Những ngày qua dư luận trong cả nước đang bàn tán xôn xao về thông tin Trung Quốc phát hiện ra 7 loại hạt hướng dương đã qua chế biến có chứa chất phèn nhôm và bột talc. Hai chất này hiện không có trong danh mục tiêu chuẩn quốc gia phải kiểm tra đối với các loại hạt của Trung Quốc.
Phèn nhôm có tác dụng giữ cho hạt hướng dương giòn và vị thơm ngon lâu hơn. Phèn nhôm khi vào đi vào trong cơ thể rất khó bị đào thải ra ngoài, nó gây tổn hại cho não, các tế bào thần kinh khiến trí nhớ suy giả. Bột talc làm cho hạt hướng dương nhẵn bóng, bắt mắt có tác dụng “làm hàng” để thu hút người tiêu dùng. Trong khi đó loại bột này có chứa chất gây ung thư.
Những ai hay “nhằn” hạt hướng dương.
Trong thực tế hạt hướng dương là một món ăn vặt rất phổ biến ở nước ta. Hướng dương có mặt ở tất cả mọi nơi trên cả nước, từ những quán cà phê sang trọng cho đến những quán trà đá vỉa hè, siêu thị hay cửa hàng tạp hóa đâu đâu cũng thấy sự xuất hiện của hạt hướng dương. Trong những ngày tết, nhất là ở nông thôn thì nhà nhà, người người đều “nhằn” hạt hướng dương với một mục đích duy nhất là vui xuân. Còn trong cuộc sống hàng ngày những khách hàng tiêu thụ sản phẩm này nhiều nhất chủ yếu là giới trẻ, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên, công chức Nhà nước.
Trà đá, trà chanh vỉa hè và 1 vài đĩa hướng dương, từ lâu đã trở thành "mốt" của nhiều bạn trẻ trong những buổi gặp nhau tán gẫu. |
Có mặt tại một quán nước vỉa hè ngay trước cổng trường ĐHNN (ĐHQG HN), hàng chục bộ bàn nghế nhựa được bày ra trên một khoảng vỉa hè rộng lớn. Những bạn sinh viên ra vào tấp nập từng nhóm, và đương nhiên món đồ uống sở trường mà họ hay gọi đó là trà đá, hay nhân trần đá (mùa đông thì trà nóng và nhân trần nóng), kèm theo đó là một, thậm chí là đôi ba đĩa hạt hướng dương trong một “tuần” nước. Họ coi đó là một thứ “thức ăn” để “nhấm nháp” cho vui mồm, vui miệng.
Trần Thị Thanh Phương, sinh viên năm thứ 3 khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ: “Một ngày, mà không phải tính là một buổi học bọn em gần như phải tạt vào quán trà đá đôi lần, lúc nghỉ nửa ca và khi tan học về, nhất lại là buổi chiều mùa hè, ngồi uống cốc nước trà đá, kèm thêm mấy cái kẹo lạc và không thể thiếu đôi ba đĩa hạt hướng dương, rồi cùng nhau chém gió (nói chuyện trên trời dưới đất PV) thật là vui”.
Khi được phóng viên hỏi: Có biết là mấy ngày gần đây có thông tin Trung Quốc phát hiện 7 loại hạt hướng dương có chứa chất phèn nhôm và bột talc không? Cô sinh viên trẻ tuổi mỉm cười rồi trả lời: “Có chứ ạ! Em cũng mới biết thông tin này qua báo chí, mấy ngày hôm nay em không dám cắn hạt hướng dương nữa, mặc dù cứ ngồi quán trà đá là thấy buồn miệng. Nhưng nếu thông tin đó mà có thật thì ôi trời…!!! Ba năm nay em cắn không biết bao nhiêu rồi! Đúng là cũng nguy hiểm thật đấy. Sao bây giờ cái gì người ta cũng phát hiện ra trong đó có chất này hay chất kia gây ung thư nhỉ?”.
Nhiều bạn tỏ ra lo lắng khi biết thông tin ở Trung Quốc chứa chất phèn nhôm và bột talc. |
Trong khi đó Lê Hoàng Nam, một học sinh cấp ba trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết mình cũng là một trong số những bạn trẻ “nghiền” những hạt hướng dương đó. Nhiều khi Nam và một số bạn trong giờ ra chơi còn tranh thủ xuống căng tin của trường làm đôi cốc nước và vài gói hạt hướng dương, nhiều lúc cắn chưa xong mà đến giờ vào lớp lại chia nhau mỗi người một ít rồi vào lớp “nhằn” cho đỡ buồn ngủ.
Chị Nguyễn Thị Mai, người có một quán nước ngay trước cổng ra vào của bến xe Mỹ Đình cho biết: “Nguyên cái chuyện đến cuối ngày khi dọn đồ để về nhà chị đã phải bỏ ra một khoảng thời gian không để quét vỏ hạt hướng dương do những vị khách cắn chắt bỏ lại. Vài ba ngày chị lai lấy một bịch hướng dương vào khoảng một yến rồi về chia nhỏ ra từng gói để bán, trong khoảng 10 vị khách vào uống nước thì phải có đến 7 vị lấy hạt hướng dương để cắn cho đỡ buồn trong thời gian đợi xe”. Trong khi đó trên khắp đất nước ta có biết bao nhiêu quán trà đá, quán nước giải khát ven đường.
Một số người không có thói quen “nhằn” hạt hướng dương lúc nghỉ nghơi trà đá thì luôn có quan điểm “cắn cái hạt đó làm gì cho rát miệng, có được lợi ích bổ béo gì đâu, chỉ có tổ bày rác ra thôi, có khi còn mang bệnh vào người”.
La Phù nơi tập kết hạt hướng dương lớn nhất miền bắc.
Xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những địa điểm tập kết một khối lượng hạt hướng dương nhập khẩu thuộc vào dạng lớn nhất của miền Bắc. Từ đây, các loại hàng hóa cũng như là hạt hướng dương theo các ô tô tải đi về mọi miền trong Tổ quốc.
Đến La Phù trong những ngày trước và sau Tết, một số lượng hàng rất lớn vẫn tấp nập chuyển đến rồi chuyển đi. Mặc dù thời điểm tiêu thụ loại mặt hàng này chạy nhất đã đi qua, đó chính là Tết Nguyên đán. Nhưng không vì thế mà những ô tô tải hàng chục tấn vận chuyển hạt hướng dương thôi không làm việc.
La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) là địa điểm tập kết của các loại hướng dương. |
Chị Lê Thị Đào một trong những người chủ buôn bán cho biết: “Thời điểm trước Tết Nguyên đán, gia đình nhà chị mỗi ngày nhập về hàng chục tấn hạt hướng dương từ Trung Quốc, cả chế biến rồi và chưa qua chế biến sau đó bán lại cho các con buôn nhỏ lẻ mang đi khắp các thị trường trong nước, còn bây giờ tuy lượng hàng nhập về ít hơn nhưng sức tiêu thụ vẫn mạnh lắm, không chỉ ngày tết mà ngày thường vẫn bán được. Trong khi đó thời điểm này hàng loạt các lễ hội diễn ra trên cả nước”.
Khi được hỏi về thông tin tại Trung Quốc phát hiện ra một số loại hạt hướng dương đã qua chế biến có chứa chất phèn nhôm và bột talc, chị Đào cho nói : “Thông tin đó thì cũng có biết đấy, mấy ngày nay cũng thấy đài báo nói nhiều, nên việc nhập hàng đang hạn chế”. Chị tỏ rõsự lo lắng trên khuôn mặt.