Chất cấm không có tội, tội là do quản không chặt

29/03/2016 07:30
Việt Hoài
(GDVN) - Chất Salbutamonl hoàn toàn không có tội với người dân. Nó trở thành kẻ sát thủ giết người thầm lặng là do quản không chặt.

Ba Bộ được Chính phủ giao lo bữa ăn an toàn cho người dân, đến nay vẫn loay hoay đùn đẩy trách nhiệm.

Cục Quản lý Dược phải chịu trách nhiệm trong việc cho nhập chất cấm nhiều nhưng sử dụng đúng mục đích quá ít.

Không phải đến thời điểm này, người dân cũng như quan chức mới nhận thấy chất salbutamonl - tạo nạc - trong thực phẩm (chất cấm) là sát thủ thầm lặng với con người. 

Ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng tại sao chất cấm ấy đã bị Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn cấm sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002, nhưng các cơ sở chăn nuôi vẫn dễ dàng mua chất cấm? Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có nguồn để mua?

Chất cấm trong chăn nuôi gây ung thư mà các công ty thức ăn chăn nuôi sử dụng chủ yếu là chất tạo nạc, chất vàng ô. Ảnh minh họa.
Chất cấm trong chăn nuôi gây ung thư mà các công ty thức ăn chăn nuôi sử dụng chủ yếu là chất tạo nạc, chất vàng ô. Ảnh minh họa.

Tuyệt nhiên mười mấy năm qua không có câu trả lời từ các cơ quan có trách nhiệm, vì sao salbutamonl lại dễ dàng mua như vậy?

Trong khi ở nước mình có tới ba Bộ lo bữa cơm an toàn cho người dân: Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn.

Người dân thì “tặc lưỡi” vì không thể nhận biết được thịt có chất tạo nạc hay không, còn cơ quan chức năng thì không lo chặn ‘đầu vào” mà chỉ làm được việc là, đi “tóm” những cơ sở chăn nuôi, “tóm” mấy anh “trung gian” bán chất cấm rồi phạt, thu hồi.

Chất cấm không có tội, tội là do quản không chặt ảnh 2

Toàn bộ hệ thống phải vào cuộc giải quyết dứt điểm chất cấm trong năm 2016

(GDVN) - Nói rõ về việc kế hoạch giải quyết dứt điểm chất cấm trong năm 2016 của Bộ NN&PTNT, ông Việt nhấn mạnh: “Toàn bộ hệ thống phải vào cuộc...".

Chất cấm không có tội, tội là do quản không chặt ảnh 3

Các Bộ phối hợp chặt chẽ, sao dân vẫn phải ăn đồ bẩn?

(GDVN) - Ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã đặt thẳng câu hỏi này trong buổi họp Chính phủ sáng nay (26/3).

Salbutamonl nhập vào Việt Nam bằng con đường nào… vẫn nằm trong vòng bí ẩn.

Cho đến hôm nay thì đường đi vào Việt Nam của salbutamonl mới "lộ" nguyên hình. Nơi cấp phép chính là Cục Dược thuộc Bộ Y tế.

Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn dẫn thông tin từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường: Trong năm 2015 có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamonl, khoảng 3 tấn còn đang lưu giữ trong kho cùa các doanh nghiệp. Trong 6 tấn bán ra thị trường thì chỉ có 10kg được dùng đúng quy định trong ngành dược.

Quả bóng trách nhiệm đã được “sút vào gôn” Bộ Y tế. Khi bị quy đến trách nhiệm, lập tức Bộ này khai ngay ra Cục quản lý Dược - đơn vị cấp phép cho nhập khẩu salbutamonl.

Trả lời của ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chẳng khác gì “thêm dầu vào lửa”: Số lượng nhập khẩu (Salbutamonl) trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp sản xuất thuốc, nhập nguyên liệu làm thuốc, với mục tiêu đảm báo tính lính hoạt và chủ động trong sản xuất, phục vụ nhu cầu chữa bệnh”. 

