Tiến sĩ chép sách làm Luận án chẳng qua “chưa chuyên nghiệp” trong trích dẫn

24/01/2018 06:34
Đan Quỳnh
(GDVN) - Học viện khoa học xã hội đã có kết luận liên quan đến vụ tố cáo đạo văn trong công trình Luận án tiến sĩ của Tiến sĩ Trần Phương Nguyên.

Ngày 22/01, Tiến sĩ Hồ Xuân Mai, Trung tâm nghiên cứu Văn học và Ngôn ngữ học, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ đã nhận được thông báo của Học viện Khoa học xã hội về việc Kết luận nội dung tố cáo đối với Tiến sĩ Trần Phương Nguyên.

Thông báo có nội dung, ngày 01/11/2017, Học viện Khoa học xã hội đã nhận được Đơn tố cáo của ông Hồ Xuân Mai về việc Tiến sĩ Trần Phương Nguyên đạo văn trong công trình Luận án tiến sĩ “Cảnh huống ngôn ngữ ở cộng đồng Chăm tại Thành phố Hồ Chí Minh” được bảo vệ tại Học viện năm 2014.

Tiến sĩ Hồ Xuân Mai (ảnh trên) tố cáo Tiến sĩ Trần Phương Nguyên (ảnh dưới) sao chép sách đồng nghiệp làm Luận án tiến sĩ. (Ảnh: Đ.Q)
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai (ảnh trên) tố cáo Tiến sĩ Trần Phương Nguyên (ảnh dưới) sao chép sách đồng nghiệp làm Luận án tiến sĩ. (Ảnh: Đ.Q)

Ngày 07/12/2017, Hội đồng thẩm định xem xét nội dung tố cáo đối với Luận án của Tiến sĩ Trần Phương Nguyên được thành lập.

Ngày 05/01/2018, tại trụ sở chính của Học viện, Hội đồng thẩm định đã tiến hành họp thẩm định. Các thành viên Hội đồng đọc nhận xét và góp ý thảo luận.

Hội đồng thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu thông qua các kết luận về nội dung tố cáo đối với Luận án tiến sĩ của Tiến sĩ Trần Phương Nguyên, kết quả 7/7 phiếu tán thành.

Sao chép làm luận án tiến sĩ lỗi là do… kỹ thuật trích dẫn

Hội đồng đã thông qua Nghị quyết của Hội đồng thẩm định với 5 kết luận và 4 đánh giá chung. Trong đó, Hội đồng cũng đã xác định: “Luận án chưa chuyên nghiệp trong các trính dẫn từ trang 17 đến trang 24 (tức: 8 trang) trong luận án”.

Căn cứ vào nội dung có trong hồ sơ tố cáo, Giám đốc Học viện khoa học xã hội có kết luận chung là, không có việc đạo văn trong công trình Luận án tiến sĩ của Tiến sĩ Trần Phương Nguyên được bảo vệ tại Học viện Khoa học xã hội năm 2014. 

Hội đồng đã thông qua Nghị quyết của Hội đồng thẩm định với những kết luận sau đây:

- Luận án có những đóng góp mới trong nghiên cứu về cảnh huống ngôn ngữ ở cộng đồng Chăm tại Thành phố Hồ Chí Minh ở các diện: lượng, chất, thái độ ngôn ngữ.

- Luận án xây dựng được cơ sở khoa học vững chắc làm tiền đề cho việc triển khai đề tài.

- Luận án có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

- Luận án chưa chuyên nghiệp trong các trính dẫn từ trang 17 đến trang 24 trong luận án.

- Luận án đáp ứng tốt các yêu cầu của luận án tiến sĩ.

- Đánh giá chung:

+ Đề tài luận án đúng mã số chuyên ngành.

+ Luận án có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

+ Luận án không có hiện tượng đạo văn.

+ Thống nhất với kết quả đánh giá của Hội đồng đánh giá luận án cấp Học viện. 

Đan Quỳnh