Anh Võ Văn Huệ và Bùi Văn Phước, công nhân Công ty TNHH-MTV Thoát nước đô thị TP.HCM - đơn vị mà giám đốc nhận lương 2,6 tỉ đồng/năm, nạo vét hệ thống cống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh. Các anh cho biết tiền lương của mình hiện nay là 8 triệu đồng/tháng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
1. Cách đây hơn 1 tháng, khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán năm 2012, dân tình đã kêu trời vì đất nước đang khó khăn mà các sếp tại một số tập đoàn, tổng công ty vẫn hưởng lương cao 60 – 70 triệu/tháng.
Nhưng mới đây, khi biết tại 4 doanh nghiệp “còi” phục vụ công ích của TP. Hồ Chí Mình, các vị Chủ tịch, Giám đốc đều có mức lương tiền tỷ, bình quân cả vài trăm triệu/tháng thì dân tình mới tá hỏa; quay lại… thương mấy sếp ở Tập đoàn.
Thương vì sao? Vì rõ ràng, các sếp ở tập đoàn công to việc lớn, sấp ngửa lo cho cả vạn con người, bục mặt tính toán quản lý cả chục ngàn tỷ vốn nhà nước. Ấy vậy mà hưởng lương có dăm bảy chục triệu đã bị kêu cháy đồi, như muốn như móc họng ra.
Đằng này, mấy sếp quản lý công ty công ích cấp thành phố, kê cao gối ngủ, đường ngập cứ việc đổ tại trời mưa, phố bẩn cứ việc chửi dân xả rác, đèn cháy cứ việc mắng nhà nước không cấp tiền thay… thế mà lương thì lại cao gấp vài chục lần lương… các vị lãnh đạo cao cấp của nhà nước.
Khi được hỏi vì sao là công ty thuộc khối công ích mà lại chi lương lãnh đạo cao bất thường, gấp hàng chục lần so với người lao động như thế, một vị chủ tịch trong “bè lũ bốn tên” được lãnh đạo TP. HCM nếu đích danh đã bình thản trả lời rằng: “Tôi không bàn cao hay thấp mà chỉ nói đến đúng hay sai. Việc hưởng lương cao cũng nhờ từ công sức mà ông đóng góp và được sự đồng tình của người lao động”.
Vâng! Quý hóa quá! Bây giờ thì em đã hiểu vì sao đường Sài Gòn lại hay ngập đến thế, đèn Sài Gòn lại tối đến thế, cầu cống Sài Gòn lại sập xệ đến thế và cây Sài Gòn lại kém xanh đến thế!
2. Thật ra, việc người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là cán bộ quản lý, có mức lương tiệm cận với đối tượng tương đương ở khối ngoài quốc doanh là niềm mơ ước, là khát khao chính đáng, là mục tiêu phấn đấu không có gì phải xấu hổ.
Cổ nhân dạy rằng “có thực mới vực được đạo”; chúng ta không thể nào bắt “người nhà nước” là cứ phải làm hết mình và nhận một đồng lương còm. Thậm chí, việc tăng lương, đẩy mức lương lên cao còn là một việc vô cùng cần thiết, rất thiết thực trong việc khuyến khích lao động, sáng tạo và phòng chống tham nhũng.
Nhìn sang quốc gia láng giềng Singapore, nơi nổi tiếng về sự trong sạch, mức lương của người “làm nhà nước” ở họ dư sức nuôi bản thân và gia đình. Thế nhưng chính phủ Singapore vẫn đều đặn tăng lương cho họ cùng với câu nói rất nổi tiếng của Thủ tướng Lý Hiển Long “Singapore cần những bộ óc hàng đầu cho những tổ chức hàng đầu.
Chúng ta không nên để họ phải chịu những hy sinh tài chính vô lý”. Lương cao giúp bộ máy hoạt động hiệu quả, trong sạch và luôn thu hút được những người tài năng nhất. Đó là mối liên hệ giữa tiền lương và trách nhiệm. Vì thế, việc một ông Chủ tịch công ty nhận 2,6 tỷ tiền lương một năm cũng không nên coi là lạ nếu như đó là những đồng tiền minh bạch và xứng đáng; nếu đó là sự trả công chính xác cho những đóng góp giúp doanh nghiệp ăn nên làm gia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tuy nhiên, câu chuyện ở 4 công ty dịch vụ công ích nêu ở đây cũng như rất nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, vấn đề dường như không phải vậy. Nếu nhìn vào hạ tầng dịch vụ công ích xã hội của Sài Thành và nhìn sang bảng lương của các vị “quan chức doanh nghiêp” chuyên trách ngành này tại đây, chắc hẳn ai cũng phải lắc đầu ngao ngán.
Có thể họ làm ăn có lãi, với những mánh lới, hợp đồng nọ, dịch vụ kia; nhưng trách nhiệm với hạ tầng công ích, với nhân dân thì không thể nói là hoàn thành. Và lẽ ra, nếu kinh doanh có lãi, với trách nhiệm là doanh nghiệp công ích, các vị lãnh đạo ở đây cần dùng tiền đó đầu tư bổ sung để phát triển, nâng cao cho nhiệm vụ công ích. Đằng này, theo đúng tư duy của doanh nghiệp nhà nước là “lãi do tài lãnh đạo, lỗ do cơ chế” họ nghiễm nhiên cho rằng mình có quyền được hưởng mức lương “khủng” đến ngỡ ngàng kia. Ở đây, cần đặt ra vấn đề về lòng tự trọng của người lãnh đạo.
3. Trong khi mức lương bình quân của các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP HCM chỉ là 7,3 triệu đồng mỗi tháng thì mức lương bình quân tại 4 doanh phục vụ công ích kia lại hơn đến 3 lần, lên đến 22 triệu đồng một tháng. Một con số rất đáng nghi ngờ.
Họ làm ăn tài thật hay đó là cách bòn rút, “xẻ thịt nhà nước”, tham nhũng công khai? Nếu tài thật thì cần vinh danh nhưng nếu sai phạm thì cần nghiêm trị. Lãnh đạo TP. HCM đã giao Sở Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng phân tích nguyên nhân lợi nhuận, thu nhập của các doanh nghiệp công ích cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Và dư luận đòi hỏi sớm có câu trả lời.
Phạm Nguyễn