Tìm người thân nhờ… facebook
Mạng xã hội không chỉ là phương tiện kết nối tốt mà người dùng còn có thể chia sẻ, kết bạn hiệu quả. Một trong những lợi ích lớn nhất của mạng xã hội là hiệu ứng lây lan giống như virut. Bất cứ một thông tin nào đăng tải trên trang cá nhân sẽ lan truyền đến đến hàng trăm, hàng triệu người.
Giá trị cốt lõi của một trang mạng xã hội bất kì đều phụ thuộc vào sự tham gia của các thành viên trong mạng. Tháng 9/2012, một cô sinh viên trường Học viện Báo chí tuyền truyền ở Hà Nội đã tìm được mẹ sau nhiều năm xa cách nhờ cộng đồng mạng xã hội. Dòng tin nhắn tìm mẹ của cô nữ sinh thu hút hàng chục nghìn lượt xem, trên 3.000 lượt chia sẻ, trên 13.000 bình luận.
Mạng xã hội trở thành công cụ giúp nhiều người kết nối với nhau |
Mạng xã hội còn giúp các thân nhân tìm mộ liệt sĩ, tìm lại những người bạn cũ xa cách do nhiều biến cố của cuộc sống. Từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều câu chuyện ý nghĩa, đầy tính nhân văn đã thu hút sự quan tâm, bình luận chia sẻ của cư dân mạng. Dù một số câu chuyện là có thật, một số là hư cấu nhưng những câu chuyện trên cũng gợi lên không ít những suy nghĩ, trăn trở của mỗi cư dân mạng về cuộc sống và tình người.
"Chúng ta lãng phí thời gian dùng mạng xã hội cho những việc vô bổ"
Clip VTV bình luận về "hội chứng cuồng facebook" tại Việt Nam
"Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam"
Tình thương, sự vô cảm, nỗi đau, hạnh phúc, những giọt nước mắt,… đủ những cung bậc tình cảm đã được những tác giả khuyết danh gửi gắm vào những câu chuyện, khơi dậy hơi ấm của trái tim trong mỗi con người mà phần nào đã “đóng băng” vì nhiều khát khao, mục đích, theo đuổi tầm thường.
Đầu năm 2012, câu chuyện đẫm nước mắt về người cha vĩ đại Trần Trung Hiếu cũng thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Li dị vợ, anh Hiếu phải rời xa đứa con trai bé bỏng nhưng mọi áp lực, ngăn cản từ gia đình nhà vợ cũng không thể chia lìa tình cảm và lòng yêu thương của người cha vĩ đại dành cho đứa con trai. Anh Hiếu đã làm tất cả để mình có được quyền chăm sóc con mình, kể cả chấp nhận việc bị đe dọa, đuổi đánh….
Chỉ cho đến khi anh qua đời vì bị em vợ đâm chết khi vượt qua mọi ngăn cản, thử thách phía nhà vợ để đến thăm con trai thì câu chuyện về tình phụ tử thiêng liêng của anh mới được đông đảo cư dân mạng biết đến và đã lay động trái tim của không biết bao người.
Bạn Phương Hạnh (Yên Sở, Hà Nội), chủ nhân của facebook “Bong bóng” xúc động kể lại, tình cờ truy cập vào trang mạng xã hội của một người bạn, bạn đã biết đến câu chuyện này và đọc được những dòng chữ đong đầy nước mắt và tình yêu thương con vô vàn trong video clip “nhật ký của ba” do anh Hiếu dành tặng đứa con trai yêu quí.
“Mình không thể cầm được nước mắt khi anh viết về con trai : thiên thần bé nhỏ của ba, con cười vui và nhiều như thế. Ba quay ngay để lưu lại khoảnh khắc này. Con còn nhỏ, con chưa hiểu, nhưng có một sự thật rằng, tiếng cười trong trẻo của con là hạnh phúc vô bờ của ba. Cảm ơn đời đã tặng con, bảo bối của ba… Ba biết, cái giá phải trả có thể lớn nhưng ba không bỏ con được….”, bạn Hạnh kể lại.
Trên Facebook, các diễn đàn webtretho, vOzforums,…. hàng loạt topic đã được lập nên kêu gọi cư dân mạng hãy đòi lại công lí cho người cha bất hạnh ấy thông qua các hoạt động, chiến dịch như thả bóng bay, phát tờ rơi hay thu thập chữ kí online….. Sức mạnh tình thương của cư dân mạng khi này đã phát huy tác dụng khi sự việc đang thu hút sự quan tâm phản ánh của báo chí và dư luận xã hội.
