LTS: Phản ánh câu chuyện thực tế tại nơi làm việc của mình, tác giả Thiên Ấn gửi đến độc giả bài viết về vấn đề cải cách hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Đến năm học này, tôi đã có 20 năm trong nghề dạy học và trải qua đến gần chục lần làm lại và bổ sung hồ sơ.
Tức là, cứ trung bình hai năm thì thì phải làm mới hoặc bổ sung một lần.
Bao nhiêu lần, các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp triển khai, hướng dẫn cho tất cả các cán bộ, công chức, viên chức làm lại toàn bộ hồ sơ, lí lịch cán bộ, công chức, viên chức theo mẫu mới của Bộ Nội vụ, của ngành.
Mỗi người phải viết hoàn thành tới hai bộ hồ sơ. Mỗi bộ hồ sơ có rất nhiều loại, gồm sơ yếu lí lịch tờ riêng, gồm lí lịch, quá trình công tác, thành phần gia đình tờ chung trong từng tập, rồi kèm theo nào là giấy khám sức khoẻ, nào là giấy khai sinh, nào là ảnh chụp 3 nhân 4, nhân 6, nào là các loại quyết định, văn bằng chứng chỉ từ hồi học phổ thông đến giờ.
Nếu ai không để ý hoặc không ghi chép lại thì chắc chắn khó mà nhớ nổi cả một trời, đủ thứ các loại giấy tờ trên.
Các thủ tục làm hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều vấn đề cần cải cách. (Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Tuoitre.vn) |
Tính về mặt thời gian ở mức độ trung bình, thì hai bộ hồ sơ ấy, ngồi ghi chép, bổ sung lại cũng mất trên 6 giờ, chưa kể thời giờ đi lục, tìm quy tập các loại giấy tờ văn bằng khác.
Chưa hết, phải mất cả buổi nữa, cho việc, đi đến bệnh viện, trung tâm y tế khám sức khoẻ, để có giấy khám sức khoẻ mới, tới tiệm, hiệu ảnh chụp ảnh, sang rửa ra thành 6-8 tấm theo yêu cầu, vì những thứ ấy, có mấy ai đã thủ sẵn ở nhà.
Ngoài tiêu tốn về thời gian, công sức còn tốn kém cả mặt tiền bạc nữa, mỗi bộ hồ sơ chi phí tối thiểu cũng không dưới mấy trăm ngàn đồng.
Đối tượng được cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn phải làm nhiều hơn nữa, thường từ 3 đến 4 bộ hồ sơ cho mỗi lần mà nội dung, các mục thì vẫn cơ bản giống vậy.
Mỗi khi cấp quản lí ở trên có "sáng kiến" thay đổi nọ kia về mẫu mã, các loại hồ sơ, giấy tờ là người lao động, cán bộ, công chức, viên chức cấp dưới phải tất tả lo làm, không làm không được.
Cán bộ quản lý giáo dục ngập đầu với làm hồ sơ, báo cáo... |
Ở địa phương của tôi, thẻ công chức, viên chức được làm mới, cách đây 5 năm, vẫn còn sử dụng tốt, nhưng mới đây cấp trên bảo phải thay đổi, làm mới cái khác.
Là lệnh của cấp trên, chúng tôi phải chấp hành, tất nhiên chẳng ai làm không cho, cán bộ, viên chức chúng tôi lại phải nộp phí và đi chụp hình.
Chúng tôi không hiểu sao, có những giấy tờ như giấy khai sinh, các quyết định bổ nhiệm, tăng lương, một số văn bằng khác, tôi đã nộp hoàn tất, đầy đủ từ bộ hồ sơ đầu tiên và các lần tiếp theo đó, thế mà trong lần làm lại hồ sơ gần đây, chúng tôi lại phải nộp nữa.
Chúng tôi có thắc mắc với người có trách nhiệm ở đơn vị thì được trả lời, đấy là yêu cầu của cấp sở, cấp phòng.
Chẳng lẽ, ở trên đó không có người, không có cách để lưu giữ các loại hồ sơ của cán bộ viên chức ư?
Chẳng lẽ, mỗi lần cần, mỗi lần tăng lương là cán bộ ấy lại phải nộp các loại giấy tờ hay sao? Thời nay là thời nào, mà vẫn còn lối làm ăn, cách quản lí nhiêu khê, yếu kém đến thế!
Về nội dung của các mục phải ghi trong bộ hồ sơ theo mẫu mới, theo chúng tôi: 2 mục ghi Sơ yếu lí lịch thành tờ riêng bị thừa, lãng phí vì ngay ở tờ đầu từng tập đã ghi đầy đủ, tương tự, y chang như vậy rồi.
Ai đang “đánh trống, thổi còi” tại Bộ Giáo dục? |
Lâu nay, chúng ta thường hay nói nhiều đến vấn đề cải cách hành chính, quản lý nhiều thứ bằng công nghệ thông tin, sử dụng các tiện ích của các phần mềm này nọ.
Trong đó, có giảm bớt hoặc loại bỏ những thủ tục, giấy tờ hồ sơ không cần thiết, để giảm nhiêu khê, phiền toái và công sức, thời gian, tiền bạc cho cá nhân, tập thể.
Nhưng thực tế thì vấn đề cải cách hành chính, mà cụ thể chuyện làm hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa có chuyển biến gì, cứ cồng kềnh, phức tạp, lãng phí như xưa. Thật đáng buồn quá.
Đồng ý rằng, trong quá trình công tác của cán bộ công chức có thể có xáo trộn, thay đổi, nên rất cần bổ sung những loại giấy tờ, văn bằng thiết yếu, cho phù hợp thực tế, hiện tại.
Song không chấp nhận kiểu thay đổi, bắt làm liên tục hoặc đã nộp rồi, người có trách nhiệm quản lí vứt bỏ mất đi lại bắt nộp lại.
Thiết nghĩ, thời đại ngày nay, công nghệ thông tin đã phát triển, cấp quản lí hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức ở mọi ngành, mọi cấp, mọi đơn vị rất nên quản lí trên sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Nó vừa tiện ích vừa hiệu quả. Và mỗi khi mỗi ra mẫu mới, làm mới thì cần cân nhắc, tính toán, nghiên cứu cho thật kĩ, thật khoa học, hợp lí, đừng bị “chuyện khác” chi phối… để tránh thừa, chỗ ghi không cần thiết, đặc biệt tránh tốn kém lãng phí công sức, thời gian, tiền bạc cho mọi người.
Âu đó, mới là hành động thiết thực góp phần vào công cuộc cải cách hành chính mà nước nhà đang trông đợi rất nhiều.