Ba đối tượng trong vụ truy sát GĐ Bệnh viện Thanh Nhàn Đào Quang Minh |
Cái giá của một mạng người lúc đó khá lớn, bằng 100m2 đất mà Trưởng cho vợ chồng Luân. Lý do để bọn chúng xuống tay là để giết người diệt khẩu, vô hiệu hoá vĩnh viễn người tố cáo sai phạm của mình. Gần 4 năm sau, giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn trở thành nạn nhân truy sát chỉ với giá 31 triệu đồng (chia cho 4 sát thủ) và lý do xuống tay chỉ là quyền lợi từ 2 chiếc ô tô phục vụ tang lễ của một ông chủ còi. Nhưng so với nhiều vụ giết người khác, cái giá 100m2 đất và 31 triệu vẫn là quá xa xỉ. Nhiều mạng sống bị tước bỏ trong chớp mắt mà kẻ sát nhân không nhận được bất cứ cắc bạc lẻ nào và cũng chả có ai thuê khoán, nhờ vả sát thủ. Trên mạng xã hội đang lan truyền một tổng kết hết sức đau lòng về những cái chết uất ức. Đó chỉ là những cái chết được báo chí đăng tải, mà báo chí thì chỉ phản ánh được một phần hiện thực. Một mạng sống bị tước bỏ chỉ vì nạn nhân "dám có" những hành vi, cử chỉ rất nhỏ nhặt, thậm chí bình thuờng trong cuộc sống. Vuốt tóc khi chờ mua hủ tiếu- bị đâm chết; Ăn xong không chịu rửa bát - bị đâm chết; Không dọn cơm ra ăn - bị đâm chết; Dọn cơm ra không chịu ăn - bị đâm chết; Ăn nhậu xong giành trả tiền - bị đâm chết; Ăn xong không trả tiền - bị đâm chết; Chê xấu trai - bị đánh chết; Khen đẹp trai - bị đánh chết; đi hát karaoke vào nhầm phòng- bị đâm chết; Dừng xe không tắt máy - bị đâm chết; Chê nhạc dở - bị đâm chết; Khuyên đi ngủ không nghe - bị đâm chết... Sự leo thang của cái ác song hành với sự xuống giá của mạng sống, đã làm cho nhiều chuẩn mực xã hội thay đổi. Có một nguyên tắc bất thành văn đã được "phổ biến" truyền kinh nghiệm cho nhau. Những người tử tế, kể cả người cao tuổi, khi có va chạm với "tầng lớp choai choai tóc xanh tóc đỏ" đáng tuổi con cháu mình, dù mình đúng 100% cũng phải nhanh chóng "I'm sorry", thậm rút tiền bồi thường ngược, rồi nhanh chóng "tẩu vi thượng sách". Mỗi một sinh linh chào đời, là sự gửi gắm và chờ đợi của tạo hoá, của bố mẹ, gia đình và thậm chí là họ tộc. Vì vậy, mạng sống là vô giá. Một người "khác máu tanh lòng" như nhà báo Mai Anh cũng có thể trở thành người mẹ tuyệt vời của chú lính chì Thiện Nhân, người bị chính mẹ ruột bỏ rơi cho thú hoang gặm nát một phần cơ thể. Chị Mai Anh biết rằng có nỗ lực bao nhiêu đi chăng nữa, có hi sinh bao nhiêu chăng nữa, thì vẫn là cái giá rất rẻ để cứu chuộc và hồi sinh mạng sống. Nhưng có bao nhiêu người nghĩ và làm được như Mai Anh? Ngày 6/3, chỉ trước Quốc tế phụ nữ đúng hai hôm, nữ sinh Nguyễn Thị Uyên T (Ninh Thuận) đã xuống tay sát hại con ruột của mình khi bé vừa chào đời, bằng cách bóp mũi, bịt mồm và vứt "khúc ruột liền" của mình vào sọt rác. Hổ dữ không ăn thịt con, nhưng người mẹ trẻ ấy còn nhẫn tâm hơn loài hổ. Tại sao tội ác lên ngôi? Anh Đặng Văn Nỡ - người lao vào bọn cướp và cứu thiếu nữ đi xe SH Nguyễn Thị Ngọc Thuý (TP. HCM) khi chị bị cướp chém gần đứt lìa bàn tay - nói trong đau xót: "Việc giúp đỡ người gặp nạn là chuyện thường tình, nhưng tôi băn khoăn lúc xảy ra chuyện cũng có nhiều người đi qua nhưng họ đã không dừng lại để can thiệp". À thì ra sự vô cảm và nỗi sợ hãi của đồng loại, cũng góp phần làm cái ác lên ngôi. Nhưng đó không phải nguyên nhân chính. Đề cập đến sự kiện rúng động này, ông Nguyễn Bá Thanh, khi ấy chưa là Trưởng ban Nội chính Trung ương đã phải đưa ra một thông điệp rất cứng rắn - cứng rắn đến độ nhiều "quan chức tròn vo" cảm thấy e ngại. Ông Thanh nói: "Xấu hổ thật! Một bộ máy khổng lồ, một hệ thống chính trị quá hùng hậu mà không bảo vệ được cuộc sống của người dân là quá kém... Phải nghiên cứu luật, cướp có vũ khí mà chống trả là có quyền bắn hạ." Trong bài hát nổi tiếng Gọi tên bốn mùa, Trịnh Công Sơn viết: "Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người". Câu hát nặng mang triết lý luân hồi của nhà Phật và triết lý cát bụi của đạo Thiên chúa về "bể khổ" của kiếp người ấy, đáng buồn thay, đang trở thành "hiện thực theo nghĩa đen", khi mà cuộc sống thường nhật của người dân ngày càng bị đe doạ nhiều hơn bởi cái ác. Khi nào mạng sống vô giá của con người còn được trao đổi, định đoạt bằng một cái giá nhất định, khi ấy "bộ máy khổng lồ" và "hệ thống hùng hậu" vẫn còn mắc nợ nhân dân.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Bùi Hải