Làm gì để tài nguyên biển thành nguồn lực phát triển đất nước?

19/08/2022 15:36
Lân Phan
GDVN- Để tài nguyên "mặt tiền Biển Đông" thực sự trở thành nguồn lực phát triển đất nước, cần phải có những động lực từ bàn tay, khối óc và ý chí mạnh mẽ của con người.

Việt Nam là một quốc gia đất hẹp người đông nhưng cũng là đất nước có tiềm năng tài nguyên kinh tế biển đặc biệt nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có vị trí địa chính trị và địa kinh tế không phải quốc gia nào cũng có.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt, sông ngòi và biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, mở mang cơ đồ đất Việt.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều dự án lấn biển đã và đang được thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển với quy mô khác nhau nhưng các dự án lấn biển có quy mô lớn tập trung tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang… Các dự án lấn biển đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn ở khu vực ven biển, hải đảo.

Cảng biển quốc tế lớn nhất Việt Nam - Lạch Huyện ( Hải Phòng). Ảnh: PVN

Cảng biển quốc tế lớn nhất Việt Nam - Lạch Huyện ( Hải Phòng). Ảnh: PVN

Để tài nguyên "mặt tiền Biển Đông" thực sự trở thành nguồn lực phát triển đất nước, cần phải có những động lực từ bàn tay, khối óc và ý chí mạnh mẽ của con người thông qua những tầm nhìn và khả năng dẫn dắt của giới tinh hoa và lãnh đạo xã hội trong thời đại công nghệ ứng dụng đang phát triển ngày nay.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Theo đó, đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các cơ quan Trung ương và các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước: Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt…

Cả nước hiện có 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập. Đã hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người. Đồng thời, việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao "thế trận lòng dân" trên các vùng biển, đảo, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Mặc dù vậy, theo các nhà chiến lược kinh tế biển thì quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển và các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu. Môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu. Đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững.

Để chiến lược kinh tế biển thực sự là động lực biến tài nguyên biển thành một trong năm nguồn lực vật chất cho xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước đang hướng tới tầm nhìn đến năm 2045, xin đề xuất bốn giải pháp trọng điểm:

Một là, cần bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về quản lý, sử dụng đất hình thành từ lấn biển, đặc biệt là dự án lấn biển không sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước đảm bảo hài hòa lợi ích của ba chủ thể kinh tế là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Hơn nữa, phải gắn các nội dung này với tầm nhìn khu vực và quy hoạch quốc gia cũng như luật pháp quốc tế liên quan.

Hai là, có chính sách chủ động trong việc đưa ra các sáng kiến về kinh tế biển để hội nhập hiệu quả với các sáng kiến hội nhập kinh tế quốc tế của khu vực khi Biển Đông đang là mắt xích ngày càng quan trọng với các sáng kiến logistics quốc tế trong quá trình chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam.

Ba là, cần liên kết việc phát triển kinh tế biển với trục cao tốc phía đông hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, hình thành không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra các cực tăng trưởng khu vực Bắc, Trung, Nam trên tinh thần công nghiệp hóa và hiện đại hóa góp phần lan tỏa hợp tác sang cả các quốc gia láng giềng như ASEAN, Lào, các tỉnh tây nam Trung Quốc…

Bốn là, phát triển kinh tế biển cần gắn liền việc đầu tư nghiên cứu, dự báo, đào tạo và phát triển công nghệ cũng như với chiến lược đối phó biến đổi khí hậu, chính sách bảo tồn đa dạng sinh học biển và các vấn đề xã hội học đảm bảo phát triển bền vững đất nước.

Lân Phan