Với năng lực của FLC, có đến mức phải di dời đồn biên phòng?

24/04/2018 06:10
Đỗ Thơm
(GDVN) - Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ra công văn "hỏa tốc" đề nghị di dời cả đồn biên phòng cho FLC làm dự án. Quy trình thực hiện thế nào?

Ngày 18/4, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ký văn bản hỏa tốc số 114 vào, thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại cuộc họp nghe báo cáo và cho ý kiến phương án quy hoạch giai đoạn 1 dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn.

Theo đó, tại cuộc họp diễn ra trước đó một ngày (ngày 17/4) có đầy đủ các sở, ban ngành của tỉnh với lãnh đạo của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch Trần Ngọc Căng đồng ý với đề xuất ranh giới và phương án quy hoạch giai đoạn 1 của Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn do Tập đoàn FLC đề xuất, với tổng diện tích quy hoạch giai đoạn 1 là 1.243 héc-ta (tổng diện tích dự án là gần 4.000 héc-ta).

Đáng chú ý, vị trí đồn Biên phòng Bình Hải (đóng tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) cũng được đề nghị dời sang vị trí khác để… nhường chỗ cho Tập đoàn FLC làm dự án.

Động thái này của lãnh đạo tỉnh Quãng Ngãi đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Phối cảnh dự án nghỉ dưỡng của FLC mà chính quyền Quảng Ngãi đang rốt ráo chỉ đạo để triển khai dự án càng sớm càng tốt. Ảnh: FLC
Phối cảnh dự án nghỉ dưỡng của FLC mà chính quyền Quảng Ngãi đang rốt ráo chỉ đạo để triển khai dự án càng sớm càng tốt. Ảnh: FLC

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để có thông tin rõ hơn về quy trình di dời một đồn biên phòng có đơn giản.

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa cho biết: “Việc xây dựng đồn biên phòng mới hay di chuyển một đồn biên phòng đều phải tuân thủ quy hoạch chung về gắn liền kinh tế và quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là trên 2 tuyến biên giới, biên giới trên biển và biên giới đất liền”.

Theo đó, quy hoạch này phải được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề đạt và sau đó Ủy ban Nhân dân Tỉnh ký vào văn bản đó. Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo Bộ Quốc phòng và được Bộ Quốc phòng ký duyệt quy hoạch.

Đối với trường hợp di dời đồn biên phòng, Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nhấn mạnh, nguyên tắc hàng đầu nếu muốn di chuyển đồn biên phòng là vị trí có thể di dời.

“Còn đồn biên phòng đang ở các vị trí trọng yếu thì không thể di dời được”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa. (Ảnh: Quochoi.vn)

Vị Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh phân tích thêm, vấn đề kinh tế kết hợp với quốc phòng cần được thực hiện nhuần nhuyễn, tạo điều kiện nhưng có những vị trí không thể di chuyển được.

“Tôi ví dụ như ở cửa biển xung yếu, vị trí đắc địa về quốc phòng… ảnh hưởng đến bảo vệ biên giới biển thì không thể di dời”, Đại biểu Nghĩa cho biết.

Về quy trình để di dời một đồn biên phòng, Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nêu cụ thể các bước: Đầu tiên là doanh nghiệp đề nghị lên Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ủy ban sẽ làm việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cùng với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sẽ soạn văn bản báo cáo thẩm tra về vị trí mới gửi lên Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẽ đến thực địa xem xét sau đó sẽ làm văn bản, kết hợp sơ đồ quy hoạch báo cáo Bộ Quốc phòng.

Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục khảo sát, xem xét vị trí và ra quyết định cuối cùng.

Với năng lực của FLC, có đến mức phải di dời đồn biên phòng? ảnh 3Ai dung túng cho FLC chây ì hàng trăm tỷ đồng?

Theo Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, việc có di dời hay không thể di dời đồn biên phòng tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ phụ thuộc vào việc xem xét, thẩm tra của Bộ Quốc phòng.

“Nếu các thủ tục trên không đủ thì không được điều chỉnh vị trị đồn biên phòng”, Đại biểu Nghĩa cho hay.

Quy trình trên là với các dự án kinh tế của doanh nghiệp trong nước.

Còn đối với các dự án kinh tế của doanh nghiệp nước ngoài, quy trình thủ tục còn nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Các dự án này phải được Thủ tướng Chính phủ, thậm chí phải được Quốc hội thẩm tra.

Theo Đại biểu Nghĩa, dù lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có công văn hỏa tốc nhưng để di dời đồn Biên phòng Bình Hải (đóng tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) các quy trình thủ tục vẫn phải đảm bảo như trên.

Được biết, chỉ cách đây hơn 2 tháng, vào ngày 29/1/2018, chính ông Trần Ngọc Căng đã ký Quyết định (số 184/QĐ-UBND) phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình xây dựng mới Đồn Biên phòng Bình Hải chính tại vị trí hiện tại.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ dự án của Tập đoàn FLC, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các bên liên quan đến giải phóng mặt bằng phải vào cuộc giải quyết vướng mắc để dự án khởi công vào ngày 19/5.

Sau khi những thông tin về việc FLC xin cấp tới hơn 4 nghìn héc-ta thực hiện dự án tại tỉnh Quảng Ngãi (riêng giai đoạn 1 là 1.243 héc-ta) nhiều ý kiến băn khoăn vì FLC lại được cấp diện tích đất lớn đến như vậy?

Liệu rằng FLC có đủ năng lực để thực hiện dự án trên toàn bộ hơn 4 nghìn héc-ta hay là xin cấp đất "găm" lại?

Trên thực tế, những nghi ngại về tiềm lực của FLC là hoàn toàn có căn cứ khi mà doanh nghiệp này còn đang chây ì hơn 700 tỷ đồng, không chịu nộp vào ngân sách thành phố Hà Nội, sau khi đã trúng đấu giá khu đất ĐM1 tại quận Nam Từ Liêm cách đây hơn 8 tháng.

Còn tại Thanh Hoá, khi thực hiện dự án Khu công nghiệp Hoàng Long, cho tới nay còn rất nhiều hộ dân chưa nhận được tiền đền bù. Khu đất thực hiện dự án thì cỏ vẫn mọc um tùm.

Đỗ Thơm