Vốn ODA nhân đạo không hoàn lại, nhiều thủ tục thế để làm gì?

01/11/2018 06:09
Kiến Văn
(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nêu vấn đề trên và nhấn mạnh "không thể để tình trạng không quản lý được thì lại tạo ra rào cản".

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Thành phố Đà Nẵng) nêu: Có ý kiến của doanh nghiệp cho rằng có đến 90% dự án ODA của các cơ quan nhà nước mất trung bình 6 tháng để phê duyệt, còn của các tổ chức ngoài Nhà nước mất trung bình là từ 12-16 tháng.

Nếu mỗi dự án có kinh phí trung bình là 1-2 triệu đô la, chỉ với 100 dự án thì nhà nước đã mất khoảng 50-100 triệu đô la/năm vì thủ tục.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời trước Quốc hội. ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời trước Quốc hội. ảnh: quochoi.vn

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết:

Thứ nhất, về nguyên tắc sử dụng ODA vốn vay ưu đãi, đây là một nguồn ngân sách của nhà nước cho nên sử dụng phải đảm bảo tính hiệu quả và phải nằm trong trần nợ công, nợ bội chi, nợ Chính phủ mà Quốc hội đã cho phép. Quy trình, thủ tục đã được thiết kế hết sức chặt chẽ gồm 4 bước: Một là đề xuất dự án; Hai là phê duyệt chủ trương; Ba là quyết định đầu tư; Bốn là ký kết hiệp định và triển khai dự án. 

Bốn quy trình này đều phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép, trên thực tế các quy trình này sẽ phức tạp hơn, bởi vì bên cạnh quy trình ở trong nước thì chúng ta còn phải thực hiện các yêu cầu quy định của các nhà tài trợ nước ngoài nên quy trình trong một dự án thường kéo dài hơn. 

Thời gian chuẩn bị dự án không phải chỉ 6 tháng, trung bình hiện nay khoảng 2-3 năm, có những dự án lớn, phức tạp phải đến 5 năm mới có thể xong được các quy trình này. 

Bộ trưởng Dũng cho biết những cơ quan thuộc khu vực nhà nước mới được sử dụng vốn ODA, đồng thời cũng thẳng thắn đánh giá: “Chúng ta chuẩn bị dự án càng kỹ, càng tốt, chất lượng càng cao thì khi chúng ta triển khai thực hiện càng nhanh, càng hiệu quả và không làm phát sinh thêm chi phí, đó là yêu cầu và cũng là thông lệ của quốc tế.

Vốn ODA nhân đạo không hoàn lại, nhiều thủ tục thế để làm gì? ảnh 2

Doanh nghiệp nhà nước vay mà không trả được nợ thì ai trả?

Chúng tôi đang hướng tới là phải tăng cường khâu chuẩn bị dự án để khi ký hiệp định thì lúc đó mới bắt đầu phát sinh chi phí. 

Đó là phí lãi vay và phí cam kết, nếu chúng ta chuẩn bị dự án không tốt thì chi phí đó khi thực hiện sẽ kéo dài làm phát sinh và phải chịu chi phí đó. 

Tuy nhiên, chúng tôi thừa nhận trong các bước và về mặt thủ tục như đại biểu đề cập thì chất lượng hồ sơ còn chưa tốt, thiếu, chưa đầy đủ, giải trình nhiều lần. 

Thứ hai là các bộ, các cơ quan tham gia xử lý chưa nhanh, thiếu nhất quán và chưa rõ, chung chung nên khi tổng hợp để xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng làm mất thời gian.

Về phần này, chúng tôi nhận trách nhiệm sẽ rà soát, đôn đốc, làm sao giải quyết thủ tục minh bạch và nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ”.

Quy định lỗi thời thì phải sửa

Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị được tranh luận.

Đại biểu Thúy phân tích: “Tôi muốn trao đổi thêm và đề nghị bộ trưởng trả lời rõ là trong hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn về tài chính, có được nguồn ngân sách tài trợ, đặc biệt là vốn ODA nhân đạo không hoàn lại thì càng đáng quý. Nhưng khi làm thủ tục tiếp nhận gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thủ tục trong nước gây ra như yêu cầu tổ chức nhận vốn ODA phải có cơ quan chủ quản, trong khi luật pháp không quy định mà văn bản dưới luật tạo ra rào cản này.

Điển hình là trung tâm nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng đăng ký là tổ chức khoa học, công nghệ theo Nghị định 81 đã thực hiện tốt giai đoạn 1 của dự án phòng, chống HIV/AIDS được Chính phủ Mỹ tiếp tục cho tài trợ giai đoạn 2 qua đấu thầu kinh phí là 4,5 triệu đô la, công ty mất 21 tháng với khoảng 60 văn bản gửi các nơi liên quan, đến nay mới xong được 1/3 giai đoạn phê duyệt. 

Điều này khiến nhà tài trợ là đại sứ quán Mỹ cũng sốt ruột phải gửi thư đến chính quyền vì không thể hiểu nổi các thủ tục phiền toái của ta. 

Xin hỏi bộ có biết không và có giải pháp gì để tháo gỡ? Ở đây tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải tổng kết, đánh giá xem quy trình, thủ tục phê duyệt như vậy trung bình hết bao nhiêu thời gian ở tất cả các cấp và toàn bộ thời gian đó gây tốn kém, thất thoát cho Nhà nước là bao nhiêu tiền.

