Lừa đảo chuyển tiền "con đang cấp cứu": Lộ lọt thông tin cá nhân từ đâu?

18/03/2023 07:22
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các chuyên gia đã có những phân tích về nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân, khiến kẻ xấu lợi dụng để dựng màn kịch "con đang cấp cứu".

Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ lừa đảo với chiêu trò gọi điện tới phụ huynh thông báo "con đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp" xảy ra tại một số địa phương. Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản cảnh báo hình thức lừa đảo trên để người dân cảnh giác.

Qua những vụ việc lừa đảo vừa qua, dư luận cũng đặt câu hỏi về nguồn lộ lọt thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh, khiến những kẻ lừa đảo lợi dụng để dàn dựng màn kịch "con bị tai nạn, cần chuyển tiền gấp".

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Lê Mỹ Quỳnh - chuyên gia nghiên cứu lỗ hổng bảo mật tại công ty Ensign InfoSecurity, Singapore cho hay, thông tin cá nhân hiện nay có thể bị lộ lọt qua nhiều nguồn.

Đặc biệt, thông tin về phụ huynh học sinh có thể lộ do các cơ sở đào tạo chưa quản lý chặt việc bảo mật thông tin, cũng có thể do từng cá nhân thường xuyên chia sẻ các thông tin quan trọng lên các nền tảng xã hội.

Về mặt khách quan, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hiện nay việc lộ lọt thông tin cá nhân rất khó tránh do nhiều yếu tố.

"Tuy nhiên để giảm thiểu, phụ huynh cần chú ý không nên đăng tải các thông tin quan trọng lên mạng, không cung cấp các dữ liệu quan trọng như căn cước công dân, thẻ ngân hàng cho các dịch vụ không thiết yếu", chuyên gia cho hay.

Đồng thời luôn luôn đọc kỹ các quy định, điều khoản về bảo mật trước khi khai báo dữ liệu, thiết lập bảo mật cẩn thận cho các tài khoản quan trọng như tài khoản gmail ...

Hình ảnh nội dung tin nhắn của kẻ lừa đảo yêu cầu phụ huynh chuyển tiền để cấp cứu cho con. (Ảnh: Bộ Công an)

Hình ảnh nội dung tin nhắn của kẻ lừa đảo yêu cầu phụ huynh chuyển tiền để cấp cứu cho con. (Ảnh: Bộ Công an)

Thượng tá, tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) nhận định, để thực hiện hành vi lừa đảo qua điện thoại, đối tượng ngoài việc có số điện thoại của phụ huynh, chúng còn nắm rõ thông tin cá nhân, quan hệ với học sinh. Từ đây, chứng tỏ danh sách học sinh với tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh đã bị lộ lọt.

“Nguồn lộ lọt thông tin có thể vô tình hoặc cố ý từ nhà trường, lớp học, ban phụ huynh; các nhóm chat trên các nền tảng Facebook, Zalo… giữa phụ huynh và giáo viên.

Ngoài ra, bộ phận quản lý học viên tại các trung tâm dạy thêm, cũng có danh sách học sinh, phụ huynh kèm số điện thoại”, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định.

Vị chuyên gia đánh giá, chiêu trò lừa đảo “con đang cấp cứu” khác với những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng trước đây như giả danh cơ quan cung cấp dịch vụ thiết yếu (ngân hàng, bưu điện, điện, nước, gas), danh cơ quan pháp luật … theo đó, đối tượng thường gọi tới bất kỳ số điện thoại nào, không xác định trước được nạn nhân.

“Đối tượng lừa đảo đã xác định trước mục tiêu, căn cứ theo thông tin cá nhân của bị hại mà chúng có”, ông Hiếu phân tích.

Một chuyên gia về an ninh nhận định, còn nhiều vướng mắc trong khâu phối hợp giữa ngân hàng với cơ quan chức năng để xử lý những kẻ lừa đảo qua điện thoại và online.

Cụ thể, khi nhận được tin báo của người dân về việc bị lừa đảo, nhờ can thiệp, công an sẽ yêu cầu ngân hàng chặn dòng tiền chuyển đến tài khoản đối tượng cung cấp. Tuy nhiên với lý do bảo vệ quyền lợi khách hàng, ngân hàng sẽ yêu cầu cơ quan công an phải có quyết định khởi tố vụ án và công văn kèm theo.

Luật sư Trương Quốc Hoè cho hay, những kẻ lừa đảo sẽ dụng mạng ảo, sim rác… để dụ dỗ, lừa đảo những đối tượng là phụ huynh. Trong trường hợp này, cơ quan công điều tra cũng gặp khó khăn.

Đối với hành vi lừa đảo và đã lấy được tiền từ phụ huynh là các hành vi phạm tội đã hoàn thành, cấu thành tội lừa đảo được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự. Nếu kẻ lừa đảo đã tái phạm nhiều lần, có thể bị tình tiết tăng nặng.

“Về nguyên tắc, bệnh viện sẽ cấp cứu cho người gặp tai nạn và không cần phải nộp phí ngay. Việc nộp viện phí chỉ khi nạn nhân ra viện và người nhà nộp tiền trực tiếp bệnh viện”, ông Hoè chia sẻ.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Về xử phạt hành chính được quy định tại khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về thu nhập, sử dụng thông tin cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

+ Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;

+ Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;

+ Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân người khác.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với những hành vi vi phạm về thu nhập, sử dụng thông tin cá nhân khác, bao gồm:

+ Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;

+ Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.

- Về xử lý hình sự: Hành vi cho tặng, mua bán, sử dụng thông tin cá nhân mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó nhằm thu lợi bất chính thì tùy tính chất mức độ và số tiền hưởng lợi mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với hình phạt tiền lên đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù đến 7 năm.

Mạnh Đoàn