Đàn ông hát ru hay hơn phụ nữ
Làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) hay còn gọi là làng đàn ông hát ru là một trong bát danh hương của Quảng Bình, có lịch sử hình thành gần 400 năm nay.
Theo các bậc cao niên trong làng, hát ru ở Cảnh Dương có từ thời mới thành lập làng, ông bà tổ tiên ở cả trên bờ và lênh đênh trên sông nước nên lời ru phụ họa cho lời ở dưới nước.
Người Cảnh Dương có giọng nói khác với những làng khác ở Quảng Bình, giọng nói của họ gần giống như người miền Bắc.
Nghệ sỹ ưu tú Phạm Ngọc Thức (80 tuổi), người đàn ông hát ru hay nhất làng hiện nay cho biết, hát ru của Cảnh Dương không giống như các vùng khác, bởi lời hát ru của họ thường mở đầu bằng “Hò ơi...”, hay “À ơi...”, còn của Cảnh Dương lại hát bằng điệu “Bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò hè”.
Nghệ sĩ ưu tú Phạm Ngọc Thức, người đàn ông hát ru hay nhất làng Cảnh Dương hiện nay (Ảnh: Thủy Phan) |
Hát ru ở Cảnh Dương không chỉ phụ nữ hát, mà cả đàn ông cũng hát, thậm chí đàn ông hát hay hơn cả phụ nữ. Những ngày không phải đi biển, người chồng thường sẽ ru con thay vợ.
Cụ Thức lý giải, trước đây cuộc sống nơi làng chài này rất khó khăn, hầu như nhà nào cũng chung cảnh vợ ở nhà, chồng đi biển. Người cha đi biển lâu ngày về sẽ trông con, hát ru con để mẹ mang cá ra chợ bán.
Hát ru ở Cảnh Dương không chỉ mỗi ru con, mà họ còn hát ru trước biển cả bao la. Lời ru của người đàn ông Cảnh Dương tuy rất đơn giản nhưng hết sức thâm thúy, nói lên thân phận, nói về cuộc sống lao động khổ cực trên biển của mình.
Họ hát để quên đi cực nhọc, quên đi bao khó khăn vất vả mà hàng ngày họ phải gánh chịu. Bởi vậy, cụ Thức nói rằng, lời ru của đàn ông Cảnh Dương đôi khi là những lời trách móc, những lời ru mà nhiều khi nghe khiến người ta buồn đến da diết.
Nói xong, cụ liền hát: “Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôồng bôồng/Ra đi thì khổ mình ta/Ở nhà thì đói cả bà liền con/Ra đi thì sợ lỗ mồi/Ở nhà thì lại đứng ngồi không yên/bôồng bôổng bôồng bôồng...”.
Mỗi lời ru, một ý nghĩa
Hát ru ở làng biển Cảnh Dương không chỉ là bà ru cháu, mẹ ru con mà còn là ông ru cháu, cha ru con, anh ru em, bạn bè ru nhau hay mỗi người tự ru mình trước biển. Mỗi khi ông ngồi bên cháu, chị ngồi bên em, cha ngồi bên con thì họ sẽ lại hát ru với điệu bôồng bôổng bôồng bôồng.
“Bố mẹ phải đi làm, những đứa trẻ ở đây mới 5-6 tuổi đã phải hát ru em. Ru em cho théc cho muồi/Để mẹ đi chợ mua thuồi luồi em ăn”.
Theo cụ Thức, thuồi luồi là một loại quả có vị vừa ngọt vừa chua mà trẻ con rất thích. Vì vậy, người anh, người chị ru em thường hay nhắc tới loại quả này thì những đứa trẻ sẽ nhanh đi vào giấc ngủ.
Những ngày ra khơi đánh bắt, những người đàn ông Cảnh Dương lại tự ru mình trước biển trời bao la rộng lớn.
“Một mình anh chống liền trèo/ Lấy ai tát nước sang lèo cho anh/ Lấy anh thấy đói đừng lo/ Lấy anh tát nước miệng hò kéo neo/ bôồng bôổng bôồng bôồng...”.
Những người đàn ông Cảnh Dương khi đi biển đều hát những lời ru về công việc của mình trước biển (Ảnh: Thủy Phan) |
Cụm từ bôồng bôổng bôồng bôồng như nhịp vỗ vào lưng hay vào mông đứa trẻ để chúng đi vào giấc ngủ. Đây cũng là kiểu lắc lư theo sóng khi người dân làng chài ngồi trên mạn thuyền.
Trong mỗi lời ru, khi ồn ào như sóng biển xô vào bờ, khi lại du dương lắng đọng đến buồn da diết bởi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân khi lênh đênh trên biển.
Hát ru của Cảnh Dương xuất phát từ cuộc sống mưu sinh nên hầu như mọi việc trong cuộc sống đều được họ hát lên bằng những lời ru. Từ mối quan hệ làng xóm, gia đình, anh em, vợ chồng, tình yêu trai gái hay kinh nghiệm đánh bắt… đều hiện hữu trong mỗi lời hát ru.
Cái hay cái dở gì họ cũng hát, hoặc có điều gì giữa người với người mà làm họ không hài lòng nhau thì họ cũng hát lên bằng lời ru. Đó có lẽ là nét độc đáo nhất của lời ru ở làng biển Cảnh Dương mà không nơi nào có được.
Bây giờ, cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn, không còn khó khăn vất vả như trước nữa. Vì vậy, lời ru bây giờ cũng không còn bi ai, không còn mang nhiều nỗi niềm khổ cực như trước.
Tuy nhiên, những người đàn ông khi đi biển vẫn hát những lời ru mới, lời ru khác ngày trước những vẫn là những lời hát về thân phận, về công việc của họ khi lênh đênh giữa biển khơi.