Cục Quản lý Dược quả là quá quan liêu khi cho phép các doanh nghiệp sản xuất thuốc nhập Salbutamonl với số lượng lớn (trong 2 năm nhập 9.081 tấn), trong khi không nắm thực tế các doanh nghiệp sản xuất thuốc cần bao nhiêu. 
Để rồi mới kiểm tra 6/10 doanh được phép nhập Salbutamonl thì phát hiện 4 doanh nghiệp đã bán chất cấm này cho các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định.

Cục Quản lý Dược vẫn im lặng trước thông tin Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông (số 7 ngõ 39/1 Pháo đài Láng, Hà Nội) đã nhập Salbutamonl nhiều hơn 200 kg so với số lượng trên số lượng đã được Cục Quản lý Dược duyệt.

Còn hơn 20 doanh nghiệp đã được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập Salbutamonl, Cục có quản lý được họ dùng cho sản xuất thuốc bao nhiêu? Bao nhiêu đẩy ra thị trường, khi giá nhập chỉ là 1,5 triệu đồng/kg nhưng bán ra mà các cơ sở chăn nuôi đã mua với giá là 15 triệu đồng/kg?

Xin được hỏi lãnh đạo Cục Quản lý Dược, năm 2015 Cục cho phép nhập 5.215 kg Salbutamonl đã dùng bao nhiêu cho việc sản xuất thuốc? Cục mới chỉ lên tiếng phân bua số lượng hơn 9 tấn salbutamonl là nhập trong 2 năm chứ không phải 1 năm. 

Chắc hẳn Cục cũng chẳng nắm được số lượng Salbutamonl đã dùng sản xuất thuốc nên mới không dám công bố số Salbutamonl đã được dùng đúng mục đích? Nếu không phải là 10 kg thì là bao nhiêu?

Một 1 kg salbutamonl được trộn với 1 tấn cám, nếu hòa loãng trong 20 lít nước chỉ cần 1 thìa cà phê. Heo (lợn) ăn chất cấm được nửa tháng là phải bán ngay, nếu không lợn khuỵu chân vì chất Salbutamonl làm cho xương giòn. Như vậy, người tiêu dùng đã phải ăn thực phẩm còn tồn dư chất cấm tỷ lệ rất cao.

Nước đến chân mới nhảy, phải đến ngày 20/11/2015 Cục Quản lý Dược mới có văn bản thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, Sở Y tế, Tổng cục Hải quan tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamonl.

Bộ Y tế bảo cần nhập Salbutamonl để bào chế thuốc chữa bệnh, không sai. Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn cấm sử dụng Salbutamonl trong chăn nuôi, không sai. Bộ Y tế thì bảo không biết thông tư cấm Salbutamonl của Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn và cũng không được tham khảo ý kiến để… biết, cùng phối hợp.

Quả bóng trách nhiệm cứ Bộ này đá qua Bộ khác, chỉ có người dân là lãnh đủ tác hại của chất tạo nạc.

Chất Salbutamonl hoàn toàn không có tội với người dân. Nó trở thành kẻ sát thủ giết người thầm lặng là do quản không chặt.

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh phát biểu: “Đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”. Cả xã hội bắt đầu với chiến dịch “Nói không với thực phẩm bẩn”, “Phản đối thực phẩm độc hại” thì Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến thanh minh “Ung thư đâu phải chỉ do an toàn thực phẩm”.

Xin thưa, Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đánh giá ung thư đại, trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 2 trên thế giới, sau ung thư phổi.

Ung thư đại, trực tràng liên quan nhiều đến ăn uống. Các bác sĩ đã kết luận như vậy, chứ không phải người dân.

Người dân nước mình cứ ước ao, “thực phẩm ăn vào miệng” phải được kiểm tra đầu ra chặt chẽ, gắt gao như các nước phương Tây. Lãnh đạo các Bộ hẳn đã từng công du nước ngoài, quá hiểu quy trình thực phẩm từ nơi sản xuất, chế biến đến tay người tiêu dùng, sao nước mình lại không làm được như vậy?

Cái thiếu ở đây thấy rõ từ văn bản pháp quy đến con người - nhất là vai trò của các tư lệnh ngành.








 

Việt Hoài