mệnh giá. Để chắc ăn, Hội đồng quản trị VCG còn xin cổ đông ủy quyền cho họ thực hiện bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, tăng vốn thời điểm này không dễ. Thị giá VCG chỉ đạt 8.000 đồng một cổ phiếu, chừng nào cổ phiếu chưa vượt được mệnh giá sẽ không thể tính đến chuyện phát hành. Chưa kể, cả 2 đợt phát hành tăng vốn trước đây của VCG đều có sự hậu thuẫn và tham gia của 2 cổ đông lớn là Viettel và SCIC. Chưa hết, năm 2011, VCG đạt doanh thu 14.456 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 387 tỷ đồng, song không chia cổ tức cho cổ đông. Kế hoạch doanh thu toàn tổng công ty là 6.897 tỷ đồng, lợi nhuận 72 tỷ đồng. Nhiều khả năng kế hoạch trên còn khó hoàn thành, vậy thì cổ đông khó hy vọng vào cổ tức 2012. Nhà đầu tư bỏ vốn ra mà 2 năm liên tiếp không được chia cổ tức, trước đó thì toàn tỷ lệ thấp chưa bằng lãi tiền gửi tiết kiệm. Vì thế, chắc chắn việc bán vốn của VCG tới đây sẽ không hề dễ dàng.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp