Sau nhiều ngày tìm hiểu về việc nợ nần tại Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), phóng viên đã tiếp cận được trên 10 con số liên quan đến 50 chủ nợ, trong đó có 9 ngân hàng với 41 nông dân miền Tây.
Cụ thể là Bianfishco nợ nông dân 245.160.195.361 đồng, nợ Ngân hàng Phát triển Nhà chi nhánh Cần Thơ 20 tỷ đồng; Ngân hàng Á Châu 61.349.284.433 đồng; Ngân hàng Xuất khẩu chi nhánh Sài Gòn 23.950.000.000 đồng, 304.800USD; Ngân hàng An Bình 63.586.000 đồng, 10.015.800USD; Ngân hàng Đầu tư phát triển 139.200.000 đồng, 2.600.289USD; Ngân hàng Việt Thái chi nhánh TP HCM 3.500.000USD; Ngân hàng Phát triển chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang 310.218.806.080 đồng; Ngân hàng Công thương chi nhánh Cần Thơ 3 tỷ đồng và Ngân hàng Habubank chi nhánh TP HCM 63.962.461.837 đồng.
Với số ngoại tệ trên 16 triệu USD sau khi quy đổi cộng với Việt Nam đồng thì Bianfishco nợ 1.275.265.416 đồng. Theo số liệu đánh giá tài sản cố định của đơn vị kiểm toán thì tổng tài sản của doanh nghiệp mà ông Trần Văn Trí - chồng Tổng Giám đốc Bianfishco Phạm Thị Diệu Hiền báo cáo là trên 2.700 tỷ đồng thì doanh nghiệp hoàn toàn cân đối được nợ.
Theo lãnh đạo Bianfishco, nguyên nhân công ty gặp khó khăn về tài chính là do tình hình thắt chặt tín dụng trong lúc công ty cần vốn đầu tư cho các trung tâm nuôi trồng thủy sản 1 ở Vĩnh Long, trung tâm 2 ở An Giang, nhà máy nước uống Collagen, dây chuyền thiết bị sản xuất, nhà máy giá trị gia tăng, nhà máy phụ phẩm, Viện nghiên cứu, xưởng chế biến thức ăn thủy sản và hoạt động sản xuất nên doanh nghiệp vay vốn trung, dài hạn của các ngân hàng và nợ lại tiền mua cá của nông dân. Những thông tin bất lợi ngoài dư luận đã gây hoang mang tinh thần người bán cá với hoạt động của công ty và có người đã tập hợp những hộ dân bán cá khởi kiện Bianfishco để trục lợi cá nhân, gây mất ổn định cho doanh nghiệp.
“Vào thời điểm này, bà Phạm Thị Diệu Hiền lại bị tai biến, tiền sử khối u ở ngực di căn đến gan đã mổ lần đầu vào ngày 11/8/2008 tại Singapore. Nay vết mổ di căn tái phát nên phải đi điều trị cấp tốc chớ không phải trốn nợ. Bên cạnh đó, do sự cạnh tranh không lành mạnh của một số công ty cùng ngành nghề, có ý đồ thôn tính, muốn mua lại nhà máy với giá rẻ trong khi Bianfishco đã tạo được thương hiệu quốc gia, sản phẩm xuất khẩu trên 80 quốc gia, được các tổ chức uy tín trên thế giới tặng cúp vàng với nhiều chứng nhận về chất lượng sản phẩm”, lãnh đạo Bianfishco khẳng định.
Từ đó, ông Trí đề xuất 3 phương án đến Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục An Ninh II, UBND TP Cần Thơ, Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất TP Cần Thơ là một số nhà đầu tư với hai ngân hàng nhận lãnh trả tiền cá cho các hộ dân, mua nguyên liệu sản xuất vào tháng 4 này cùng với sự đồng thuận, vai trò trung gian của UBND TP Cần Thơ.
Phương án thứ hai là bán tài sản riêng để trả nợ gồm khu đất đường Nguyễn Văn Trỗi, TP HCM và đất ở Cần Thơ, Sóc Trăng cùng cổ phần của công ty nhằm lấy tiền trả 61 tỷ đồng cho Ngân hàng ACB vì giá trị tài sản đang thế chấp trên 500 tỷ đồng.
Phương án cuối mà Bianfishco đề xuất là kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng thêm ba năm, tức là đến 1/4/2015 và tạm ngừng trả nợ gốc trong vòng 24 tháng, ngừng phát sinh lãi và trả lãi đến tháng 4/2014 cũng như tái cơ cấu các khoản nợ, cung cấp thêm vốn cho công ty đi nhanh chóng đi vào sản xuất ổn định.
Trúc Linh