Sự kiện Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có kế hoạch thay đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch khiến giới đầu tư chứng khoán sốc và ngay lập tức phản ứng khi thông tin được công bố.
Trước đó, vào ngày 10/10/2017 đã diễn ra một sự việc chưa từng có tiền lệ trên thị trường chứng khoán đó là việc Hội đồng Quản trị Sacombank lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về kế hoạch thay đổi mã chứng khoán và chuyển sàn niêm yết.
Cụ thể, Hội đồng Quản trị Sacombank muốn đổi mã chứng khoán STB thành SCM, chuyển niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Thông tin bất ngờ trên của Sacombank khiến không ít người đồn đoán về ý tưởng có phần táo bạo trên là của ông Dương Công Minh - người mới ngồi ghế nóng Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sacombank cách đây vài tháng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank - ông Dương Công Minh cho rằng, mã chứng khoán STB bị người ta nói có nghĩa là "Sao Thái Bạch". Ảnh trên Báo Lao động. |
Trả lời báo giới về việc đột ngột thay đổi mã chứng khoán và đổi luôn cả sàn giao dịch, ông Dương Công Minh cho hay, mã chứng khoán STB hiện nay có hai vấn đề. Một là về mặt phong thủy, người ta nói STB có nghĩa là "Sao Thái Bạch".
Theo phong thủy đây là sao rất xấu, gắn liền với câu "Thái Bạch quét sạch của nhà". Bị sao này chiếu sẽ gặp hạn về sức khỏe, làm ăn thua lỗ… Do vậy để thoát khỏi quan niệm này Sacombank đổi mã chứng khoán.
Chưa kể mã STB này cũng gần với mã SBT của Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, do vậy cũng dễ gây nhầm lẫn.
Cũng theo ông Dương Công Minh, Sacombank chọn mã SCM với ý nghĩa là “Sacombank - Công khai - Minh bạch” vì hội đủ yếu tố là không trùng với mã chứng khoán khác, lấy từ thương hiệu Sacombank và không bị “dịch” ra nghĩa xấu.
Nhiều dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát |
Còn theo các chuyên gia phân tích, việc Sacombank đổi mã chứng khoán và chuyển niêm yết sẽ gặp không ít khó khăn bởi đó là quyết định chưa từng có từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Thứ nhất, thị trường chưa từng có tiền lệ đổi mã chứng khoán nếu không hình thành pháp nhân mới.
Theo quy định của Trung tâm lưu ký Việt Nam (VSD), mã chứng khoán đã được Trung tâm lưu ký cấp sẽ không được thay đổi trừ trường hợp Tổ chức phát hành hủy đăng ký chứng khoán.
Đối với Sacombank, ngân hàng này sẽ thực hiện theo các bước: Hủy đăng ký chứng khoán STB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD); hủy đăng ký, niêm yết STB tại HoSE; Đăng ký chứng khoán SCM tại Trung tâm lưu ký và sau cùng là niêm yết SCM trên Sàn giao dịch Hà Nội (HNX).
Trước đó, thị trường chứng khoán cũng có trường hợp đổi mã chứng khoán, nhưng đó là do hợp nhất các doanh nghiệp tạo thành một pháp nhân khác.
Như Công ty Cổ phần Chứng khoán Hải Phòng đổi từ mã HPC thành HAC sau khi hợp nhất với chứng khoán Á Âu tạo thành một công ty mới dù vẫn giữ tên gọi ban đầu.
Vấn đề thứ hai là việc các doanh nghiệp chuyển sàn từ trước đến nay nếu không phải trường hợp “rớt hạng” từ HOSE/HNX xuống Thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCom) thì đều chọn chuyển từ Sàn giao dịch Hà Nội sang Sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc chuyển sàn này nâng cao thương hiệu doanh nghiệp và có nhiều cơ hội để các tổ chức uy tín lựa chọn đầu tư. Còn Sacombank lại làm ngược lại, điều đó có thể gây ra bất lợi cho thương hiệu này và ảnh hưởng tới các nhà đầu tư.
