Mới đây, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, trong đó phản ứng phản ứng về "Khoản 4 Điều 34 trong Dự thảo Luật An ninh mạng" yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam.
Trong văn bản góp ý, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, điều kiện này hiện trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Nếu quy định này là bắt buộc thì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ khổng lồ tại Việt Nam mới có thể được kinh doanh.
Người dùng mạng xã hội có thật sự đáng lo khi Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam được thông qua. (Ảnh minh hoa internet chưa rõ nguồn) |
Chứng minh cho góp ý này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trích dẫn quy định quy định tại Khoản 4 Điều 34 của Dự thảo Luật An ninh mạng: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam; có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…”.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng nếu dự thảo được thông qua, viễn cảnh về việc Google, Facebook, những ông lớn về internet sẽ rút khỏi Việt Nam.
Đây cũng là lo ngại của không ít người dùng Việt khi số lượng người dùng mạng xã hội, internet tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về câu chuyện quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng, Tiến sĩ-luật sư Vũ Văn Tính - Giám đốc Công Ty Luật Trách nhiệm Hữu hạn LT& Cộng sự cho rằng lo ngại như vậy là quá thừa.
Ông Tính đặt ra vấn đề: Trên thực tế, tới thời điểm này, Google và Facebook cũng đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam đâu mà “rút”?
Và chưa cần mở văn phòng đại diện, mà họ đã hoạt động “rần rần” bởi loại dịch vụ họ cung cấp là xuyên biên giới trên nền Internet. Do đó, nói họ sẽ rút khỏi Việt Nam là rất thừa.
Bên cạnh đó, nói về Khoản 4 Điều 34 của Dự thảo Luật An ninh mạng mà Phòng thương Mại và Công nghiệp Việt Nam đề cập, với tư cách là tiến sĩ nghiên cứu tại Pháp, ông Tính cho rằng điều luật này là rất cần thiết để hoạt động trên mạng xã hội được đúng hướng hơn.
Theo ông Tính: “Việc an toàn thông tin, an ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu, do đó điều luật này là hoàn toàn phù hợp trong tình hình phát triển.
Không thể nói mạng xã hội là thế giới thích làm gì thì làm được.
Việc Facebook và Google hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam là hoàn toàn chính xác.
"Nếu việc dùng mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát, rất dễ biến thành công cụ lợi dụng bôi nhọ người khác.
Những thông tin bịa đặt, lừa đảo, văn hóa phẩm đồi trụy tràn lan đầy trên các mạng xã hội như vậy không thể không kiểm soát được”, ông Tính nói.
Vị luật sư này khẳng định: “Các nước phương Tây đã áp dụng những biện pháp như vậy đối với các mạng xã hội lâu rồi. Việt Nam mới áp dụng như vậy là muộn so với họ.
Trước kia, Đức đã từng phạt facebook vì vi phạm pháp luật của họ hay Google đã phải nộp phạt mức trần vì vi phạm luật pháp nước này".
Tiến sĩ, luật sư Vũ Văn Tính (Ảnh NVCC) |
Sau những sự việc như vậy, các ông lớn này buộc phải điều chỉnh để phù hợp với luật pháp nước sở tại. Không thể nói vì họ quá lớn mà họ rút khỏi Việt Nam là chúng ta phải chỉnh luật phù hợp với họ được.
Bên cạnh đó, ông Tính cho rằng việc nếu những ông lớn này kinh doanh cung cấp nền tảng tại Việt Nam thì việc bắt họ phải đặt máy chủ ở Việt Nam là cần thiết vì nếu họ vi phạm pháp luật Việt Nam thì mới có thể điều chỉnh được.
“Họ đặt máy chủ tại Mỹ mà vi phạm pháp luật Việt Nam thì ta điều chỉnh thế nào?”, ông Tính đặt câu hỏi.
Theo khảo sát của Công ty Vinalink, năm 2015, Facebook dẫn đầu về doanh thu quảng cáo trực tuyến tại thị trường Việt Nam với 3.000 tỉ đồng, Google thu 2.200 tỉ đồng; phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp Việt với khoảng 1.900 tỉ đồng nhưng trong đó có những doanh nghiệp có vốn FDI, hoặc 100% vốn FDI.
Với “chiếc bánh” họ luôn chiếm tỉ lệ từ trên 70% đến trên 80% doanh thu, mà không phải đầu tư mất gì nhiều, cũng như không phải thực hiện nghĩa vụ thuế (trừ thuế nhà thầu 10% do các đại lí đóng thay), thì liệu Google hay Facebook có dễ dàng từ bỏ “phần bánh” béo bở của mình?