Những chuyến từ thiện “ảo” ấm áp tình người
Trang mạng xã hội không chỉ là nơi các bạn trẻ giao lưu, kết bạn, trò chuyện, chia sẻ thông tin mà còn là phương tiện kết nối những người đam mê làm từ thiện.
Hiện trên facebook có khá nhiều hội nhóm làm từ thiện được lập lên như: Hội những bạn trẻ yêu thiện nguyện, Tôi làm từ thiện, Saigon Friends, Trái tim online, Hội từ thiện trên facebook Việt…
Facebook và các mạng xã hội là nơi chia sẻ mọi cảm xúc |
Thành viên chủ yếu của những hội nhóm này là sinh viên, nhân viên văn phòng, doanh nhân với độ tuổi không giới hạn. Họ đến với nhóm thông qua sự giới thiệu của bạn bè, qua kết bạn trên facebook. Nguồn kinh phí làm từ thiện là đóng góp của các thành viên trong nhóm, đồng thời kêu gọi hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức xã hội.
Bạn Hương Thảo (Bắc Giang, Hà Nội) cho biết, bạn cũng rất hay tham gia những món từ thiện đi đến các vùng cao. Mỗi người tham gia đều hăng hái đóng góp tiền bạc, quần áo, sách vở. Độc đáo hơn, mọi người tự gây quỹ bằng cách tổ chức phiên đấu giá các đồ vật lạ, có kỉ niệm gắn với chủ nhân như: những chiếc áo phông in hình đặc biệt, USB hình máy ảnh, đồ chơi cổ, đồng tiền xu, tờ bạc không còn phát hành. Một số nhóm còn có ý tưởng tự làm bánh, đồ lưu niệm bán lấy tiền làm từ thiện.
Từ nguồn kinh phí quyên góp, các hội nhóm trao tặng học bổng, sách vở cho học sinh nghèo, hỗ trợ vật chất cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó còn tiến hành khám chữa bệnh tại các xã nghèo, xây dựng thư viện sách mini, tổ chức đón tết trung thu, noel cho trẻ em. Không chỉ là tiền bạc, rất nhiều nhóm từ thiện mang những suất cơm, bát cháo phát cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, người vô gia cư.
Th.S Nguyễn Hải Nguyên (ĐH KHXH-NV TPHCM) cho rằng, sự phát triển của mạng xã hội là điều tất yếu, vì các nguyên nhân: Đầu tiên là tính mới của dịch vụ. So với tuổi đời của các loại hình dịch vụ trực tuyến khác thì mạng xã hội còn khá “trẻ”. Xu hướng thích khám phá cái mới chính là động lực để người sử dụng internet, nhất là giới trẻ nồng nhiệt đón nhận các mạng xã hội.
Kế tiếp, ưu điểm của mạng xã hội so với các phương tiện truyền thông trước đây là độ tương tác, tính trò chuyện và kết nối cao hơn hẳn. Nguyên nhân thứ ba là mạng xã hội đáp ứng được nhu cầu đa dạng của con người một cách dễ dàng và nhanh chóng. Con người, sau những nhu cầu thiết yếu để tồn tại (ăn, uống) thì các nhu cầu về tinh thần như kết nối với cộng đồng, thể hiện khả năng, liên lạc và cập nhật thông tin trở nên cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH KHXH-NV TPHCM) nói: “Lúc ban đầu người ta cho rằng mạng xã hội không bền vững và ít giá trị vì nó là ảo nhưng càng ngày người ta thấy đó là nhận định sai lầm. Điều này được thể hiện khá cụ thể khi trên các mạng xã hội đã hình thành nên các nhóm khá vững chắc, nhất là các nhóm quy mô nhỏ quy tụ những người cùng sở thích, cùng chí hướng, mặc dầu họ không gặp nhau trực tiếp theo kiểu truyền thống mặt đối mặt nhưng điều đó không làm cho hoạt động của mạng kém hiệu quả. Nhiều nhóm có cả trưởng nhóm, có các điều phối viên và có quy chế hoạt động rất bài bản”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lê Uyên (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), với các tính năng trên mạng xã hội như duy trì mối quan hệ xã hội sẵn có và phát triển thêm những mối quan hệ xã hội mới; dễ dàng kết bạn với người lạ, bất cứ nơi đâu và dễ dàng quản lý nhóm bạn bè…, mạng xã hội đã “đánh trúng” nhu cầu của nhiều người, nhất là giới trẻ nên mạng xã hội không ngừng phát triển. (SGGP)
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Vietq