Con dấu bưu cục nói lên điều gì?
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai, Trung tâm nghiên cứu Văn học và Ngôn ngữ, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ đã nhận được thông báo của Học viện Khoa học xã hội, từng được mệnh danh là “Lò ấp tiến sĩ’ liên quan đến Kết luận nội dung tố cáo Tiến sĩ Trần Phương Nguyên xào sách vào ngày 22/01.
Thế nhưng, tiến sĩ Hồ Xuân Mai phân tích, căn cứ theo con dấu bưu điện và nội dung trả lời trong thông báo đã nổi lên các vấn đề quan tâm. Tiến sĩ Mai nói, con dấu bưu cục trên bì thư được đóng dấu ngày 26/12/2017 gửi thông báo trả lời nhưng trong thông báo lại được ký ngày 15/01/2018.
Bì thư trả lời Tiến sĩ Hồ Xuân Mai liên quan đến đơn tố cáo được đóng dấu ngày 26/12/2017 nhưng Thông báo Kết luận vụ việc được đề ngày 15/01/2018. (Ảnh: Đ.Q) |
Đây là một sự vô lý chưa từng có “tiền lệ” của ngành bưu cục và không thể xảy ra. Lẽ ra, nếu thông báo Kết luận nội dung tố cáo Tiến sĩ Trần Phương Nguyên xào sách được ký vào ngày 15/01/2018 thì con dấu bưu cục phải là vào ngày này hoặc trễ hơn vài ngày.
Không thể có “phép màu” nào khiến ngày trên bì thư lại sớm hơn thời gian ký thông báo Kết luận nội dung tố cáo.
Tính từ ngày theo con dấu bưu cục 26/12/2017, Học viện lại “diễn ra” các sự kiện liên quan đến việc kết luận nội dung tố cáo. Tức là, ngày 05/01/2018, Hội đồng thẩm định tiến hành họp thẩm định để đọc và nhận xét, góp ý thảo luận tại trụ sở chính của Học viện.
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai lập luận, tất cả các diễn biến trong thông báo Kết luận nội dung tố cáo đều theo trình tự thời gian thì chắc chắn đây không thể là “lỗi đánh máy nhầm” được nữa.
Tiến sĩ Mai thất vọng hơn khi nhận được sự trả lời của Học viện và cần phải làm rõ các nội dung. Thông báo Kết luận không có bảng đánh giá của từng cá nhân. Về nguyên tắc phải có bảng đánh giá của từng cá nhân nhận xét về Luận án của Tiến sĩ Trần Phương Nguyên như thế nào?
Bởi vì, 7 người nhận xét có thể khác nhau và tổng hợp, thống nhất mới có được bản kết luận.
Chép 8 trang là trích dẫn… “không chuyên nghiệp”!
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai đưa ra quan điểm, các thành viên trong Hội đồng có thể không có thời gian đọc và bằng chứng là câu cuối của trang 1 cho thấy rằng, các thành viên họp lại và bỏ phiếu để kết luận Tiến sĩ Trần Phương Nguyên có sao chép sách để làm Luận án hay không?
Hội đồng thẩm định xác định, Tiến sĩ Trần Phương Nguyên “trích dẫn không chuyên nghiệp” khiến mọi người có những suy đoán khác nhau. Người viết chép chỉ 8 trang (theo thông báo của Hội đồng) là chưa chuyên nghiệp, như vậy là phải chép nhiều hơn mới chuyên nghiệp?
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai (ảnh trên) tố cáo Tiến sĩ Trần Phương Nguyên (ảnh dưới) chép sách đồng nghiệp để làm luận án cùng các tài liệu có liên quan. (Ảnh: Đ.Q) |
Hoặc là, chép mà để cho người khác phát hiện là chưa chuyên nghiệp, nên ý của Hội đồng thẩm định là, chép nhưng phải “che đậy” thật kỹ và đừng để cho người khác phát hiện mới là chuyên nghiệp. Thông báo của Kết luận còn khẳng định có chép nhưng không đưa ra phương án xử lý, khắc phục.
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai đánh giá: “Tôi có cảm giác Hội đồng chỉ đọc một số trang đầu nên không phát hiện được chỗ “cắt xén” của Tiến sĩ Trần Phương Nguyên. Những đoạn dưới chép lên đoạn trên và cố tình xóa đi dấu vết thì không thể nói là vô tình được”.
Thông báo Kết luận của Học viện mang tính chất “đánh lừa dư luận” vì Hội đồng thẩm định không nêu ra những chỗ sao chép mà chỉ nói đến Luận án phù hợp mã ngành mã số. Mã ngành, mã số trong Luận án không liên quan đến việc sao chép sách để làm… luận án.
Tiến sĩ Mai nhấn mạnh: “Người bị tố cáo là bà Trần Phương Nguyên nhưng mục 2 của Thông báo Kết luận lại căn cứ vào giải trình của Tiến sĩ Nguyên để khẳng định không có đạo văn là một việc làm phi lý, thiếu khoa học, thiếu nghiêm túc và thiếu khách quan”.
“Về nguyên tắc khi xác minh, thẩm định một nội dung tố cáo (ở đây là đạo văn) thì Hội đồng phải đối chiếu giữa những đoạn được cho là chép với những tài liệu liên quan. Nhưng Thông báo Kết luận lại không cho thấy có thao tác này”, Tiến sĩ Mai khẳng định.