Mặc áo dài – tạo sự khác biệt
“Mr Thất bại”, “Doanh nhân mặc áo dài”, giờ, chỉ cần nói hai cụm từ này, người ta nhớ ngay tới Hùng Cửu Long. Là doanh nhân, nhưng trong rất nhiều các sự kiện của làng giải trí, Hùng Cửu Long luôn có mặt và khiến khá nhiều người ngứa mắt bởi Hùng luôn đóng bộ áo dài – giày tây và lại luôn tỏ vẻ lăng xăng nhắng nhít bên các diễn viên hay những “chân dài”. Nhưng xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hay trong các sự kiện của doanh nghiệp, Hùng Cửu Long, cũng vẫn trong những bộ cánh áo dài - giày tây, phong thái nhìn lại “sang và lịch” hơn hẳn. Hùng cười sảng khoái: “Dự các sự kiện của showbiz, tôi hay chạy nhảy tung tăng, nói cười hỉ hả, bởi tôi mặc áo dài và tôi không muốn người ta thấy tôi trịnh trọng đạo mạo trong bộ áo dài để rồi gọi tôi là bảo tàng sống di động!”
Hùng Cửu Long quyết định mặc áo dài “mọi lúc, mọi nơi” từ 6-7 năm trước, “trước hết để tự tin, tạo sự khác biệt chứ không phải là dị biệt, để quảng bá cho áo dài Việt kết hợp giữa truyền thống và hiện đại”. Tới nay, tủ đồ của Hùng đã có gần trăm bộ. Áo dài mặc với quần tây, áo phần nhiều cách điệu được cắt cúp theo lối của áo veston. Hùng may áo dài ở nhiều nhà may Sài Gòn cốt để lan truyền, cổ vũ cho “tinh thần” mặc áo dài. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng là người đầu tiên tư vấn và thiết kế riêng cho Hùng mấy bộ áo dài theo lối mới. “Thế mà khi biết tôi quyết định mặc áo dài thường xuyên, chính anh Hoàng còn trêu tôi, thời tiết Sài Gòn quanh năm nóng, chịu sao thấu?”.
Áo dài đàn ông Việt may theo lối xưa thường rộng, lại nếu may bằng vải mềm, mặc vào, nếu đàn ông vóc người nhỏ trông thụng thịu, nhưng nếu sử dụng những chất liệu thường, may veston với kỹ thuật cắt cúp theo lối áo veston, với tay nghề cao của người thợ may, chiếc áo lập tức có ưu điểm là giấu khéo đi khổ người khiêm tốn về chiều cao - cân nặng của người mặc. Hùng Cửu Long sáng ý nhìn ra điều ấy và không những thế, còn thi thoảng quàng thêm chiếc khăn thả tự nhiên xuôi theo vạt áo, trông vừa “lịch” lại tạo “ảo giác” cho mắt người nhìn tăng thêm mấy phần chiều cao cho mình. “Thời gian đầu, nhiều người nhìn tôi như kẻ dị hợm, thích chơi trội. Thậm chí bạn bè cũng có người không muốn đi chung vì tôi mặc áo dài, trông “chơi nổi”. Tôi kiên trì mặc, riết thành quen. Con trai tôi cũng thường mặc áo dài, nên trên mạng xã hội, cha con tôi có nick “Áo dài anh/Áo dài em”.
“Về quốc phục hay lễ phục, có người bàn, thôi, đàn ông mặc veston, cũng được. Thế thì khác gì nhận ông hàng xóm làm bố mình? Tôi nghĩ, tôn trọng sự khác biệt về nguồn gốc, văn hoá của các dân tộc anh em, nhưng, nếu đã nói đến lễ phục thì cũng cần một mẫu số chung. Tôi không “ép” ai mặc theo cách mình đang mặc. Tôi thường mặc áo dài thế này, biết đâu, cũng có cái hay là để làm mẫu cho người ta nhìn vào, tham khảo như một ví dụ cụ thể và sống động” - Hùng cười rổn rảng tâm sự.
Ba gợi ý cho lễ phục
Sáng 17.4, tại TPHCM, Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo “Lễ phục nhà nước” nhằm tiếp thu ý kiến từ một số nhà nghiên cứu văn hoá - nghệ thuật, nhà sử học, hoạ sĩ, thiết kế,... các tỉnh, thành phía nam để làm cơ sở xây dựng tiêu chí thiết kế lễ phục cấp nhà nước. Tham luận của các đại biểu chủ yếu xoay quanh 8 vấn đề, từ vấn đề chung nhất về lịch sử lễ phục, lễ phục các nước trên thế giới, tới vấn đề cụ thể như yêu cầu văn hoá cần có trong lễ phục Nhà nước, lễ phục trong cuộc sống thường ngày, yêu cầu lựa chọn lễ phục hợp thời tiết tại nuớc ta...
Trong bản tham luận gửi hội thảo, nhà nghiên cứu - phê bình Nguyễn Quân đưa ra gợi ý cho một bộ lễ phục dành cho đàn ông, đàn bà theo ba hướng: Thứ nhất: Âu phục và truyền thống dân tộc: Nam mặc âu phục, tùy thời, tùy người mặc. Âu phục cải tiến thời lập quốc 1945 trở đi, các loại áo ngoài mà Chủ tịch đầu tiên là Hồ Chí Minh đã mặc cũng có thể là những gợi ý. Nữ mặc áo dài với các mẫu thiết kế theo lối các kiểu áo cắt thẳng hơn, ít bó hơn, chiết eo ít hơn. Có thể choàng thêm khăn hoặc áo khoác ra ngoài đơn giản có tính biểu tượng, sang trọng. Thứ hai: Dân tộc hoàn toàn: Nam mặc áo lương, áo the hai lớp, có khăn đóng hoặc không khăn. Các loại áo ngắn hoặc lửng mặc ngoài của các dân tộc như Kinh, Tày, Thái, Chăm... cũng nên được tham khảo. Không nên mặc theo lối quần áo cung đình xưa, không nên nhái kiểu quần áo lễ hội ở làng, không nên theo phục trang sân khấu; Nữ mặc áo dài dân tộc truyền thống. Thứ ba: Việt-Âu kết hợp...
Ông Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Các mẫu lễ phục nên dân chủ, giản dị, dễ mặc, bắt nguồn từ những thứ nhiều người thường mặc trong thế kỷ này là tốt nhất. Về chất liệu, cả ba hướng trên, đều chỉ nên dùng vải truyền thống của ta: The, nhiễu, lụa, gấm, nhung, đũi, lĩnh... Comple bằng đũi từng rất phổ biến, vừa đẹp, vừa đặc sắc, mà đơn giản. Các chất liệu này thường mỏng, nên các cụ ngày xưa thường dùng hai hay nhiều lớp khá độc đáo. Không nên có hoa văn hoặc rất hạn chế hoa văn. Nhất thiết không dùng hoa văn cung đình hay tôn giáo hoặc nhái nhại các môtíp cổ truyền...”.