Chiều ngày 3/4, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã gửi lời xin lỗi đến người dân cả nước về phát ngôn “Đa số thực phẩm là an toàn mà người dân không biết” trước đó của ông tại Quốc hội.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khi phát biểu đã diễn đạt không hết ý nên đã gây ra sự hiểu lầm khiến người dân bức xúc.
Phát biểu của Bộ trưởng Cao Đức Phát sau khi ông viện dẫn 6.000 mẫu được lấy để kiểm nghiệm trong 5 tháng. Lập tức dư luận cũng như truyền thông đều bày tỏ sự hoài nghi và không tin - dù con số mà Bộ trưởng đưa ra cụ thể.
Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi người dân vì phát ngôn gây hiểu lầm. Ảnh: Lao động. |
Bởi con số cụ thể nhưng vẫn mang tính ước lệ. Ví như, 6.000 mẫu lấy ở những địa phương nào. Con số ấy không thể đại diện cho nhận định là “đa số” được.
Phản ứng của dư luận là điều dễ hiểu, vì hàng ngày truyền thông trong nước vẫn đưa tin địa phương này phát hiện, phạt chủ cơ sở heo, thức ăn có chất tạo nạc, nơi kia nông dân trồng luống rau để ăn và luống rau để bán.
Chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi thị sát nơi trồng rau ở Hà Nội và đã thấy “sức sống” của hai luống rau đó hoàn toàn khác nhau, bên thì còi cọc để ăn, nhưng an toàn, bên xanh nướt, nhưng không an toàn, để bán.
Chưa kể đến lượng thuốc bảo vệ tồn dư vượt mức trên củ quả mà còn tính đến nguồn nước bẩn mà người nông dân dùng để tưới rau. Báo chí đưa hình ảnh, người dân lấy nước thải từ cống ngầm để tưới rau. Rửa rau cũng bằng nước cống.
Bộ trưởng khẳng định "đa số thực phẩm an toàn", sao dân vẫn hoài nghi?(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời trước Quốc hội rằng, đa phần thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết. |
Hoa quả thì bị ép chín bằng hóa chất, đến nén hương cũng tẩm hóa chất thì còn thứ gì không dính đến… hóa chất độc hại?
Nói ra lời xin lỗi nhân dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, vì thời gian ở diễn đàn Quốc hội ít quá, nên không diễn đạt rõ ràng để người dân hiểu rõ ý mình.
Bộ trưởng muốn nói, có thực phẩm an toàn và không an toàn, người dân không có thông tin hay không phân biệt được.
Bộ trưởng thấy băn khoăn và ăn năn với lời phát biểu của mình.
Về chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát “cam kết từ nay đến cuối năm cơ bản không còn kháng sinh trong chăn nuôi, thực phẩm…”.
Về an toàn thực phẩm, đổ hết “tội” lên đầu Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn quả là cũng có phần... oan ức. Một người dân ở Thái Bình kể rằng, ông hoàn toàn tuân thủ quy định dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng khi kiểm tra lấy mẫu thì vẫn phát hiện là dư lượng quá phép.
Chính người nông dân “đầy trách nhiệm” đó đã tìm ra nguyên nhân, vỏ thuốc thì có nguồn gốc, có liều lượng, nhưng ruột nó đã được thêm thắt hóa chất, thêm chất kích thích, tăng trưởng.
Thịt thối, nội tạng hư hỏng… trách nhiệm này lại không thuộc của Bộ trưởng Phát và lại thuộc ngành Công Thương.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện đã xây dựng được hơn 500 cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn. Mừng quá, song tra Google để tìm các chuỗi cửa hàng an toàn ấy mà không thấy địa chỉ cụ thể mà chỉ là con số.
Được biết chuỗi cửa hàng an toàn ấy chủ yếu trong siêu thị, mà đâu phải người tiêu dùng số đông đi chợ từ siêu thị. Người dân cần những chuỗi cửa hàng an toàn đó có mặt ở chợ truyền thống để tiện cho việc mua bán.
Thưa Bộ trưởng Phát, thực phẩm an toàn hiện chỉ đáp ứng được cho người có thu nhập cao, một mớ rau hữu cơ bán trong cửa hàng có treo biển rau sạch giá tới 12.000 đồng không đủ cho một bữa ăn ba người, một mớ rau cần giá tới 35.000 đồng… làm sao người lao động dám với tới rau sạch, rau an toàn?
Chưa kể đến chuyện rau an toàn ở siêu thị nhưng lại là rau trồng “đại trà” gắn mác an toàn.
Dân không đồng tình với cách xử phạt cơ sở chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc, theo kiểu phạt tiền, cho tồn tại để theo dõi đến khi kiểm tra không còn chất tồn dư chất cấm mới được bán. Sao lại cho tồn tại mà không tiêu hủy?
Nếu vẫn còn phạt cho tồn tại thì lòng tham còn làm lóa mắt nhiều người.
Thực phẩm an toàn với người dân là điều mà toàn dân đang chờ đợi, thưa Bộ trưởng Phát.