Đều đã trên dưới 90 hoặc gần trăm tuổi cả rồi nhưng dường như ai cũng muốn được thấy, được len vào nhịp sống đang ngày mỗi hối hả. Khi ghé thăm siêu thị mini, khi ngó nghiêng những cửa hàng tin học, điện máy, khi ghé quầy hàng sách báo, khi hỏi chuyện anh xe ôm, anh thợ khóa, chị gánh rong… Khi gặp người quen thì vẫn cứ líu ríu thăm hỏi, cười vang góc phố.
Phải chăng chính "lò lửa" Điện Biên Phủ, chính cuộc đời cách mạng và chiến trận khắp miền đất nước đã tôi luyện để những con người chiến binh trở nên cứng cỏi thành lão tiên, lão thực giản dị, tha thiết với cuộc sống.
Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên diễu hành trong Lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Điện Biên. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Chúng tôi vẫn thường nghĩ thế hệ chống Mỹ, cứu nước của mình có may mắn lớn nhất và không thể kể hết là luôn luôn có những chiến binh của cách mạng và kháng chiến chống Pháp dìu dắt.
Họ đi trước, nghĩ trước, là những chỉ huy, những bậc cha chú rồi sau này là những người luôn dõi theo, cổ vũ mỗi bước chân, mỗi chặng đường chúng tôi đi. Thuở chúng tôi là lính mới binh nhì, họ đều đã là chỉ huy trung đoàn, sư đoàn, quân binh chủng.
Những ngày hành quân dài đúng vào lúc đến trọng điểm bom Mỹ đang giội xuống mà tất cả chúng tôi đều phồng rộp chân, vai tấy đỏ vì mang đeo nặng nhưng “mệnh lệnh từ trên tất cả phải nhanh chóng vượt qua”. Đại đội trưởng truyền xuống thế và trong đêm tất cả chúng tôi đều đến đích.
Một đêm giữa chiến dịch B-52 rải thảm xuống thành phố cảng Hải Phòng, đột nhiên có lệnh các hạm tàu của chúng tôi phải lập tức rời khỏi vị trí neo đậu bên sông Cấm.
Ít phút sau, toàn bộ khu vực đó chìm trong lửa đỏ… Chúng tôi được biết mệnh lệnh ấy từ Trung đoàn trưởng vốn là một chiến sĩ Điện Biên. Và Chính ủy của chúng tôi cũng vậy.
Tôi nhớ ông phân tích, chỉ bảo để đám thủy thủ chúng tôi biết cách vượt qua say sóng, biết ăn, biết ở thế nào để đơn vị sống nhờ nhà dân mà được lòng dân; lại biết làm thêm nhiều việc kể cả sáng tác kịch, múa, viết lời cho liên khúc chèo…
Sau này, trong Mùa xuân Đại thắng 1975, khi được đi cùng các đơn vị thần tốc đánh địch trong hành tiến, tôi luôn được thấy những gương mặt Điện Biên trong những mũi tiến quân giải phóng Huế, Đà Nẵng rồi các tỉnh Nam Trung Bộ.
Có trường hợp phó tư lệnh quân đoàn ngồi trên xe tăng xông thẳng vào giữa phòng tuyến địch. Và trong giờ phút đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập, những chỉ huy cao cấp của sư đoàn, quân đoàn và chiến dịch cũng đã có mặt.
Những năm sau, khi khói lửa bùng lên ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc rồi Quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia đánh dẹp bọn diệt chủng Khmer Đỏ, giúp nước bạn hồi sinh, chúng tôi vẫn được gặp những vị chỉ huy đã làm nên “lừng lẫy Điện Biên” trên các mặt trận.
Vào Nam ra Bắc rồi lại ra Bắc vào Nam, làm Quân tình nguyện trên các đất nước bạn đợt này đợt khác.
Những cuộc hành quân của họ không bao giờ ngưng nghỉ qua các cuộc chiến tranh giải phóng tiếp liền sang các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. 30 năm, 40 năm và hơn thế nữa, gần trọn một đời người.
Những cuộc đời hòa cùng nhân dân rau cháo sắn khoai nuôi nhau, lúc nào cũng thèm nhớ những bữa cơm rau cháo bên gia đình. Họ phải chịu cảnh xa cách, chia ly để mọi mái nhà và cả đất nước đoàn tụ, gắn kết. Đó cũng là một phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ mãi mãi ghi sâu trong tâm tưởng những thế hệ hôm nay và mai sau.
Cũng là thế hệ Cách mạng Tháng Tám-Điện Biên Phủ ấy đã trở thành nòng cốt khai phá con đường khôi phục, dựng xây và phát triển đất nước.
Họ gánh vác trách nhiệm cùng các thế hệ đi sau làm xanh lại mỗi miền quê, đưa một dân tộc đói nghèo sớm trở nên no đủ và dư dả, đưa một đất nước nông nghiệp lạc hậu vững bước trên những thang bậc đầu tiên công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Có những bỡ ngỡ, chập chững, có những vấp váp, sai lầm trong một sự nghiệp lớn lao, mới mẻ nhưng có những con người kiên trung, dày dạn luôn sát cánh và dõi theo chúng ta không bao giờ đi chệch con đường lớn dẫn tới tương lai.
