Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển do Fosmosa xả thải ra môi trường, cuộc sống ngư dân các xã biển bãi ngang Quảng Bình trở nên lay lắt vì bị mất nguồn thu chính từ biển, họ đang đứng trước nỗi lo không biết lấy tiền đâu ra cho con đến trường.
Nghỉ học đi làm thuê phụ mẹ nuôi em
Những ngày đầu tháng 8, cái nắng vẫn chói chang thiêu đốt những vùng đất cát Quảng Bình khô cằn. Nơi đây, lòng các ông bố, bà mẹ cũng như bị lửa đốt vì chưa chuẩn bị được tiền cho con đến trường khi năm học mới đang gần kề.
Đang cùng các con sắp lại chồng sách cũ của mấy đứa lớn để lại, chị Nguyễn Thị Tuyên (43 tuổi, ở thôn Tân Hải, xã biển bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) than thở: “Bé Hà sắp vào lớp 9 và bé Hường lớp 8 tận dụng thời gian hè đi ở thuê trên thành phố, còn bé Thêu (lớp 7) đi giữ bò thuê cho người ta kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Chắc sắp tới 3 đứa nó phải nghỉ học luôn đi làm phụ mẹ nuôi các em”.
Ngày trước khi biển chưa bị nhiễm độc, chồng chị là anh Mai Văn Thể đánh bắt trên biển mỗi tháng thu được trên dưới chục triệu.
Còn chị Tuyên ngoài việc đi chợ bán cá thì nuôi lợn, mỗi năm cũng được vài chục triệu. Thu nhập của hai vợ chồng tuy không giàu được, nhưng đủ để cho mấy đứa con ăn học.
Nhiều em nhỏ ở các xã biển bãi ngang đứng trước nguy cơ thất học vì bố mẹ mất nguồn thu chính từ biển (Ảnh: Thủy Phan) |
Nay biển bị nhiễm độc, anh Thể đánh bắt về không ai mua, chị đành phải nghỉ chợ. Lợn giống đắt, chị không có tiền mua giống để nuôi nhiều như trước đây.
Biển bãi ngang không còn đi được, anh Thể ra Đồng Hới đi làm cùng một tàu đánh bắt xa bờ. Mỗi chuyến đi biển hết 20 ngày, cá đánh bắt về không bán được giá nên anh chỉ được chủ trả công 2,5 triệu.
Năm học mới của các con đang đến gần, cứ tình hình này gia đình chị Tuyên chỉ còn cách cho mấy đứa lớn nghỉ học đi làm thuê để nuôi 3 đứa sau.
Gia đình chị Tuyên có đến 8 đứa con, 6 gái và 2 trai. Hai đứa con gái lớn học hết lớp 9 thì vào miền nam làm thuê. Ba đứa sau tranh thủ thời gian hè đi làm phụ giúp bố mẹ.
“Nhà đông con quá nên giờ khổ. Hai đứa lớn học hết lớp 9 phải nghỉ học thì đã đành, 3 đứa sau chưa học hết cấp 2 nhưng chắc sắp tới cũng phải nghỉ học để nhường mấy đứa em.
Trong nhà còn nợ ngân hàng mấy trăm triệu vì đợt trước nuôi tôm bị thua lỗ nên mỗi tháng các con đi làm gửi về chỉ đủ trả tiền lãi.
Vừa rồi chúng nó gửi cũng mua được sách vở cho thằng Thắng lớp 2, bé Thảo lớp 5 đã có sách cũ, còn thằng Thương học mẫu giáo chưa phải sắm sách, nhưng còn quần áo thì chưa sắm được.
Tiền đóng học cho 3 đứa không biết có lo đủ không huống chi cả 6 đứa cùng đi học”, chị Tuyên buồn bã nói.
Mong được học hết cấp 3
Không chỉ gia đình chị Tuyên, mà rất nhiều gia đình khác ở các xã biển bãi ngang cũng rơi vào cảnh tương tự.
Đến thời điểm này, bà Trương Thị Loan (54 tuổi, ở xã Hải Ninh) vẫn chưa biết lấy đâu ra tiền để mua sách vở, quần áo cho các con.
Nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ phải đi đánh bắt xa bờ cùng với thuyền bạn (Ảnh: Thủy Phan |
Hai đứa con bà là Trương Thị Linh học lớp 8 và Trương Văn Lệ học lớp 4 rất lo lắng vì không biết năm tới có được đi học nữa không?
Bà Loan cho biết: “Trước đây còn đi biển được, tôi lấy cá ra chợ bán mỗi ngày còn kiếm được vài trăm ngàn. Bây giờ biển như vậy, chắc tôi phải cho 2 đứa nghỉ học thôi.
Con bé Linh đòi đi học cho bằng được, nó nói muốn học hết cấp 3 để sau này đi nước ngoài làm ăn. Thương con lắm nhưng tôi biết lấy gì nuôi con ăn học đây”, bà Loan ngậm ngùi nói.
Nhiều học sinh Quảng Bình bỏ học theo nghề biển nay phải đi xa làm thuê |
Theo ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, cứ tình hình này, năm nay số lượng học sinh bỏ học sẽ tăng cao vì nhiều gia đình quá khó khăn, không thể cho con đến trường.
Để tránh tình trạng học sinh bỏ học, sắp tới UBND xã sẽ mời các trường trên địa bàn đến cùng tìm giải pháp. UBND xã sẽ đề nghị các trường kiến nghị với cấp trên hỗ trợ thêm dụng cụ học tập.
Vì Hải Ninh là xã bãi ngang nên nếu có cấp sách thì nên thông báo sớm đến gia đình các em.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng sẽ trích ngân sách để tu sửa, xây dựng thêm cơ sở vật chất cho các trường.