Ngay khi thông tin Sacombank chuyển sàn được công bố, giới đầu tư đã đưa ra những nhận định, phân tích về những điều sẽ xảy ra đối với cổ phiếu STB nếu chuyển về sàn Hà Nội.
Vấn đề đầu tiên Sacombank sẽ phải đối mặt đó là việc STB sẽ không còn đủ điều kiện nằm trong danh mục của quỹ Hoán đổi danh mục (FTSE ETF) do quỹ này chỉ lựa chọn cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE. Hiện tại, STB đang chiếm tỷ trọng 3,08% trong danh mục của quỹ này.
Nhiều quỹ cũng có tiêu chí chỉ đầu tư vào các cổ phiếu trên HOSE và như vậy Sacombank chuyển sang HNX thì đồng nghĩa họ sẽ không còn lựa chọn STB.
Như vậy, cổ phiếu của Sacombank sẽ đối mặt với việc bị các quỹ nói trên bán ra nếu chuyển sang sàn HNX.
Đổi mã chứng khoán không có ý nghĩa
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia phân tích chứng khoán Huy Nam cho rằng: “Thứ nhất, việc đổi mã chứng khoán cũng không có luậtt nào cấm. Thứ hai, đổi sàn chứng khoán thì pháp luật cũng không cấm, doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được.
Việc đổi mã chứng khoán có thể do liên quan đến hàng loạt những vấn đề như nhân sự, kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng trong thời gian vừa qua của doanh nghiệp. Đặc biệt, Sacombank lại vừa có sự đổi mới mạnh mẽ về bộ máy nhân sự cấp cao.
Người ta cũng muốn đổi mới luôn tên mã chứng khoán để làm mới mà được xem như khai sinh mới.
Cũng có ý kiến thiên về việc đổi tên này có gì đó được cho là dị đoan, mê tín mà như ông Dương Công Minh nói mã chứng khoán STB của Sacombank bị dịch ra là Sao Thái Bạch".
Trước nhiều nhận định việc Sacombank đổi mã chứng khoán, đổi sàn niêm yến có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, chuyên gia Huy Nam cũng chỉ ra: “Bất cứ một doanh nghiệp nào đang hoạt động bình thường mà đổi mã chứng khoán là không nên bởi sự thay đổi ấy không có ý nghĩa gì.
Hơn nữa, việc Sacombank muốn đổi mã và đổi cả sàn giao dịch từ HoSE về HNX là nghịch, bởi sàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là nơi lớn quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn, vì vậy đây là quyết định được cho là rất bất ngờ của Sacombank”.
Trên tờ Người Lao động, ông Lê Hải Trà - Ủy viên Hội đồng Quản trị, phụ trách Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), cho biết HoSE hiện chiếm hơn 90% giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, với hơn 91 tỷ USD, trong khi HNX chỉ hơn 8 tỷ USD, tính ra gấp hơn 11 lần.
Như vậy, STB nếu chuyển sàn thì đã từ chối một sân chơi lớn, bởi doanh nghiệp này đang nằm trong rổ chỉ số VN30 mà các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ ETFs thường xuyên quan tâm.
Nếu doanh nghiệp rời khỏi một vị trí cao hơn để đi đến một vị trí thấp hơn đương nhiên sẽ bị mất quyền lợi, nghĩa là tự mình loại mình ra khỏi cuộc chơi lớn.
Nếu nói về lợi ích của các nhà đầu tư, của doanh nghiệp thì rõ ràng đây không phải là lựa chọn khôn ngoan, vì không ai "bơi" ngược dòng như vậy.
Trước đó, vào ngày 22/5/2017, Sacombank đã công bố báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2015 và 2016.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Sacombank năm 2015 đã sụt giảm gần một nửa xuống còn 698 tỷ. Năm 2016, lợi nhuận của Sacombank giảm 67,3% so với trước kiểm toán, từ 297 tỷ xuống còn 97 tỷ đồng.