Vượt qua những chặng dài chúng ta đã đưa đất nước từ mức thu nhập thấp lên mức thu nhập trung bình, đưa chỉ số phát triển con người lên mức trung bình cao.
Và mới nhất, tháng 4/2019 này, Thương hiệu quốc gia (Nation Brands) Việt Nam được tổ chức Brand Finance đánh giá có giá trị 235 tỷ USD, xếp hạng 43/100 quốc gia được đánh giá và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh với mức A+.
Đã thành quen thuộc, từ năm 2013, chúng ta đã xây dựng và triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia. Đến năm 2018, cả nước đã có 97 doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận Thương hiệu quốc gia.
Con số đó còn thấp, nhất là những thương hiệu quốc gia mang tầm thế giới, song có thể thấy các doanh nghiệp này đã đưa tổng doanh thu của họ lên mức 920.000 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 6 tỷ USD.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh |
Về đóng góp xã hội, các doanh nghiệp này đã nộp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, thu hút hàng trăm nghìn lao động và hỗ trợ an sinh cho cộng đồng hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thương hiệu quốc gia trong cách đánh giá của các tổ chức quốc tế không chỉ được xem xét dưới góc độ thuần túy về các doanh nghiệp mà giá trị được bao quát hơn.
Theo Brand Finance, tổ chức đưa ra báo cáo thường niên về thương hiệu quốc gia được thừa nhận rộng rãi nhất hiện nay, thì thương hiệu quốc gia được cấu thành bởi 4 nhóm thành tố: Đầu tư; du lịch; sản phẩm và dịch vụ; con người và tài năng.
Nhìn nhận về các thành tố đó thì có lẽ người Việt Nam nào cũng đã thấy sự tiến bộ, phát triển của đất nước hiển hiện ngay trước mắt mình.
Qua giai đoạn chững lại vì khó khăn trong nước và tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng và bứt vượt mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Đầu tư trong nước, nước ngoài tăng lên qua mỗi năm. Đầu tư, du lịch, sản phẩm và dịch vụ liên tục đạt các kỷ lục mới. Con người và tài năng ngày càng được chú trọng từ đổi mới trong giáo dục, đào tạo đến sử dụng, bồi dưỡng…
Chỉ riêng sự cởi mở, đa dạng về văn hóa và sự thân thiện với khách du lịch, ý thức về môi trường thì không một vùng quê, điểm đến nào không tạo được cái mới từ người dân và sự cảm nhận của khách nước ngoài…
Hình ảnh đất nước, thương hiệu quốc gia trong hòa bình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc chính là sự tiếp nối của âm vang “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Tây Bắc, Điện Biên mỗi ngày thêm gần lại, chẳng phải chỉ ngày kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mà quanh năm miền đất này không khi nào vắng khách.
Khách từ Hà Nội và các địa phương phía Bắc đã đành, mà khách từ mọi miền, từ phương Nam, từ mũi đất Cà Mau, Hà Tiên...
Đến để được biết, được hiểu, được tri ân và đến để được thấy, được thụ hưởng những đổi thay, những nét đẹp độc đáo của cảnh sắc, của con người. Nhiều năm lại đây, người dân cả nước đã quá quen thuộc với cái tên gạo tẻ, gạo nếp Điện Biên, với mận Sơn La, sữa Mộc Châu…
Hà Nội-Điện Biên Phủ: 500km. Ngày xa ấy phải mất hai ngày đường ô tô chúng tôi mới lên được Điện Biên. Nhưng nhiều năm nay rồi đường mới đã mở, rộng thoáng, các chuyến bay đến và đi nhiều hơn.
Điện Biên Phủ đã vì cả nước và cả nước đã dốc sức vì Điện Biên chiến thắng năm xưa thì thời hòa bình, sự gắn bó máu thịt ấy được nâng lên trong điều kiện mới, bằng những phương cách mới.
Thủy điện Hòa Bình được khởi công chỉ ít năm sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Tiếp theo đó là Thủy điện Sơn La, Lai Châu.
Bà con các dân tộc Tây Bắc đã góp sức người, sức của năm xưa thì thời hòa bình dựng xây lại dứt lòng rời bỏ bản làng, nương rẫy để xây dựng những công trình cho Tổ quốc.
Và thời sự những năm tháng này là những đoàn người, đoàn xe nối tiếp nhau đến với miền Tây Bắc-Điện Biên. Thế hệ Bộ đội Cụ Hồ hôm nay cùng những cán bộ, công nhân của các bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương, các trung tâm khoa học cùng các doanh nghiệp đã đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Những cái tên Mường Nhé, Leng Su Sìn, Mường Chà… mỗi ngày mỗi thêm thân thuộc.
Điện Biên, Tây Bắc đang hòa nhịp phát triển cùng cả nước. Đó cũng chính là con đường trang sử vàng Điện Biên Phủ mở ra để Tổ quốc mãi tươi sáng cùng lừng lẫy Điện Biên.