Tôi muốn nói rằng, tại sao vốn ODA nhân đạo không hoàn lại phải phê duyệt phức tạp như vậy để làm gì, trong khi vốn vay lại để tràn lan, vô cùng lãng phí mà Bộ thì hoàn toàn không biết hiệu quả của đồng tiền vay”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ có quá nhiều thủ tục khiến dự án sử dụng vốn ODA nhân đạo bị chậm. ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ có quá nhiều thủ tục khiến dự án sử dụng vốn ODA nhân đạo bị chậm. ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng nêu quan điểm: “Chúng ta đừng quá kỳ vọng và cũng không nên kỳ thị đối với vốn ODA mà vấn đề đặt ra là phải quản lý, sử dụng và phát triển nguồn vốn như thế nào, không phải quản lý không được thì lại tạo ra rào cản. 

Tôi muốn nói rõ Nghị định 132 ngày 1/10/2018 trong khi người ta rất chờ đợi để xem sửa đổi, bổ sung của Nghị định 16 có gì mới. Về lĩnh vực này Nghị định 38, sau đó đến Nghị định 16 và Nghị định 132. Ở đây tôi muốn nêu vấn đề là tại sao luật pháp không quy định mà ở nghị định lại tạo ra những rào cản như thế? Nếu thực tế không hiệu quả, không phù hợp thì Bộ phải tham mưu cho Chính phủ, tham mưu cho Quốc hội đề xuất để sửa luật, cần thiết phải quy định chặt chẽ vào trong luật”.

Liên quan tới nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của đại biểu Kim Thúy để có báo cáo và xem xét dự án cụ thể mà đại biểu nêu.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cũng cho rằng trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chưa thỏa đáng.

“Bộ trưởng nói thời gian chuẩn bị cho việc đầu tư các dự án theo nguồn vốn ODA từ 2 -3 năm, như vậy thì càng kỹ và càng có hiệu quả. Tuy nhiên, tôi thấy việc giám sát của Quốc hội cũng đã chỉ rõ những hạn chế cần phải khắc phục và cũng đã có nghị quyết để đưa ra những nội dung cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Về thực trạng trong việc đầu tư của dự án ODA, đúng là thời gian kéo dài từ 2 - 3 năm nhưng lý do ở đây là:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật chưa được đầy đủ, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, năng lực thực hiện các điều kiện ràng buộc của các đơn vị tư vấn theo yêu cầu của nhà tài trợ còn hạn chế. 

Thứ ba, việc cung cấp các thông tin, công khai minh bạch các thông tin về vốn ODA.

Thứ tư, sự phối hợp giữa các bộ, giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cũng như các bộ ngành có liên quan thì trong nội dung này, để phê duyệt các dự án ODA, nguồn vốn vay ODA rất phức tạp, bất cập và kéo dài thời gian. 

Do vậy, nghị quyết của Quốc hội sau giám sát cũng đã đưa ra các nội dung cần phải khắc phục các hạn chế này để đẩy nhanh việc huy động cũng như quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới”, Đại biểu Lan phân tích.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vừa qua Quốc hội đã có một nghị quyết giám sát để khắc phục những bất cập xung quanh việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới. Hiện nay đang triển khai thực hiện. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm: “Thứ nhất, về hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật đã gần được hoàn thiện và được sửa đổi theo hướng hết sức chặt chẽ và thuận lợi cho cả khâu triển khai thực hiện. Tuy nhiên, còn vấn đề gì nữa, bởi vì trong quá trình làm là đã lấy ý kiến tất cả các bộ ngành và các địa phương liên quan, đã tổng kết rút kinh nghiệm rất nhiều lần và đã hoàn thiện rất nhiều. 

Mới đây nhất, ngày 01/10/2018 đã ban hành Nghị định 132 để sửa tổng thể về vấn đề này. Nếu còn vấn đề gì nữa thì đại biểu cho thêm ý kiến về hệ thống pháp luật chưa đầy đủ hay là chưa phù hợp thông lệ quốc tế thì hãy cho chúng tôi biết.

Thứ hai, về đơn vị tư vấn thì đúng là cũng có vấn đề vì chất lượng lập dự án là phụ thuộc vào vấn đề của tư vấn. Trong khi đó thì tư vấn vừa là chất lượng một số đơn vị chưa tốt, tiếp theo là còn thể hiện những ý chí của nhà tài trợ hoặc là của các nhà thầu vào đây. Các cơ quan cũng phải xem xét hết sức thận trọng. 

Chúng tôi cũng đã có phương án công khai hơn trong thời gian tới. Vấn đề xử lý phối hợp giữa các bộ, ngành, tôi cho đây là vấn đề quan trọng nhất. Đây không phải vấn đề về thể chế mà là vấn đề chúng ta xử lý. 

Vừa rồi tôi đã báo cáo vẫn đang còn chậm, thiếu thống nhất, đôi khi còn chung chung. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của các cơ quan chuẩn bị hồ sơ, chủ đầu tư và các cơ quan xem xét, xử lý tham gia. Liên quan đến ODA không phải chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh đó còn có Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan liên quan khác.

Vấn đề này, chúng tôi cùng với các bộ sẽ cố gắng để làm sao nhanh hơn, thuận lợi hơn, minh bạch hơn nhưng vẫn đảm bảo thận trọng theo quy trình pháp luật quy định”.

Kiến Văn